Tuesday 17 November 2009

Xà lan 800 tấn đứt neo, đâm cong cầu Thị Nghè




14h30 chiều nay, chiếc xà làn 800 tấn chở 8 dầm xà cừ bất ngờ bị đứt neo, trôi tự do rồi đâm vào cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP HCM làm đà ngang cầu bị nứt, cong.
> Cần ít nhất 2 tháng để khắc phục sự cố cầu Thị Nghè

Chiếc xà lan đã đâm thẳng vào thanh đà ngang cầu Thị Nghè. Ảnh: An Nhơn.

Xà lan gây tai nạn thuộc công trình gói thầu số 10, của dự án vệ sinh môi trường thành phố, do Tổng công ty xây dựng Trung Quốc thi công. Các thanh dầm cừ trên xà lan nặng hàng chục tấn dùng để đóng cọc dọc trên tuyến bờ kè kênh Nhiêu Lộc.

Trước đó, chiếc xà lan đang neo đậu ở hướng về đường Nguyễn Hữu Cảnh thì ngờ bị đứt neo, trôi giạt trên kênh Thị Nghè. Được khoảng 100 m, xà lan đập mạnh vào thân cầu làm đà ngang bị nứt và đội cong lên.

"Tôi nghe một âm thanh rầm, chiếc cầu bị rung lắc. Còn xà lan chui hẳn dưới gầm cầu. Mọi người đang chạy phía trên cầu hốt hoảng. Lúc đó, nước đang dâng cao, cách mặt cầu khoảng 2 mét. Chiếc xà lan trôi dạt từ trên phía Nguyễn Hữu Cảnh xuống" anh Nguyễn Văn Nam, người dân sống cạnh cầu kể lại.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng đã dùng tàu kéo và xà lan nhỏ chui dưới gầm cầu đẩy phương tiện gây tai nạn ra khỏi hiện trường nhưng nó đã bị kẹt cứng. Ông Lê Minh Thanh, cảnh sát giao thông đường thủy, cho biết, lực lượng cứu hộ tiến hành bơm nước vào để "đánh" chìm xà lan.

Theo ghi nhận của VnExpress.net, tại hiện trường, công tác cứu hộ nhằm hạn chế tối đa khả năng xấu nhất về cây cầu lâu đời ở Sài Gòn vẫn hết sức khẩn trương. Mặt nước so với thanh đà ngang cầu bị xà lan đâm vào khoảng 2 m. Thanh đà ngang của cầu đã bị cong, nứt. Phía trên mặt cầu cũng bị rạn. Các thanh dầm trên xà lan tuột về một góc, đội cầu.

Khoảng 16h30, trong lúc lực lượng chuyên ngành đã tiến hành bơm nước vào xà lan nhằm nhấn chìm nó xuống nhưng bất ngờ cầu bị rung, lắc mạnh làm mọi phương tiện đang chạy trên cầu phải tháo chạy. Ngay lập tức, giao thông trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn từ Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) và bên kia đầu cầu quận Bình Thạnh bị phong tỏa.

Cầu tiếp tục bị giật mạnh nhiều lần mỗi khi chiếc xà lan nhỏ khác chui dưới gầm cầu đẩy xà lan mắc kẹt ra. Trong khi đó, dù hoạt động hết công suất nhưng với chỉ có một máy bơm nước vào khoan, chiếc xà lan nặng 800 tấn này vẫn chưa thể chìm.

Đến 17h30, đội cứu hộ trung tâm thành phố với hàng chục cảnh sát đã có mặt triển khai phương án nhấn đắm xà lan. Gần chục máy bơm chuyên nghiệp được huy động hết công sức nhằm đánh chìm xà lan trong thời gian ngắn nhất.

Hiện, công tác cứu cầu vẫn đang triển khai khẩn trương. Giao thông thành phố ở khu vực này cũng bị rối loạn.

Thanh đà ngang của cầu bị nứt, cong khi dầm cừ trên xà lan đội lên. Ảnh: An Nhơn.

Ông Trần Quốc Thống, Điều phối viên của gói thầu số 10 cho biết, trước khi xảy ra sự cố, chiếc xà lan này đi thu gom các dầm cừ dọc theo tuyến kênh đang thi công còn sót lại. 4 ngày trước, xà lan này neo đậu cách cầu Thị Nghè khoảng 100 m, hướng về đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Cầu Thị Nghè là cây cầu bắc qua kênh Thị Nghè (đoạn gần hạ lưu đổ vào sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh, nằm phía sau Thảo Cầm Viên thành phố. Trong suốt giai đoạn chiến tranh, nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt.

An Nhơn

source

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA15C1A/

Cần ít nhất 2 tháng để khắc phục sự cố cầu Thị Nghè

19h20 tối nay, xà lan 800 tấn đã được đưa ra khỏi gầm cầu Thị Nghè. Theo khảo sát ban đầu, dầm biên của cây cầu lâu đời ở Sài Gòn bị cong và nứt và chắc chắn phải được thay mới.
> Xà lan 800 tấn đứt neo, đâm cong cầu Thị Nghè.

Cùng với thanh đà bị cong, mặt đường và trụ giữa cầu Thị Nghè đã xuất hiện nhiều vết nứt khi chiếc xà lan 800 tấn đâm vào. Cây cầu lâu đời dài hơn 100 mét, nối quận 1 và Bình Thạnh đang bị đe dọa nghiêm trọng.

"Nếu chỉ hư dầm thì thời gian sửa chữa khoảng 2 tháng. Nếu hư cả dầm và trụ thì ít nhất phải mất 3 tháng sửa chữa. Hiện chúng tôi dự định thuê một đơn vị khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng để giảm tải. Trước mắt, sẽ cấm xe từ 9 chỗ trở lên chạy qua cầu", ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đường bộ số 1, cho biết.

Cầu Thị Nghè dài 105 m, ngang 13 m, trọng tải 20 tấn, được xây trước năm 1975 đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi xà lan 800 tấn đâm vào lúc 14h chiều 17/11.
Khi xà lan đâm vào, các thanh dầm cừ nặng hàng chục tấn đội cầu Thị Nghè 3 cm.
Chiếc xà lan đã bị nghiêng một bên, khi các dầm cừ nặng hàng chục tấn dồn về góc đâm vào cầu.
Thanh đà ngang của cầu Thị Nghè bị rạn nứt, cong khi dầm cừ trên xà lan đâm vào và đội lên.
Cú đâm mạnh của xà lan làm cho thành cầu cũng bị nứt.
Trụ giữa cầu cũng bị rạn
Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng chức năng triển khai phương an bơm nước để nhấn chìm xà lan. Nhưng đến chiều tối, chiếc xà lan vẫn chưa chìm.
Tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai qua cầu đã bị phong tỏa. Giao thông khu vực bị rối loạn.

An Nhơn

source

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA15C32/

Các công ty môi giới “nổ” vang trời !



08-Tháng Mười Một-2009 02:58
Các công ty môi giới “nổ” vang trời !

Dù nhiều dự án nhà ở vẫn lờ mờ về pháp lý, chưa hoàn thiện hạ tầng, đền bù còn dở dang... song các công ty môi giới vẫn đưa ra chào bán

Trong lúc thị trường bất động sản TPHCM vẫn còn trong cơn suy thoái do sức mua giảm bởi những e ngại về thuế thu nhập cá nhân thì các thị trường Bình Dương, Đồng Nai, Long An... bỗng nổi lên như những khu vực đầy tiềm năng có thể giúp các nhà đầu tư hốt bạc tỉ.


Ồ ạt mời gọi mua nhà, đất


Hiện các công ty môi giới nhà, đất đang ồ ạt tung ra các chiêu quảng cáo, khuyến mãi trên khắp các mặt trận từ quảng cáo trên báo, thông qua mạng internet đến các tờ rơi dán trên cột điện... với mục tiêu là khuyến dụ khách hàng móc hầu bao để mua sản phẩm nhà, đất ở các khu đô thị của các tỉnh, thành ven TPHCM.


Công ty Đ.C quảng bá “Tưng bừng ngày hội đầu tư khu đô thị Mỹ Phước 4, tỉnh Bình Dương; kiến trúc thể hiện đẳng cấp, vị trí chiến lược; hàng hiếm số lượng có hạn... với giá chỉ từ 2 triệu đồng/m2”. Cũng đến từ Bình Dương, Công ty Đ.V đưa ra một dự án mới nằm trong khu đô thị Mỹ Phước với mức giá được đưa ra là 1,99 triệu đồng/m2 và khẳng định đây là cơ hội đứng ở “đỉnh sóng” của sự bùng nổ đầu tư vào Mỹ Phước.

Còn Công ty Becamex IJC, đơn vị chào bán dự án The Green River, cũng đăng quảng cáo trân trọng chúc mừng 350 khách hàng đầu tiên đã mua sản phẩm nhà phố và biệt thự thuộc giai đoạn 1 thành công... (!?). Dù pháp lý dự án còn mập mờ, cách bán hàng khá bát nháo song đơn vị này vẫn khuyến dụ khách hàng: “Tâm điểm đầu tư, an toàn – thắng chắc” (?!).


Khách hàng mua nhà đất chưa lường hết những rủi ro từ pháp lý dự án đến hợp đồng chuyển nhượng.
Trong ảnh: Nhiều khách hàng bị chủ đầu tư bắt đứng ngoài cửa trong buổi bốc thăm dự án The Green River. Ảnh: K.LONG


Không chỉ “tấn công” khách hàng thông qua những kênh ở trên, nhiều người phản ánh với chúng tôi, họ được các nhân viên môi giới nhà, đất chèo kéo bằng điện thoại, tin nhắn di động.

Anh Hoàng Ngọc (nhà ở quận 7) cho chúng tôi biết mới 6 giờ, điện thoại của anh đã bị réo với tin nhắn: “Chào mừng ngày 20-11, bán giá ưu đãi cực sốc cho khách hàng, cơ hội sở hữu nền đất ở dự án mới vị trí ngay sát sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai (công trình này chỉ mới nằm trên quy hoạch dự kiến – PV) với giá gốc 2 triệu đồng/m2 (đã có thuế GTGT), thanh toán trước 30%...”.


Từng đầu tư vào một số nền đất tại các dự án ở tỉnh vào thời điểm thị trường còn “nóng” sốt nhưng sau đó phải bán lỗ để trả nợ, anh Trần Thanh (nhà ở quận 3) ngán ngẩm mỗi khi chuông điện thoại di động reo, bởi cứ khoảng 5 - 7 cuộc gọi lại là một cuộc của người môi giới, cò đất giới thiệu mua nhà, đất ở các khu dân cư mới thuộc tỉnh Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ. Trong đó, dự án mới nhất là nền đất tại khu dân cư trung tâm hành chính huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Dương với nền đất ở mặt tiền đường rộng 40 m chỉ có 1,05 triệu đồng/m2, bao sổ đỏ...


Quá rủi ro


Theo các chuyên gia địa ốc, việc mua nền đất nếu chỉ dựa trên các quảng cáo của các công ty môi giới thì quá rủi ro. Bởi có khá nhiều công ty môi giới chỉ là các loại “cò” cao cấp, kinh doanh hết sức bát nháo. Các công ty này chẳng phải bỏ vốn đầu tư đền bù, san lấp, làm hạ tầng, chẳng phải chạy tới chạy lui làm thủ tục xin dự án... mà vẫn hưởng lợi khá nhiều từ việc mua bán lòng vòng hoặc môi giới cho các dự án quy hoạch khu dân cư.

Đau khổ hơn, nhiều người nắm chắc “một vốn, bốn lời” khi mua đất dự án, nay hoàn toàn suy sụp khi hay tin dự án đã bị thu hồi do chủ đầu tư vi phạm các quy định về Luật Đất đai. Qua những tài liệu chúng tôi có được, trên thực tế có rất nhiều trường hợp đóng tiền góp vốn mua nền đất nhưng cả thời gian dài sau 5-7 năm, đất dự án cũng chỉ là... dự án. Mỗi trường hợp tuy có khác biệt về hình thức nhưng bản chất giống nhau: mua nhà trên giấy, tức là mua “lúa non”!


Về cơ bản, giá nhà, đất khi hoàn thành sẽ cao hơn rất nhiều so với khởi điểm ban đầu, nên nếu trả một lần sẽ ít khách hàng dám đầu tư. Vì vậy việc bán “lúa non” đã đánh trúng tâm lý người mua: ít hay nhiều vốn đều có thể tham gia theo kiểu góp vốn, tiền đóng nhiều đợt.

Do đó, kẻ có tiền sẵn sàng mua sỉ hàng chục, thậm chí hàng trăm nền, còn người ít vốn cũng ráng gồng gánh vay mượn tham gia. Nhưng đi liền với “may” là rủi vì họ đã chấp nhận rủi ro khi đặt toàn bộ niềm tin vào chủ đầu tư, mặc cho chủ đầu tư đó vốn liếng thế nào, uy tín ra sao!

Nội dung hợp đồng phải cụ thể

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, khi dự án đổ vỡ, hợp đồng trở nên vô hiệu, chủ đầu tư chỉ trả lại tiền gốc và cộng thêm phần lãi suất tính theo lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng Nhà nước nên người mua lại không dễ lấy được phần tiền chênh lệch - vốn khá cao - so với giá gốc.

Do vậy, điều không thể không lưu ý là các nội dung trong bản hợp đồng phải được ghi rõ, đầy đủ (phương thức thanh toán, pháp lý của dự án thời gian thanh toán, các điều khoản về trách nhiệm của bên bán, bên mua...). Tất cả những nội dung này là cơ sở để kiện ra tòa nếu một trong hai bên có hành vi vi phạm.

Cẩn thận với mua bán nhà, đất dạng “lúa non”

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hầu hết các dự án nhà ở hiện nay rơi vào tình trạng “ba dở dang”: Đền bù dở dang, công trình dở dang và dự án dở dang.

Ông Châu cho rằng Nghị định 181 ghi rõ “xây xong nhà mới bán” nhưng sau đó lại chấp thuận cho góp vốn, không khác gì cho phép bán “lúa non”.

Rồi sau này Luật Nhà ở buộc xây xong móng mới huy động vốn, nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định chỉ thu tiền khi “đã bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ”, nhưng trên thực tế việc xử lý chủ đầu tư vi phạm vẫn bỏ ngỏ! Và đương nhiên khách hàng sẽ là người lãnh đủ mọi rủi ro.

T.Nguyễn

Hoàng Lan
source http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid2232/cac-cong-ty-moi-gioi-%E2%80%9Cno%E2%80%9D-vang-troi--.html

Monday 16 November 2009

Nhà 3 tầng đổ nghiêng


Thứ Ba, 17/11/2009 - 9:13 AM
Quảng Ninh:

Nhà 3 tầng đổ nghiêng, đè chết 1 người

(Dân trí) - Vào khoảng 20 giờ ngày 16/11, một ngôi nhà 3 tầng tại tổ 2, khu 6, phường Hồng Hải, TP Hạ Long bất ngờ đổ nghiêng, "dựa" vào ngôi nhà bên cạnh, đè chết một người đang ngồi xem ti vi.
Thông tin ban đầu cho biết, chủ ô đất bên cạnh ngôi nhà số 47 của ông Phùng Văn Bá (tổ 2, khu 6, phường Hồng Hải) cho thợ đào móng xây nhà, gây sụt lún và làm nhà ông Bá bị đổ nghiêng, đè lên ngôi nhà 3 tầng số 51 cùng dãy của Trung tâm Thí nghiệm kiểm định xây dựng thuộc Công ty Cổ phần xây dựng Bạch Đằng.

Nạn nhân xấu số bị ngôi nhà đổ sập đè chết
Những người chứng kiến sự việc cho biết, người đàn ông thiệt mạng tên là Sửu, khoảng 50 tuổi, là người thân của giám đốc trung tâm thí nghiệm trên. Ông Sửu khi đó đang ngồi xem ti vi trên tầng 3, bị bức tường của ngôi nhà bên cạnh đè chết.

Hiện trường ngôi nhà 3 tầng bị đổ nghiêng đè sang nhà bên cạnh

Theo anh Chiến, con trai ông Bá, buổi sáng khi nhà bên cạnh bắt đầu đào móng, anh đã nghe thấy những tiếng kêu răng rắc kỳ lạ. Đến tối, khi cả 5 người trong gia đình anh đang ăn cơm thì tá hỏa khi thấy ngôi nhà bắt đầu nghiêng, những tiếng rắc rắc to rõ hơn. Cả 5 người kịp leo sang lan can tầng 2 ngôi nhà số 45 kế bên thoát thân. Sau đó họ chứng kiến nhà mình "dựa" hẳn vào ngôi nhà số 51, gây nên cái chết thương tâm của ông Sửu.

Được biết khi tai nạn xảy ra, trong ngôi nhà số 51 đang có 6 người.

Trao đổi với PV Dân Trí, ông Phạm Hồng Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long - cho biết: "Ngay sau khi xảy ra sự cố, chúng tôi và các lực lượng liên quan đã phối hợp triển khai ngay các biện pháp khắc phục. Trước mắt là cho tháo dỡ ngôi nhà để tránh gây ảnh hưởng đến những ngôi nhà khác. Nguyên nhân là do nhà bên cạnh đào móng, đóng cọc... Hiện các cơ quan đang khẩn trương tìm hiểu và giải quyết vụ việc".

Anh Đô
*************
source
http://dantri.com.vn/c20/s20-362150/nha-3-tang-do-nghieng-de-chet-1-nguoi.htm

Nhà 3 tầng đổ nghiêng, một người chết

Tối 16/11, gia đình ông Bá (Hạ Long, Quảng Ninh) đang ăn cơm thì ngôi nhà 3 tầng bắt đầu rung chuyển, đổ nghiêng vào nhà bên cạnh.

Anh Phùng Trọng Chiến, con trai ông Phùng Văn Bá cho biết, sáng 16/11, chủ nhà cạnh đó cho máy xúc đào móng xây dựng. Đến 19h, nhà anh thỉnh thoảng lại phát ra tiếng kêu "Rắc.. Rắc.." nhưng không ai nghĩ là nhà có vấn đề gì.

Đến gần 20h, khi gia đình 5 người đang ăn cơm trên tầng 2 thì nhà bắt đầu nghiêng và phát ra tiếng "Rắc" mạnh. Cả nhà anh Chiến chỉ kịp leo qua lan can tầng 2 sang nhà bên cạnh thì ngôi nhà đổ đè hẳn vào nhà của Trung tâm thí nghiệm kiểm định xây dựng (Công ty Cổ phần xây dựng Bạch Đằng).

Đang xem tivi ở tầng 3 của Trung tâm thí nghiệm kiểm định xây dựng, người đàn ông tên Sửu (50 tuổi) bị bức tường đổ vào bị thương nặng và chết trên đường đi cấp cứu. Do bị va đập mạnh nên tầng 2 và 3 của trung tâm này bị xiêu lệch, hư hỏng nặng. .

Do căn nhà 3 tầng đổ nghiêng nên 23h đêm cùng ngày, cơ quan chức năng đã quyết định phá dỡ để tránh ảnh hưởng đến các nhà xung quanh.

VnExpress.net ghi lại một số hình ảnh tại hiện trường.

Ngôi nhà 3 tầng bị đổ nghiêng, tựa vào nhà kế bên.
Một bên móng của ngôi nhà bị lún sâu.
Nguyên nhân là do nhà bên cạnh đang đóng cọc tre để làm móng.
Cú đổ mạnh đã làm tầng 2 và 3 căn nhà kế bên bị xiêu lệch, cột đổ gẫy.
Người đàn ông 50 tuổi đang xem tivi ở tầng 3 của ngôi nhà này bị thương nặng và tử vong sau đó.
Để tránh gây nguy hiểm đến các nhà xung quanh, cơ quan chức năng đã quyết định phá dỡ ngôi nhà bị đổ nghiêng.
Gần sáng, khi ngôi nhà được dỡ gần xong, mọi người trong gia đình này mới dám tới gần để lượm những tài sản còn lại.
Chiếc két sắt cũng bị méo mó.

Phương Bắc

source

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA15BBD/

Wednesday 11 November 2009

Vụ căn hộ The Manor: Khách hàng thua kiện



22-Tháng Sáu-2008 05:24
Vụ căn hộ The Manor: Khách hàng thua kiện

Căn hộ cao cấp The Manor - Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ
TT(TP.HCM) - Ngày 15-2, TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM đã xét xử vụ Công ty SXKD xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco), chủ đầu tư dự án căn hộ The Manor, kiện đòi lại căn hộ AE305 mà bà Nguyễn Thị Bình đã ký hợp đồng mua.



Với lý do bà Nguyễn Thị Bình vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng, tòa đã tuyên chấp nhận yêu cầu của Bitexco, hủy hợp đồng mua bán giữa hai bên, Bitexco được lấy lại căn hộ và trả lại khoản tiền mà bà Bình đã thanh toán cùng với tiền lãi ngân hàng tổng cộng hơn 2,5 tỉ đồng.

Bà Bình ký hợp đồng mua nhà và được bàn giao nhà vào tháng 11-2006. Vừa dọn đến ở, bà đã thấy căn hộ có nhiều hạng mục không được thi công đúng chất lượng cam kết, một sự cố "khủng khiếp" nữa là nước và chất thải từ bồn cầu đã trào ngược gây hôi thối, mất vệ sinh toàn bộ căn hộ. Bà Bình khiếu nại với chủ đầu tư để yêu cầu đổi căn hộ khác hoặc phải sửa chữa căn hộ theo đúng chất lượng cam kết. Phía Bitexco cũng chấp nhận lấy lại căn hộ để sửa chữa nhưng khi việc tranh chấp về chất lượng căn hộ này chưa xong thì Bitexco đã gửi đơn đến tòa án đòi hủy hợp đồng, lấy lại căn hộ của bà Bình với lý do bà Bình chậm thanh toán khoản tiền mua nhà hơn 15.000 USD.

Tại phiên tòa, bà Bình lý giải: "Tôi chưa thanh toán nốt 15.200 USD còn lại vì chất lượng căn hộ AE305 quá kém. Tôi muốn giữ khoản tiền này lại để đảm bảo chủ đầu tư phải thực hiện đúng nghĩa vụ bảo hành của mình". Bà Bình yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng hợp đồng, bà vẫn muốn mua nhà và sẽ thanh toán khoản tiền còn lại.

Bảo vệ cho bà Bình, luật sư Phạm Quốc Hưng đặt vấn đề: lý do chính khiến Bitexco đòi lại nhà của bà Bình là vì giá căn hộ The Manor hiện nay tăng gấp đôi so với giá đã bán. Bà Nguyễn Thị Bình nói: "Bitexco muốn đòi lại nhà để răn đe, trừng phạt tôi nhằm làm gương cho nhiều khách hàng đang khiếu nại chất lượng căn hộ của The Manor".

Theo luật sư Phan Trung Hoài - bảo vệ cho Công ty Bitexco, việc hủy hợp đồng là do lỗi của bà Bình chậm thanh toán tiền. Bitexco cũng không chấp nhận bồi thường khoản thiệt hại mà bà Bình đòi do phải thuê nhà để ở trong quá trình căn hộ AE305 được sửa chữa vì đã bố trí một căn hộ khác cho bà Bình ở.

Bà Nguyễn Thị Bình cho biết đã thanh toán hết 91% giá trị hợp đồng. Trị giá căn hộ tranh chấp hiện nay khoảng 5 tỉ đồng mà tòa chỉ buộc Bitexco trả lại đúng khoản tiền bà đã thanh toán, cộng thêm lãi suất ngân hàng hơn 2,5 tỉ đồng là không đúng, mà phải buộc Bitexco trả lại 91% trị giá nhà tính theo giá thị trường hiện nay. Tuy nhiên, yêu cầu này của bà Bình không được tòa xem xét tại phiên xử với lý do bà Bình chưa đóng án phí cho phần phản tố này. Theo bà Bình, trước đó bà đã có gửi yêu cầu này cho tòa nhưng do chưa chuẩn bị kịp về mặt tài chính, bà chưa kịp đóng tạm ứng án phí và có đơn xin được đóng sau nhưng tòa không chấp thuận.

(Ai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ???)

source

http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid662/vu-can-ho-the-manor-khach-hang-thua-kien-.html

Xử lý sai phạm cao ốc Pacific: Ai có quyền cho lấp tầng hầm?




02-Tháng Ba-2008 10:03

Xử lý sai phạm cao ốc Pacific: Ai có quyền cho lấp tầng hầm?

Về nguyên tắc, lẽ ra tội phạm này đã được khởi tố từ bốn tháng trước. Tầng hầm xây dựng trái phép là vật chứng của vụ án phải được bảo quản và xử lý theo quy định pháp luật.

Tầng hầm công trình Pacific được khắc phục bằng cách bơm nước trong khi chờ xử lý. Ảnh: HTD.

Những vi phạm của cao ốc Pacific đã được “phanh phui” trên báo. Đến nay, việc xử lý công trình này chỉ mới ở giai đoạn “đề nghị khởi tố”, chưa bị xử lý hành chính mà cũng chưa bị rơi vào tố tụng. Nếu chủ đầu tư cao ốc Pacific muốn tự khắc phục thiệt hại - lấp tầng hầm xây lố, liệu có được?

Điều 62 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định nếu thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hình sự thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền (tức cơ quan điều tra của công an). Nghiêm cấm “hành chính hóa hình sự” nghĩa là giữ lại các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm (như vi phạm trong xây dựng cao ốc Pacific này) để xử phạt hành chính.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra phải xác minh kịp thời và ra quyết định khởi tố hoặc ra quyết định không khởi tố trong vòng bình thường là 20 ngày kể từ ngày nhận được tin báo về tội phạm.

Với trường hợp cao ốc Pacific, việc xây dựng trái phép gây sụp đổ Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ xảy ra ngày 9-10-2007 thì hôm sau tức 10-10, báo chí cả nước đã thông tin hành vi này với đầy đủ tình dấu hiệu tội phạm.

Như vậy thì về nguyên tắc, lẽ ra tội phạm này đã được khởi tố từ bốn tháng trước và nay thuộc thẩm quyền thụ lý của cơ quan điều tra. Tầng hầm xây dựng trái phép là vật chứng của vụ án phải được bảo quản và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo luật, những người bị hại (như Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Sở Ngoại vụ TP.HCM, chủ cao ốc Yoco...) có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của mình.

Trong quá trình tiến hành điều tra, cơ quan điều tra có nhiệm vụ thu thập chứng cứ kịp thời và mô tả đúng thực trạng của chứng cứ vào biên bản, chụp ảnh, quay phim đưa vào hồ sơ vụ án.

Cơ quan điều tra ra lệnh niêm phong vật chứng để bảo đảm vật chứng nguyên vẹn, phục vụ cho việc chứng minh tội phạm; không được thay đổi, làm hư hỏng vật chứng (các tầng hầm xây trái phép). Không ai được làm xáo trộn hiện trường, xóa bỏ tang chứng, làm biến dạng vật chứng của vụ án...

Để bảo đảm việc này, cơ quan điều tra có thể giao các tầng hầm đó cho chủ đầu tư hoặc chính quyền địa phương bảo quản.

Cơ quan điều tra còn có thể trưng cầu giám định nếu thấy vật chứng có nguy cơ gây sụp đổ tiếp, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân. Kết quả giám định là cơ sở để cơ quan điều tra kịp thời xử lý vật chứng bằng cách ra quyết định xử lý và ghi vào biên bản.

Nếu chủ đầu tư có yêu cầu được tự khắc phục hậu quả bằng cách lắp lại tầng hầm hoặc xét thấy có nguy hiểm đe dọa thì cơ quan điều tra có nhiệm vụ yêu cầu các cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng ngay biện pháp cần thiết (VD: lấp lại tầng hầm) với điều kiện bảo đảm việc này không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.

Dĩ nhiên cơ quan tiến hành tố tụng có quyền thì cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định xử lý vật chứng của mình.

Theo LS.TS PHAN ĐĂNG THANH - Pháp Luật TP.HCM

Sở Xây dựng hoặc UBND TP phải ra lệnh

Khi công an đã khởi tố vụ án, đương nhiên trách nhiệm về việc sụt lún, gây hậu quả tiếp theo cho các công trình xung quanh là của công an nếu họ không có biện pháp nào buộc người vi phạm khắc phục, ngăn ngừa. Tuy nhiên, thông tin cho thấy công an chưa vào cuộc trong khi sự việc rõ ràng có dấu hiệu hình sự là điều bất thường.

Tôi không đi sâu vào chuyện bất thường ở chỗ công an chưa khởi tố vụ án. Tôi chỉ lưu ý nếu không chịu yêu cầu lấp các tầng hầm vi phạm tại công trình cao ốc Pacific mà có chuyện sập các công trình xây dựng xung quanh thì cơ quan chịu trách nhiệm trước tiên là Sở Xây dựng, nơi cấp phép xây dựng cho tòa nhà Pacific. Anh không thể lấy lý do nào để biện minh cho sự trì hoãn xử lý vì sự việc đã phơi bày hơn bốn tháng qua.

Vì tầng hầm là phần âm dưới đất, là công trình xây dựng kín nên khi thi công luôn có người giám sát, lập từng bản nhật ký xây dựng, đây là nguyên tắc nên không thể nói không biết được.

Về mặt quản lý nhà nước, khi có vi phạm xây dựng, Sở Xây dựng phải ra quyết định xử lý, yêu cầu chủ công trình khắc phục ngay hậu quả, cho lấp ngay những tầng hầm đào lố giấy phép xây dựng mà anh đã cấp, vì Sở Xây dựng được giao thẩm quyền này.

Nếu cho rằng không thuộc thẩm quyền của mình thì Sở Xây dựng phải trình UBND TP xử lý chứ không thể làm thinh trước một sự việc nghiêm trọng như thế. Nếu sập các nhà xung quanh gây hậu quả thì Sở Xây dựng hoặc UBND TP chịu trách nhiệm chứ không thể “lôi” công an vào đây. Bởi lẽ công an đã khởi tố vụ án đâu mà bảo họ chịu trách nhiệm?

Luật sư Trịnh Thanh, Văn phòng luật sư Người Nghèo:

Sở nên hiểu: Cứu nguy như cứu hỏa!

Việc công trình Pacific vi phạm xây dựng làm sập tòa nhà của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đã có dấu hiệu tội phạm. Công an, VKS cần vào cuộc.

Tuy nhiên, trước mắt cơ quan hành chính (cụ thể là Sở Xây dựng) cần ra ngay quyết định buộc chủ đầu tư cao ốc Pacific lấp các tầng hầm đào lố. Nếu để nguyên xi như hiện nay thì có khả năng làm sập tiếp các công trình xung quanh, lúc đó Sở Xây dựng và chủ đầu tư phải “gánh”. Sở không thể lấy lý do công trình vi phạm là chứng cứ điều tra của vụ án hình sự mà không chịu xử lý gì trong khi nguy cơ là làm sập các công trình xung quanh tốn tại hàng ngày.

Việc này cũng tương tự như cháy nhà, anh không thể chờ công an đến điều tra nguyên nhân cháy rồi mới dập lửa. Phải dập lửa trước, sau đó mới tìm nguyên nhân. Sở Xây dựng phải cho lấp ngay, khắc phục ngay và tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân. Sau đó, nếu cho rằng việc vi phạm là hình sự thì chuyển hồ sơ cho công an, nếu là hành chính thì xử phạt hành chính.

Nếu Sở Xây dựng nhận thức rằng đây là sự việc hành chính mà không chuyển hồ sơ cho công an xử lý nhưng sự việc thực chất là hình sự thì cơ quan chức năng sẽ kiểm điểm trách nhiệm của sở này, thậm chí xử lý hình sự họ. Đến nay công an chưa khởi tố vụ án là lỗi của công an. Sở Xây dựng không thể lấy lý do đó mà “đá trái bóng” sang công an.

Theo VI TRẦN - Pháp Luật TP.HCM

source http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid687/xu-ly-sai-pham-cao-oc-pacific-ai-co-quyen-cho-lap-tang-ham.html

Hướng dẫn trình tự, thủ tục tặng cho nhà ở.




02-Tháng Chín-2007 02:09

GIAO DỊCH TẶNG CHO NHÀ Ở

A. Tặng cho nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở do tặng cho bao gồm:

- Hợp đồng tặng cho có chứng nhận của công chứng Nhà nước;

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên tặng cho (như quy định trong mua bán nhà ở)

- Bản khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Bản khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (do cơ quan quản lý nhà ở cung cấp tại nơi tiếp nhận hồ sơ).

- Bản sao Giấy khai sinh nếu các bên tặng cho có quan hệ gia đình như: cha mẹ, con, anh chị em ruột để làm cơ sở miễn thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Đối với người được tặng cho là Việt kiều phải có thêm giấy tờ như Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

2. Về trình tự, thủ tục tặng cho nhà ở

- Bước 1: Các bên tặng cho đến lập hợp đồng mua bán tại cơ quan công chứng (không phân biệt địa bàn), kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở và chứng minh thư nhân dân. Hợp đồng có thể được soạn sẵn hoặc do công chứng viên soạn.

- Bước 2: Bên nhận tặng cho nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức).

Trường hợp tặng cho một phần nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở thì phải có bản vẽ sơ đồ diện tích nhà ở, đất ở có thẩm tra của của cơ quan quản lý nhà ở nếu tại đô thị, có xác nhận của UBND cấp xã nếu tại nông thôn.

- Bước 3: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);

- Bước 4: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế (nếu chủ nhà không thuộc diện phải nộp hoặc được miễn nộp nghĩa vụ tài chính thì không có bước này).

- Bước 5: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.

B. Tặng cho nhà ở không có quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ tặng cho nhà ở bao gồm:

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp theo quy định của Luật nhà ở (chỉ có quyền sở hữu nhà ở trên đất của người khác như xây dựng nhà ở trên đất thuê, đất mượn);

- Hợp đồng tặng cho nhà ở có chứng nhận của công chứng Nhà nước;

- Bản kê khai nộp lệ phí trước bạ nhà ở.

Đối với người được tặng cho là Việt kiều phải có thêm giấy tờ như Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

2. Về trình tự, thủ tục tặng cho nhà ở

Trình tự, thủ tục tặng cho nhà ở trong trường hợp này được thực hiện như quy định đối với trường hợp tặng cho nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở nêu tại phần a trên đây.

Trong trường hợp này bên bán không phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất mà bên mua chỉ phải nộp lệ phí trước bạ (bằng 1% giá trị nhà ở theo quy định).

Người nhận tặng cho chỉ được quyền sở hữu nhà ở theo thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Nguồn: Cục Quản lý nhà
source http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid317/huong-dan-trinh-tu-thu-tuc-tang-cho-nha-o.html

Hướng dẫn trình tự, thủ tục thừa kế nhà ở.



02-Tháng Chín-2007 02:10

THỪA KẾ NHÀ Ở

A. Thừa kế nhà ở và quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ thừa kế nhà ở bao gồm:

- Một trong các giấy tờ thừa kế nhà ở như: di chúc hợp pháp, Biên bản phân chia di sản thừa kế, Bản án của toà án, bản khai di sản thừa kế có công chứng Nhà nước);

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của người chết

- Bản sao Giấy khai sinh của người thừa kế nếu là con của người chết hoặc bản sao Giấy đăng ký kết hôn nếu người nhận thừa kế là vợ (chồng) của người chết làm cơ sở để miễn nộp nghĩa vụ tài chính.

- Giấy chứng tử;

- Bản khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Bản khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (do cơ quan quản lý nhà ở cung cấp tại nơi tiếp nhận hồ sơ).

Đối với người được tặng cho là Việt kiều phải có thêm giấy tờ như Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

2. Về trình tự, thủ tục thừa kế nhà ở

- Bước 1: Bên thừa kế nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức).

Nếu bên thừa kế không có di chúc hoặc bản án thì phải đến công chứng lập thủ tục kê khai di sản thừa kế hoặc chứng nhận biên bản phân chia di sản thừa kế. Trường hợp có tranh chấp thì phải giải quyết xong tranh chấp.

- Bước 2: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);

- Bước 3: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế (nếu chủ nhà không thuộc diện phải nộp hoặc được miễn nộp nghĩa vụ tài chính thì không có bước này).

- Bước 4: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.

B. Thừa kế nhà ở không có quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ thừa kế nhà ở bao gồm:

- Một trong các giấy tờ thừa kế nhà ở như: di chúc hợp pháp, Biên bản phân chia di sản thừa kế, Bản án của toà án, bản khai di sản thừa kế có công chứng Nhà nước);

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của người chết

- Giấy chứng tử;

- Bản khai nộp nghĩa vụ tài chính.

Đối với người được tặng cho là Việt kiều phải có thêm giấy tờ như Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

2. Về trình tự, thủ tục thừa kế nhà ở

Trình tự, thủ tục thừa kế nhà ở trong trường hợp này được thực hiện như quy định đối với trường hợp thừa kế nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở nêu tại phần a trên đây.

Bên nhận thừa kế nhà ở không phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất mà chỉ phải nộp lệ phí trước bạ nhà ở (bằng 1% giá trị nhà ở theo quy định).

Bên thừa kế nhà ở chỉ được quyền sở hữu nhà ở theo thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Nguồn: Cục Quản lý nhà
source http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid316/huong-dan-trinh-tu-thu-tuc-thua-ke-nha-o.html

Hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi nhà ở.



02-Tháng Chín-2007 02:12

GIAO DỊCH CHUYỂN ĐỔI QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở

A. Chuyển đổi quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ chuyển đổi quyền sở hữu nhà ở bao gồm:

- Hợp đồng chuyển đổi có chứng nhận của công chứng Nhà nước;

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của 02 bên chuyển đổi nhà ở

- Bản khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Bản khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (do cơ quan quản lý nhà ở cung cấp tại nơi tiếp nhận hồ sơ).

2. Về trình tự, thủ tục chuyển đổi nhà ở

- Bước 1: Các bên đổi nhà ở đến lập hợp đồng chuyển đổi nhà ở tại cơ quan công chứng (không phân biệt địa bàn), kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở và chứng minh thư nhân dân. Có thể soạn sẵn hoặc do công chứng viên soạn.

- Bước 2: Các bên chuyển đổi nhà ở nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức) nơi có nhà ở.

- Bước 3: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);

- Bước4: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

- Bước 5: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.

B. Chuyển đổi quyền sở hữu nhà ở không có quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ chuyển đổi nhà ở bao gồm:

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp theo quy định của Luật nhà ở (chỉ có quyền sở hữu nhà ở trên đất của người khác như xây dựng nhà ở trên đất thuê, đất mượn);

- Hợp đồng chuyển đổi nhà ở có chứng nhận của công chứng Nhà nước;

- Bản kê khai nộp lệ phí trước bạ nhà ở của cả hai bên.

2. Về trình tự, thủ tục chuyển đổi nhà ở

Trình tự, thủ tục chuyển đổi nhà ở trong trường hợp này được thực hiện như quy định đối với trường hợp chuyển đổi nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở nêu tại phần a trên đây.

Trong trường hợp này cả hai bên không phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất mà chỉ phải nộp lệ phí trước bạ nhà ở (bằng 1% giá trị nhà ở theo quy định).

Các bên chuyển đổi chỉ được quyền sở hữu nhà ở theo thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Nguồn: Cục Quản lý nhà
source http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid315/huong-dan-trinh-tu-thu-tuc-chuyen-doi-nha-o.html

Hướng dẫn Giao dịch về cho mượn, cho ở nhở nhà ở.




02-Tháng Chín-2007 02:08

GIAO DỊCH CHO MƯỢN, CHO Ở NHỜ NHÀ Ở

Việc cho mượn, cho ở nhờ nhà ở được thực hiện như sau:

1. Các bên tự thoả thuận lập hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở hoặc đến cơ quan công chứng đề nghị lập Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở .

2. Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở phải có chữ ký của bên cho mượn, cho ở nhờ và bên mượn, bên ở nhờ.

3. Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở không cần có chứng nhận của công chứng Nhà nước.

4. Thời hạn bàn giao nhà cho mượn, cho ở nhờ và chấm dứt việc cho mượn, cho ở nhờ nhà ở thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng.

Nguồn: Cục Quản lý nhà
source http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid314/huong-dan-giao-dich-ve-cho-muon-cho-o-nho-nha-o.html

Hướng dẫn Công chứng hợp đồng, giao dịch về nhà ở.



02-Tháng Chín-2007 02:08

CÔNG CHỨNG HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH VỀ NHÀ Ở

Các hợp đồng, văn bản nhà ở bắt buộc phải có công chứng gồm:

+ Hợp đồng mua bán nhà ở giữa cá nhân với cá nhân,

+ Hợp đồng tặng cho nhà ở giữa cá nhân với cá nhân,

+ Hợp đồng thế chấp nhà ở,

+ Hợp đồng thuê nhà ở của cá nhân có thời hạn từ 6 tháng trở lên,

+ Biên bản phân chia di sản thừa kế;

+ Văn bản khai nhận di sản thừa kế.

A. Công chứng hợp đồng, giao dịch được soạn sẵn

1. Hồ sơ công chứng hợp đồng, giao dịch về nhà ở

- Phiếu yêu cầu công chứng (do cơ quan công chứng cũng cấp);

- Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

- Bản sao giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở;

- Bản sao giấy tờ tuỳ thân;

Nếu là Việt kiều phải kèm theo các giấy tờ chứnh minh đủ điều kiện được tham gia giao dịch về nhà ở như Hộ chiếu hợp lệ, Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

2. Thủ tục công chứng

- Bước 1: Các bên đến công chứng nộp hồ sơ cho công chứng viên, khi đi đem theo bản chính giấy tờ sở hữu nhà ở để công chứng viên đối chiếu

- Bước 2: Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và vào sổ công chứng

Trường hợp cần làm rõ các vấn đề liên quan thì yêu cầu người đề nghị công chứng giải trình hoặc tiến hành thẩm tra, xác minh. Nếu không làm rõ được thì trả lại hồ sơ công chứng

- Bước 3: Công chứng viên kiểm tra dự thảo, nếu có nội dung sai pháp luật thì yêu cầu người đề nghị công chứng chỉnh sửa lại dự thảo. Nếu dự thảo không được chỉnh sửa lại thì từ chối công chứng và trả lại hồ sơ công chứng

- Bước 4: Các bên đọc lại dự thảo và ký vào hợp đồng, giao dịch. Côg chứng viên chứng nhận vào hợp đồng, giao dịch.

- Bước 5: Bên yêu cầu công chứng nộp lệ phí công chứng và nhận lại hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.

B. Công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo

1. Hồ sơ công chứng hợp đồng, giao dịch về nhà ở

- Phiếu yêu cầu công chứng;

- Bản sao giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở;

- Bản sao giấy tờ tuỳ thân;

Nếu là Việt kiều phải kèm theo các giấy tờ chứnh minh đủ điều kiện được tham gia giao dịch về nhà ở như Hộ chiếu hợp lệ, Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

2. Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch

- Bước 1: Các bên đến công chứng nộp hồ sơ cho công chứng viên, khi đi đem theo bản chính giấy tờ sở hữu nhà ở để công chứng viên đối chiếu;

- Bước 2: Cơ quan công chứng xem xét, nếu các bên đủ điều kiện tham gia giao dịch thì lập hợp đồng. Nếu thấy cần thiết thì kiểm tra, xác minh.

- Bước 3: Các bên đọc lại hợp đồng, giao dịch, nếu đồng ý thì ký vào hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên chứng nhận vào hợp đồng, giao dịch;

- Bước 4: Người đề nghị công chứng nộp lệ phí công chứng và nhận lại hợp đồng, giao dịch đã công chứng.

Thời hạn công chứng: không quá 02 ngày làm việc. Nếu hợp đồng, giao dịch phức tạp thì tối đa không quá 10 ngày làm việc. Thời hạn kiểm tra, xác minh (nếu có) không tính vào thời hạn công chứng

Nguồn: Cục Quản lý nhà
source
http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid313/huong-dan-cong-chung-hop-dong-giao-dich-ve-nha-o.html

Hướng dẫn trình tự nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất.



02-Tháng Chín-2007 02:08




VỀ THỰC HIỆN NGHĨA VỤ NỘP THUẾ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

1. Hồ sơ nộp thuế

- Bản sao có công chứng giấy tờ về sở hữu nhà ở (2 bản)

- Hợp đồng, văn bản đã được công chứng (2 bản)

- Bản kê khai nộp thuế (theo mẫu của cơ quan thuế);

- Bản sao Giấy khai sinh hoặc Giấy đăng ký kết hôn để làm cơ sở miễn thuế trong trường hợp tặng cho hoặc nhận thừa kế nhà ở (2 bản);

2. Trình tự nộp thuế

- Bước 1: Người nộp thuế đến Cơ quan quản lý nhà ở lấy tờ khai nộp thuế, thực hiện kê khai và nộp hồ sơ

- Bước 2: Cơ quan quản lý nhà ở đối chiếu, kiểm tra thực địa và xác định vị trí thửa đất, diện phải nộp hoặc không phải nộp thuế.

- Bước 3: Cơ quan quản lý nhà ở gửi số liệu đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ nộp thuế;

- Bước 4: Sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà sẽ chuyển thông báo nộp thuế để chủ nhà đến cơ quan thuế nộp tiền;

- Bước 5: Chủ nhà nộp thuế và chuyển biên lai thu thuế cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ và nhận lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã sang tên mình.

Nguồn: Cục Quản lý nhà

source
http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid312/huong-dan-trinh-tu-nop-thue-chuyen-quyen-su-dung-dat.html

Tuesday 10 November 2009

Tại sao đầu tư vào bất động sản ?



03-Tháng Tám-2008 07:08

Trong những năm Nội chiến ở Mỹ, một nhà thuyết giảng có tên là Rusell Conwell đã dọc ngang nước mỹ đưa ra một thông điệp khuấy động hàng triệu con người. Ông kể một câu truyện về một nhà buôn người da đỏ đã được một nhà tiên tri cho biết ông ta sẽ trở thành giầu có khi tìm được kho báu của mình. Nhà thương gia nọ dã bỏ công đi khắp thế giới, nhưng chẳng thấy kho báu của mình đâu cả. Cuối cùng quay về nhà thì đã già, buồn bã và tuyệt vọng. Bước vào căn nhà hoang vắng của mình, ông thấy khát và đi tìm nước uống, nhưng giếng nước nhà ông đã bị lấp đầy bùn. Mệt mỏi, ông cầm lấy chiếc mai đào một cái giếng mới, thế là điều kỳ diệu đã xảy ra - ông đào thấy mỏ kim cương lớn nhất thế giới.

Thông điệp mà Conwell muốn truyền đi cho cả thế giới là: vì sao các nhà lãnh đạo các nước chậm phát triển cứ phải đến Bộ Ngoại giao các nước giàu có và các định chế tài chính quốc tế để tìm nguồn tài trợ, trong khi ngay chính giữa những làng xóm nghèo nhất và các khu nhà “ổ chuột” của họ, sẵn có, nếu không phải mỏ kim cương, thì cũng là hàng nghìn tỷ Đô la có thể đưa vào sử dụng ngay.

Theo tính toán của các chuyên gia thì bất động sản chiếm khoảng 50% của cải quốc gia ở các nước tiên tiến, còn ở các nước đang phát triển con số này là gần 3/4. Nhưng tỷ lệ số bất động sản được đăng ký thành tài sản chính thức trở thành vốn ở các nước đang phát triển lại rất thấp. Vì, không giống các quốc gia phát triển, ở những nước lạc hậu thị trường ngầm thường rất lớn, đặc biệt là thị trường bất động sản; cho nên hầu hết bất động sản ở đó chưa trở thành hàng hoá, chưa được định giá chính thức, chưa trở thành tư bản.

Qua khảo sát của TS DE Soto, tác giả cuốn “ Sự bí ẩn của Tư bản” và của các cộng sự của ông ở một loạt các nước đang phát triển thì giá trị của bất động sản chưa được thương mại hoá lớn hơn gấp nhiều lần tổng số tiền tiết kiệm và tiền gửi ở các ngân hàng thương mại tổng giá trị của các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán, tất cả khoản đầu tư nước ngoài, và tất cả các doanh nghiệp Nhà nước cộng lại.

Cũng theo TS. De Soto, nếu tính gộp lại, tổng giá trị của các bất động sản (thường do những người nghèo nắm giữ) không được đăng ký một cách hợp pháp ở các nước đang phát triển hiện nay xấp xỉ gần 10 ngàn tỉ Đô la Mỹ. Mà 10 ngàn tỉ Đô la Mỹ, tức là bằng khoảng hai lần tổng cung tiền lưu hành ở Hoa Kỳ. Nó cũng gần bằng tổng giá trị của tất cả các công ty niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán chính của 20 nước phát triển nhất thế giới (New York, Tokyo, London, Frankfurt, Tổnto, Pari, Milan, NASDAQ…) và cả chục sở giao dịch khác. Nó nhiều hơn hai mươi lần tổng đầu tư nước ngoài trực tiếp vào các nước đang phát triển trong mười lăm năm kể từ năm 1989, bằng bốn sáu lần tất cả các khoản cho vay của Ngân hàng Thế giới trong ba thập kỉ vừa qua, bằng chín mươi lần các khoản trợ cấp phát triển từ tất cả các nước tiên tiến cho Thế giới thứ ba trong cùng thời gian ấy.

Những nhà đầu tư vào bất động sản có được nhiều sự lựa chọn hơn so với những nhà đầu tư vào cổ phiếu và chứng khoán trên thị trường: Bởi vì :

- Bất động sản có thể thay đổi về kích thước, hình dạng, kiểu cách, và cách thức sử dụng.

- Ngoài ra, người sở hữu bất động sản còn có nhiều quyền lợi khác như: có thể thế chấp, có thể cho thuê…

- Bất động sản có thể được sở hữu bởi một cá nhân, tập thể hoặc liên doanh, có thể thuê chung hoặc thuê chọn gói.

Mỗi loại hình sở hữu bất động sản có những thuận lợi và bất lợi riêng. Tuy nhiên, sự đa dạng của chúng cho phép người sở hữu tìm ra cách để thoả mãn nhu cầu của họ.

Mặc dù vậy thu nhập và đầu tư bất động sảnlà rất khó dự báo trước, chúng thường được thể hiện dưới 4 dạng:

· Dòng tiền mặt

· Tăng giá

· Giảm tiền vay

source http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid1421/tai-sao-dau-tu-vao-bat-dong-san-.html

Cẩn trọng khi mua đất dự án




27-Tháng Mười-2007 12:55
Cẩn trọng khi mua đất dự án

Xem hình
Khá nhiều dự án mặc dù đã có quy hoạch 1/500, song cuối cùng khách hàng cũng chẳng còn đất hoặc diện tích đất đầu

Từ trước đến nay, khi mua đất dự án, khách hàng thường quan tâm đến một số vấn đề cốt lõi có liên quan về mặt pháp lý, rất ít khi để ý đến việc dự án đã được duyệt chi tiết đến cỡ nào. Chỉ chi tiết nhỏ này cũng có thể dẫn đến việc trắng tay, như thực tế đã có!

Những khách hàng, người mua không thể biết hoặc không lường trước được việc thay đổi quy hoạch, quy hoạch mới, quy hoạch lại. Việc nắm bắt được thông tin là cho đến khi doanh nghiệp có thông báo hoặc báo chí đưa tin. Một số người rành việc chỉ mua đất nền khi dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Chắc là vậy, nhưng không ít người phải cười ra nước mắt với những dự án quy hoạch này.

Phiêu lưu bản đồ quy hoạch 1/500

Anh Trần Bửu Bửu, ngụ tại Tân Bình ấm ức: "Họ lừa tụi tôi... Khi mua nền tôi đã hỏi thăm kỹ rồi mới dám mua, vậy mà giờ coi như thua trắng...". "Họ" là cách Bửu dùng để chỉ chủ đầu tư dự án đất nền quận, do Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Sài Gòn (Incomex Sài Gòn) làm chủ đầu tư.

Chuyện là vậy. Năm 2002, Bửu ký hợp đồng mua nền đất mang số C4, diện tích 5 x 15m, tại dự án đất nền trên địa bàn phường Tân Kiểng, quận 7. Ngoài số tiền theo hợp đồng, Bửu phải trả thêm 112.500.000 đồng tiền chênh lệch do mua lại của một cán bộ công ty. Việc sang nhượng này được giám đốc công ty duyệt cho phép. Đến tháng 6.2003, Bửu đóng đủ số tiền cho nền đất trên vì đây cũng là thời điểm giao nền theo thoả thuận. Đến đầu năm 2006, đại diện công ty mời Bửu lên thông báo không có nền đất và đề nghị trả lại tiền. "Chờ ba năm không có đất... Chưa hết, lúc mua đất này, tính ra 1 lượng vàng/m2, giờ công ty mời lên trả lại tiền với giá 7 triệu/m 2 , thiệt thòi như vậy làm sao chấp nhận được. Sau buổi làm việc đầu năm 2006, họ hẹn một tuần sau sẽ có thông tin chính thức, nhưng cả tháng nay không thấy công ty có động tịnh gì về việc của tôi. Nghe nói, họ đã làm công văn xin chuyển đổi mục đích từ xây dựng nhà ở sang xây dựng nhà chung cư cao tầng. Tôi không ngờ mua đất dự án được duyệt 1/500 rồi mà vẫn còn bị mất trắng...", anh Bửu than vãn. Không chỉ riêng anh Bửu, bà Tô Thị Thanh Hoa, một khách hàng khác cũng đang trong tình trạng giống như anh.

Khá nhiều dự án mặc dù đã có quy hoạch 1/500, song cuối cùng khách hàng cũng chẳng còn đất hoặc diện tích đất đầu tư ban đầu bị thay đổi vì dự án được điều chỉnh lại. Tại một dự án Khu dân cư Phước Long B, quận 9, quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2001 - 2002 và đã chuyển nhượng ra bên ngoài rất nhiều. Nhưng mới đây, chủ đầu tư là một công ty lớn trong lĩnh vực địa ốc, làm hồ sơ đề nghị TP duyệt lại quy hoạch chi tiết 1/500 mới. Theo đó, rất nhiều nền đất trong dự án bị bớt một phần diện tích, thậm chí nhiều nền không còn trên thực tế.

Cái khó cho khách hàng là những nền đất được công ty bán ra hầu hết đã được chuyển nhượng qua tay nhiều khách hàng, số tiền chênh lệch trên từng m 2 cũng đã thay đổi đến chóng mặt. Người đã kịp sang tay thở phào, người khách hàng cuối cùng đang cầm hợp đồng của lô đất, chỉ còn nước khóc ròng. "Giá tôi mua cái nền này đã cao hơn nhiều so với giá của công ty bán ra, nếu bây giờ không có đất, thì công ty chỉ trả lại số tiền ban đầu theo hợp đồng, số còn lại coi như mất trắng… Cầu trời không có chuyện đó xảy ra…" - anh T.Đ.K, một "nhà đầu tư nhỏ" đang ngày đêm khấn vái cho cái hợp đồng mình đang sở hữu.

Quy hoạch chi tiết 1/2.000 cũng chết

Dự án khu dân cư Phước Kiểng thuộc xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè do một công ty lớn, có tiếng tăm tại khu vực Nam Sài Gòn, làm chủ đầu tư. Khi thực hiện dự án, công ty này đã giao cho 16 chủ đầu tư thứ cấp khác thực hiện dự án. Mặc dù dự án chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng một công ty thứ cấp tham gia xây dựng dự án đã tự phân lô với các loại diện tích 6x20m, 7x20m và nền biệt thự 15x20m, chuyển nhượng lại cho khách hàng. Theo một cán bộ của chủ đầu tư nhận định, việc chuyển nhượng nền đất trái pháp luật có thể dẫn đến việc người nhận chuyển nhượng có nguy cơ bị mất trắng nền đất sau khi dự án được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Anh L.H.N, khách hàng của công ty, hiện đang ngụ tại quận 10, thở dài - "Công ty đang trấn an mọi người bằng những lời lẽ rất "êm tai", nhưng số phận lô đất được phán xét thế nào thì chưa ai biết được".

Những người nhận chuyển nhượng các nền đất thuộc diện tái định cư còn nguy hiểm hơn khi dự án chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, như dự án Khu dân cư tại phường Tân Hưng, quận 7. Vị trí dự án đẹp, nằm ngay mặt tiền đường Bắc - Nam nối khu vực Nhà Bè, quận 7 với quận 4. Cuối năm 2003 - đầu năm 2004, giới kinh doanh đất đai khu vực quận 7 và nhiều nơi khác đổ xô nhau tìm mua nhiều nền đất tại dự án này. Thời điểm đó, dự án chỉ có quy hoạch chi tiết 1/2.000 từ năm 2002, chủ đầu tư lại thuộc cấp bộ, khiến nhiều người yên tâm. Thế nhưng, những nền đất được đưa ra giao dịch ở đây đa phần là nền thuộc diện tái định cư. Rất ít khách hàng đầu tư vào để ý đến bản quy hoạch chỉ mới dừng ở mức 1/2.000, trước dự án mà lại hùa nhau tin vào bản quy hoạch chi tiết 1/500, với đầy đủ số lô, số nền, có diện tích từng nền cụ thể. Chính nhờ tấm bản đồ này, giá đất tăng vọt, từ 9 - 15triệu đ/m 2 tuỳ theo vị trí. Đến khi thông tin quy hoạch chi tiết 1/500 được trình duyệt, nhiều người mới tá hoả chạy nước rút để cố sang tay hợp đồng.

Hải Dương (Theo SGTT)

source http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid451/can-trong-khi-mua-dat-du-an-.html

Những bất trắc khi mua bán nhà bạn nên nghiên cứu



07-Tháng Chín-2008 01:21

Trong lĩnh vực địa ốc, có thể gom thành 8 nhóm nguyên nhân thường dẫn đến bất trắc khi giao dịch về nhà đất. Nếu xử lý không khéo có thể làm cho việc mua bán nhà bị đổ vỡ hoặc có thể dẫn đến kiện tụng, tranh chấp.

1 - Nhà đất đem ra mua bán chưa hoàn chỉnh chủ quyền về mặt pháp lý hoặc về các yêu cầu của thủ tục chuyển nhượng (ví dụ: nhà chưa hóa giá, chưa hợp thức hóa xây dựng, chưa khai di sản thừa kế, chưa giải quyết xong vấn đề đồng sở hữu...).

2 - Nhà đất hợp pháp nhưng nằm trong quy hoạch, lộ giới... mới được công bố.

3 - Bên bán không xuất trình được bản chính các văn tự về chủ quyền (phần lớn là do thế chấp ở các tổ chức tài chính hoặc tư nhân).

4 - Nhà đất đang có dấu hiệu tranh chấp.

5 - Tư cách của bên bán không đảm bảo trọn quyền sở hữu trên pháp lý hay trên thực tế (ví dụ: đang mắc nợ, đang có đồng sở hữu, sở hữu chủ đang ở tù, thay đổi ý kiến trong quá trình bán, phát sinh thừa kế khi đang bán, phát sinh yêu sách...).

6 - Tư cách của bên mua tác động đến quá trình mua (ví dụ: khả năng thanh toán bị biến động, thay đổi ý định mua, phát sinh ý đồ muốn ràng buộc theo ý riêng...).

7 - Thay đổi trạng thái chuyển dịch sở hữu trong quá trình mua (ví dụ: bán lại ngay trong khi đang mua...).

8 - Bất trắc do cơ quan nhà nước thụ lý hồ sơ (ví dụ: vẽ sai hiện trạng nhà đất, nhận định khác nhau của công chứng viên về hồ sơ, thu thuế sót, làm thất lạc hồ sơ trong quá trình xử lý...).

Theo kết quả điều tra mới nhất của Trung tâm Giao dịch bất động sản thuộc Ngân hàng Phát triển nhà TP HCM, hiện nay chỉ có khoảng 42% vụ giao dịch mua bán nhà đất là bình thường, 58% có thể gặp một hoặc một số bất trắc như đã nói trên.

Ngoài ra trên thực tế, ngoài hợp đồng mua bán nhà đất thông qua công chứng, hai bên còn có một hợp đồng tay khác và mặc dù không đủ tính hợp pháp, nhưng lại là hợp đồng mà hai bên mang ra thực hiện. Còn hợp đồng hợp pháp thì thường được coi là thủ tục. Chính điều này đã khoét sâu thêm các nguy cơ và dẫn đến rủi ro trong mua bán nhà.

source http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid1487/nhung-bat-trac-khi-mua-ban-nha-ban-nen-nghien-cuu.html

Tìm nhà tư vấn nhà đất như thế nào?



20-Tháng Ba-2009 03:34

Tìm nhà tư vấn như thế nào?

Những ngày sau buổi nói chuyện với cán bộ ngân hàng, tôi bắt đầu quá tải về những kiến thức đã học và cần có thời gian để suy ngẫm các bài học của anh. Tôi biết, con đường đầu tư một BĐS ban đầu rất khó khăn nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Vài tuần sau tôi gặp lại anh để tiếp tục tìm hiểu thêm.

"Anh khuyên tôi tìm một nhà tư vấn BĐS, tôi phải tìm như thế nào?". Tôi hỏi.

"Thị trường BĐS rất mênh mông. Thị trường BĐS gồm nhà ở, văn phòng, trang trại, công nghiệp, khách sạn, nhà hàng… Trong mỗi loại thị trường BĐS sẽ phân thành thị trường mua bán hay cho thuê. Trong mỗi giai đoạn, sẽ có thị trường tốt thị trường xấu. Như vậy bạn cần có nhà tư vấn định hướng cho bạn biết xu hướng của từng thị trường trong từng giai đoạn khoảng 5 đến 10 năm. Nhà đầu tư chuyên nghiệp thường nắm bắt được xu hướng này để chọn cho mình một phân khúc thị trường có lợi nhất. Tuy nhiên, tìm được một nhà tư vấn định hướng như vậy thường khó lắm, mất nhiều thời gian, nếu tìm được chắc cũng mất nhiều tiền, tôi khuyên bạn nên chọn thị trường BĐS nhà ở vì dù sao đây cũng là loại BĐS ít tiền nhất".

"Như vậy tôi sẽ tìm nhà tư vấn định hướng BĐS nhà ở để tìm hiểu xu hướng". Tôi hỏi nhưng hơi nghi ngờ. "Qua báo chí tôi biết xu hướng hiện nay là giá nhà đất đang đi xuống, có lẽ phải chờ nhiều năm giá mới tăng trở lại".

"Đó là xu hướng chung, còn xu hướng riêng nữa chứ". Anh nói chậm rãi. "Thị trường BĐS nhà ở lại phải phân từng khu vực, ví dụ xu hướng giá nhà đất tại TPHCM có thể đang đi xuống nhưng trong TPHCM có thể có khu vực nào đó đang đi lên. Ngoài ra, trong từng khu vực, khu vực nào nên đầu tư cho thuê, khu vực nào nên đầu tư bán lại. Xu thế lâu lâu lại thay đổi do những sự kiện như chính sách nhà nước, hội nhập quốc tế, một dự án đầu tư lớn đâu đó….".

"Làm thế nào tôi có thể tìm được người như vậy, có chắc họ biết tất cả không?". Tôi ngơ ngác hỏi.

"Chắc chắn là không ai có thể giải đáp mọi thắc mắc của bạn nhưng nắm bắt được các xu hướng là việc quan trọng nhất. Bạn cần phải hy sinh thời gian, tiền bạc để tìm kiếm những người như vậy, trao đổi, liên lạc thường xuyên với họ và dần dần rút ra kết luận của bản thân mình. Khi bắt đúng xu hướng, bạn vẫn thành công mà không cần phải có những chiến thuật khác biệt".

"Những người nắm bắt được xu hướng thường sẽ rất giàu có, họ sẽ không có thời gian, tôi thì không đủ tiền trả phí tư vấn, tại sao họ lại tư vấn cho tôi? Chưa kể đó là bí quyết kinh doanh, tại sao họ lại chia sẻ?". Tôi thắc mắc.

"Không phải ai có kiến thức cũng đều giàu có". Anh mỉm cười giải thích. "Các giáo sư đại học chẳng hạn, đa số họ có kiến thức uyên thâm nhưng không giàu có. Muốn làm giàu, ngoài kiến thức còn cần phải có lá gan sắt đá. Chưa kể các nhà tư vấn làm việc vì đam mê nghề nghiệp, họ có hiểu biết và chia sẻ hiểu biết là nhu cầu của ho. Khi chia sẻ họ sẽ học được nhiều hơn và nâng cao uy tín nghề nghiệp nhiều hơn. Còn bí quyết kinh doanh thì tôi nghĩ họ cũng không giấu diếm làm gì. Miếng bánh thị trường BĐS quá rộng lớn, quá nhiều người tham gia, nếu có thêm một số người tham gia chia sẻ miếng bánh này thì họ cũng không mất mát gì. Tôi biết ở Việt Nam có một số công ty môi giới và tư vấn đầu tư BĐS có thể tư vấn được nhưng dịch vụ này không phát triển lắm vì khách hàng chưa quen trả phí tư vấn. Tuy nhiên, nếu bạn cởi mở trong giao tiếp hoặc bạn là khách hàng đã sử dụng dịch vụ môi giới của công ty này, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu được tư vấn định hướng".

"Sau khi đã được tư vấn định hướng, tôi sẽ chọn được một khu dân cư mà xu thế thị trường là tốt tại thời điểm đó". Tôi hỏi anh để xác nhận mình đã hiểu thật không. "Tôi sẽ tìm một BĐS tốt nhất tại khu vực này, tôi phải làm như thế nào để mua được BĐS tốt nhất?"

"Hiểu được xu thế là bạn đã thành công đến 80% rồi. 20% còn lại là mua sao cho rẻ nhất, nhanh nhất. Thường các nhà môi giới BĐS tại khu vực đó sẽ làm công việc này tốt nhất".

"Tại sao qua môi giới lại tốt nhất?". Tôi ngạc nhiên hỏi. "Người môi giới thường lấy phí là 2% tổng giá trị BĐS, một số tiền khá lớn mà chẳng qua chỉ tạo điều kiện cho tôi gặp người bán. Nếu tôi tìm cách khác liên lạc trực tiếp với người bán tôi sẽ yêu cầu người bán giảm cho tôi 2%, chắc chắn người bán sẽ đồng ý và như vậy tôi sẽ mua rẻ được 2% giá mua qua môi giới".

"Nếu không qua môi giới, bạn sẽ lợi được 2% và bạn nghĩ như vậy là đã tốt rồi sao?" Anh hỏi.

"Tất nhiên tôi muốn giảm nhiều hơn nữa nhưng được đồng nào tốt đồng đó, còn hơn để người môi giới hưởng". Tôi vừa trả lời vừa nhớ đến trường hợp của người quen khi bán nhà phải trả phí môi giới tới 20 triệu, một số tiền quá lớn.

"Làm thế nào bạn tìm được người chủ nhà đang mong muốn bán nhà?". Anh tiếp tục hỏi.

"Tôi đã từng có chút ít kinh nghiệm này trước đây khi đi chung với một người bạn tìm mua nhà." Tôi tự tin giải thích."Tôi xem quảng cáo trên báo, internet, siêu thị địa ốc, có rất nhiều người rao bán nhà trên đó. Chúng tôi tìm ra vài căn nhà phù hợp và đi xem mất khoảng hơn 1 tháng. Sau đó, người bạn của tôi đã tìm được một căn nhà rất ưng ý, bạn tôi và ông chủ nhà thương lượng một vài ngày và đi đến giao dịch. Đến bây giờ bạn tôi rất hài lòng về căn nhà đã mua".

"Theo bạn thì anh ta mua có rẻ không?". Anh hỏi tiếp.

"Ong chủ nhà là người rất đàng hoàng, ông ra giá 100 cây vàng không bớt, ông không sử dụng trung gian vì người mua sẽ phải mua đắt một ít. Tôi nghĩ giá như vậy là tốt vì vừa phù hợp với túi tiền cũng như sở thích của bạn tôi". Tôi trình bày.

"Điều quan trọng là vừa phù hợp túi tiền, vừa phù hợp sở thích đúng không? Nếu qua trung gian bạn sẽ mua được căn nhà phù hợp hơn, bạn sẽ sử dụng trung gian đúng không?".

"Đúng vậy". Tôi gật đầu nhưng vẫn nghi ngờ. Có lẽ vì anh làm nghề môi giới BĐS nên anh cố gắng bảo vệ nghề nghiệp của mình.

"Trong trường hợp mua căn nhà 100 cây vàng kia, bạn chỉ tìm được một căn nhà ưng ý nhất có nghĩa là bạn đã đặt mình vào tình huống độc quyền cho bên bán. Điều này giống như bạn đang sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông, điện lực, hàng không ở Việt Nam. Bạn không có sự lựa chọn và vì không có cạnh tranh, không có so sánh giá nên bạn mua đắt mà cứ tưởng là rẻ. Nếu tôi ở trường hợp của bạn, tôi sẽ tạo sự tranh giành bên phía người bán. Tôi sẽ liên lạc với người môi giới chuyên nghiệp ở khu vực này, mô tả rõ ràng căn nhà phù hợp túi tiền và sở thích, tôi tin là người môi giới sẽ tìm được cho bạn nhiều căn nhà tương tự nhà đã mua. Giả sử bạn tìm được 5 căn nhà phù hợp, bạn hãy hợp tác tốt với nhà môi giới này để tạo thành tình huống 5 người bán, 1 người mua, lúc này bạn trở thành người mua có ưu thế hơn hẳn trong thương lượng và 2% phí môi giới không là gì cả".

"Có nghĩa là khi đi mua thì qua môi giới để mua rẻ, còn khi bán thì tự tôi bán để bán đắt". Tôi bắt đầu hình dung được giá trị gia tăng của nhà môi giới.

"Khi bán cũng qua nhà môi giới để bán được đắt". Anh tiếp tục trước sự ngạc nhiên của tôi. "Trong trường hợp tôi là ông chủ nhà kia, tôi sẽ liên lạc với nhà môi giới ở khu vực đó để hợp tác. Thường thì mỗi nhà môi giới chuyên nghiệp có quan hệ với nhiều nhà môi giới khác. Mỗi nhà môi giới có quan hệ với một vài khách hàng đang tìm mua. Hệ quả là sẽ tạo được rất nhiều người muốn mua căn nhà này. Lúc này ông chủ nhà trở thành nhà cung ứng độc quyền và có rất nhiều ưu thế trong thương lượng, ông có thể bán được 105 cây vàng".

"Anh nói lý thuyết thì quá hay nhưng thực tế không thể như vậy được". Tôi cố gắng hết sức nhưng không thể hiểu được. "Bạn tôi mua được rẻ, ông chủ nhà bán được đắt, nhà môi giới có hoa hồng, tất cả cùng vui vẻ. Trong thực tế không thể có chuyện như vậy được".

"Thế này nhé". Anh giải thích. "Tôi gọi ông chủ nhà ở trên là A, bạn của bạn là B, người mua nhà ông A là C, người bán nhà cho bạn của bạn là D. Vì không có căn nhà nào giống nhau hoàn toàn và sự phù hợp của mỗi người mỗi khác nên tình huống thực tế giả định như sau. A và D cùng dự kiến bán giá ban đầu là 100 cây vàng. Đối với B, căn nhà của A và D là như nhau nên quyết định căn nào rẻ hơn thì mua và sẽ thương lượng giảm giá với A và D. Đối với C, căn nhà của A đẹp hơn hẳn căn nhà của D nên C sẵn sàng trả giá mua nhà của A cao hơn 100 cây để tranh mua với B. Còn D vì không thể thương lượng được với C nên sẽ chấp nhận giảm giá cho B. Kết quả là A bán cho C, D bán cho B tại mức giá thỏa mãn cả A,B,C,D".

"Tôi hiểu rồi. Nhà môi giới tạo nên một cái chợ trăm người bán, vạn người mua, không ai có ưu thế tuyệt đối, khiến cho người bán luôn tìm được người mua phù hợp và ngược lại người mua cũng tìm được BĐS phù hợp với mình." Tôi đã lờ mờ hiểu được khái niệm mua rẻ bán đắt của anh.

"Ngoài ra BĐS là tài sản có giá trị lớn, đặc tính sản phẩm khá phức tạp, nhà môi giới còn hỗ trợ khách hàng nhanh chóng nắm bắt các đặc tính của sản phẩm, tham gia hỗ trợ tích cực vào quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng và còn rất nhiều vấn đề đòi hỏi chuyên môn vững vàng. Thiếu nhà môi giới chuyên nghiệp, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian mà thời gian là vàng bạc. Nghề môi giới đã tồn tại hàng trăm năm nay và sẽ còn phát triển không chỉ trong ngành BĐS mà còn trong nhiều ngành nghề khác nữa mà sản phẩm có đặc điểm chung là giá trị lớn, đặc tính sản phẩm phức tạp như chứng khoán, máy bay, ô tô, thiết bị công nghiệp, ngôi sao thể thao…"

"Như vậy tôi sẽ phải tìm một nhà tư vấn định hướng chuyên nghiệp và một nhà môi giới chuyên nghiệp và bắt đầu đầu tư?". Tôi hỏi.

"Thường thì nhà tư vấn định hướng sẽ giới thiệu cho bạn những nhà môi giới chuyên nghiệp ở từng khu vực. Theo thời gian bạn sẽ có nhiều mối quan hệ với nhiều nhà môi giới hơn và bạn sẽ hiểu hơn về năng lực của từng người". Anh trả lời.

"Trên thị trường có biết bao nhiêu nhà môi giới". Tôi thắc mắc. "Làm sao tôi có thể phân biệt được ai là chuyên nghiệp ai là không chuyên trong thời gian ngắn nhất?".

"Nhà môi giới BĐS chuyên nghiệp là người có thái độ kinh doanh chuyên nghiệp". Anh giải thích. "Anh ta quan niệm môi giới BĐS là một sự nghiệp lâu dài, bền vững và vì vậy anh ta luôn yêu quý những người đã nuôi dưỡng anh ta như khách hàng, đồng nghiệp, đối tác, công ty của anh ta… Anh ta hành động luôn luôn hướng đến quyền lợi khách hàng, rõ ràng, minh bạch với đồng nghiệp, đối tác, công ty của anh ta. Đây chính là thái độ kinh doanh chuyên nghiệp hay còn được gọi là đạo đức kinh doanh".

"Tôi đâu có cần quan tâm đến nhà môi giới có đạo đức kinh doanh tốt?". Tôi thắc mắc vì chưa hiểu được ý của anh. "Tôi chỉ cần mua rẻ bán đắt, ai giúp tôi mua rẻ bán đắt thì tôi hợp tác kể cả người đó không tốt với khách hàng khác hoặc đồng nghiệp của anh ta".

"Nếu bạn chỉ mua nhà đất một lần trong đời thì điều bạn nói có thể đúng". Anh từ tốn giải thích. "Nếu bạn hướng đến con đường đầu tư chuyên nghiệp thì bạn phải tìm nhà môi giới chuyên nghiệp, người này sẽ nói cho bạn biết mọi khía cạnh của vấn đề để bạn quyết định cho đúng chứ không phải chăm chăm lấy tiền hoa hồng của bạn. Nếu người này không có đạo đức kinh doanh tốt, làm sao anh ta có nhiều đồng nghiệp, đối tác tốt, làm sao anh ta có thể giúp cho bạn có nhiều hàng hoá chất lượng cao, giá rẻ để bạn có thể mua rẻ. Trong trường hợp bạn muốn bán đắt, anh ta cũng không thể huy động được một lực lượng đồng nghiệp bán hàng hùng hậu giúp cho bạn bán nhanh và được giá. Nếu bạn thấy anh ta gian dối với khách hàng khác, bạn cũng nên từ bỏ anh ta ngay vì có thể sẽ có ngày bạn là nạn nhân".

"Ý anh nói nếu tôi muốn trở thành nhà môi giới chuyên nghiệp tôi nhất định phải có thái độ kinh doanh chuyên nghiệp. Không lẽ kiến thức về sản phẩm không quan trọng sao?". Tôi hỏi và bắt đầu cảm thấy nghề môi giới BĐS cũng lý thú không kém.

"Kiến thức về sản phẩm tất nhiên cũng quan trọng nhưng chỉ chiếm khoảng 20% thành công mà thôi. Thái độ kinh doanh chuyên nghiệp chiếm đến 80% thành công". Anh chậm rãi phân tích. "Giả sử có một khách hàng ký gửi bán một căn nhà. Là người có thái độ kinh doanh chuyên nghiệp bạn sẽ nghĩ đến cách thức nào bán được cho khách hàng nhanh nhất. Bạn không hiểu về đặc tính của sản phẩm nhưng bạn biết những đồng nghiệp có thể bán được căn nhà này. Giả sử bạn biết khoảng 10 chuyên gia khu vực đó, bạn thông báo cho 10 chuyên gia này tình trạng căn nhà. Mỗi chuyên gia này giả sử có 5 khách đang tìm mua. Kết quả bạn tạo được 50 khách mua tiềm năng. Cũng trong thời gian này người chủ nhà ký gửi thêm một nhà môi giới khác, anh ta rất giỏi về sản phẩm nhưng vì không có khả năng hợp tác với các nhà môi giới khác, anh ta chỉ có thể tạo ra 5 khách mua tiềm năng. Trong trường hợp này, bạn rõ ràng có ưu thế hơn và xác suất bạn làm thỏa mãn khách hàng cao hơn rất nhiều so với anh chàng môi giới kia. Như vậy thái độ kinh doanh chuyên nghiệp thể hiện ở kỹ năng hợp tác với các nhà môi giới khác thực ra mới quan trọng, quyết định sự thành bại của nghề nghiệp môi giới".

"Lý thuyết của anh nghe có vẻ hợp lý nhưng hình như các nhà môi giới không làm vậy". Tôi nhớ lại một số nhà môi giới mà tôi quen biết. Khi có khách hàng gửi bán, họ thường chứng tỏ năng lực về hiểu biết sản phẩm cũng như khả năng quen biết rất nhiều người mua, họ hứa sẽ quảng cáo trực tiếp đến người cần mua để khỏi phải qua nhiều khâu trung gian, họ nỗ lực rất nhiều để chứng tỏ họ giỏi hơn những người môi giới khác… Suy nghĩ một lúc, tôi chợt phát hiện ra lý thuyết của anh có vấn đề. "Nếu tôi thông báo cho nhiều nhà môi giới khác căn nhà đang rao bán, sẽ có nhà môi giới liên lạc trực tiếp với người bán, giả sử họ tìm được người mua, họ sẽ hưởng trọn hoa hồng và tôi đâu có được gì?".

"Sao lại không được gì?". Anh cười. "Bạn làm được hai việc quan trọng, một là giúp khách hàng bán được nhà nhanh và được giá, hai là hiểu được ai là nhà môi giới chuyên nghiệp để hợp tác, ai là nhà môi giới không chuyên nghiệp để bạn tránh đi. Bạn làm công việc này cả đời chứ đâu phải đánh quả một hai vụ".

Khái niệm nhà môi giới chuyên nghiệp của anh làm tôi ngạc nhiên. Tôi vẫn nhớ có nhà môi giới khoe với tôi rằng anh ta là nhà môi giới chuyên nghiệp vì anh ta có danh sách chủ nhà của khu vực đó, chỉ cần nhà môi giới nào rao bán bất kỳ căn nhà nào tại khu vực đó trên thị trường, anh ta sẽ tiếp xúc với chủ nhà và đề nghị rao bán, anh ta không cần phải phối hợp với bất kỳ ai và hưởng trọn hoa hồng. Sau này, quan sát những nhà môi giới như vậy, tôi thường thấy họ vất vả mưu sinh vì họ thường làm việc độc lập và vất vả, không có khách hàng trung thành, không có nhiều đối tác, chỉ cần một khó khăn nhỏ của thị trường đủ làm họ không thể đứng vững.

source http://nhagiare.com/thong-tin-nha-dat/newsid2080/tim-nha-tu-van-nha-dat-nhu-the-nao.html