Tuesday 22 December 2009

Dân phản đối trước cao ốc ngàn tỷ Sai Gon Pearl


– Trong nhiều ngày qua, hàng trăm hộ dân ở khu phố 5, phường 22 (Q.Bình Thạnh) tập trung, phản đối chủ đầu tư công trình cao ốc Sai Gon Pearl vì cho rằng, công trình thi công đã làm nứt, lún hàng loạt nhà dân.

133 ngôi nhà bị nứt

Theo phản ánh của người dân, từ khi công trình Sai Gon Pearl đi vào thi công đã khiến nhiều ngôi nhà trong khu phố 5 bắt đầu nứt dần và xuống cấp hàng loạt.

Nhiều ngôi nhà trong khu phố 5 bị nứt và lún. Ảnh: Tử Trực

Hiện tại đã có 133 hộ dân khiếu nại, gửi đơn đến cơ quan chức năng, chủ đầu tư yêu cầu bồi thường 133 căn nhà bị nứt từ đầu tháng 3/2009. Chủ yếu là những căn nhà cấp 4.

Trong văn bản trả lời người dân được ký kết ngày 17/12, Sai Gon Pearl khẳng định, sẽ không hỗ trợ hay bồi thường bất cứ một khoản nào cho người dân khiếu kiện. Việc này đã gặp sự phản đối của người dân phường 22.

Trong nhiều ngày qua, vì cho rằng chủ đầu tư không có động thái tích cực trong việc khắc phục sự cố, cách trả lời không hợp tình hợp lý… nên nhiều người đã kéo đến công trình Sai Gon Pearl (trước tòa nhà của chủ đầu tư) phản đối, gây mất trật tự.

Sáng 22/12 đã có khoảng 30 người kéo đến công trường. Bảo vệ công trường đã ngăn không cho họ vào. Vì vậy đã xảy ra xô xát giữa hai bên.

Nền nhà của một hộ dân ở khu phố 5 phường 22 bị hư hỏng. Ảnh Tử Trực

Trước đó, cũng đã có 49 hộ khiếu kiện vì cho rằng Sai Gon Pearl đã gây nhiều nhà bị lún, nứt. Chủ đầu tư của công trình cũng đã bồi thường thiệt hại 49 nhà.

Công trình Sai Gon Pearl nằm ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, bắt đầu đi vào thi công từ năm 2005, có 3 tòa nhà đôi được xây dựng. Mỗi tòa nhà 37 tầng, thuộc hạng lớn nhất TP.HCM. Chủ đầu tư công trình là Công ty TNHH Vietnam Land SSG.

Hiện nay, Sai Gon Pearl đã đi vào giai đoạn hoàn thiện tòa nhà cuối cùng.

Kênh, rạch bị chôn vùi

Cùng với phản bác cho rằng công trình Sai Gon Pearl đã gây hàng loạt ngôi nhà bị lún, nứt, người dân còn “tố cáo” chính công trình là “thủ phạm” gây ra dòng kênh nhỏ chảy qua khu phố 5 bị tắc nghẽn, nước đọng lênh láng mỗi khi có mưa.

Dòng kênh nhỏ trong khu phố 5 bị phủ đầy bùn khiến nước không thoát được. Ảnh: Tử Trực

Họ cho biết, bùn lầy từ trong công trình theo nước “tuồn” thẳng ra ngoài, lấp cả đoạn kênh dài, khiến nước không thể thoát.

Từ năm 2005, người dân cũng đã nhiều lần đóng góp tiền bạc để nạo vét dòng kênh trên.

Đồng thời, hàng chục người còn cho rằng, công trình đã gây ra bụi bao phủ cả khu phố 5. Tiếng ồn và nhiều vật dụng trong công trường “bay” thẳng ra ngoài gây thiệt hại lớn.

Chủ đầu tư yêu cầu kiểm định

Chiều 22/12, đại diện chủ đầu tư đã có buổi gặp gỡ với người dân tại UBND phường 22 và các đơn vị liên quan.

Ông Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vietnam Land SSG – Đơn vị chủ đầu tư cho rằng, công ty thi công không thể tránh khỏi những khúc mắc người dân đã nêu như tiếng ồn, bụi. Ông khẳng định sẽ hạn chế đến mức thấp nhất.

Tuy nhiên, ông không đồng ý với ý kiến của nhiều người cho rằng chính công trình là thủ phạm gây ra lún, nứt của 133 căn nhà cạnh bên công trình.

Công trình Sai Gon Pearl tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Tử Trực

“Tình trạng lún, nứt đó tương tự như ở các nơi khác không xây dựng công trình. Khả năng ảnh hưởng của công trình chúng tôi đến các hộ dân cực kỳ thấp” – Ông Bé khẳng định.

Ông Bé yêu cầu phải mời đơn vị thứ 3 nào đó có đủ kỹ thuật để kiểm định những căn nhà đó có thực sự bị nứt do công trình Sai Gon Pearl gây ra hay không. Trong thời gian chưa có kết quả, người dân không được tập trung gây mất trật tự trong công trình.

Ý kiến của ông Bé đã được sự đồng thuận của số đông bà con.

Riêng về dòng kênh chảy qua khu phố 5, ông Bé cho rằng, chính công ty ông đã bỏ tiền ra “cứu” dòng kênh đó chứ không phải là thủ phạm như nhiều người vẫn nghĩ.

Tử Trực
**************
source

Dân phản đối trước cao ốc ngàn tỷ Sai Gon Pearl

Cập nhật lúc 22:59, Thứ Ba, 22/12/2009 (GMT+7)

http://www.vietnamnet.vn/xahoi/doisong/200912/Dan-phan-doi-truoc-cao-oc-ngan-ty-Sai-Gon-Pearl-885692/

*********************

Chủ đầu tư dự án Saigon Pearl bị tố làm nứt nhà dân

Ngày 22/12, hơn 100 người đã vây quanh dự án Saigon Pearl trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP HCM để yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại sau về việc thi công dự án làm nứt nhà dân.

133 hộ dân đã đồng loạt đâm đơn kiện chủ đầu tư dự án Saigon Pearl là Công ty TNHH Vietnam Land khi nhà cửa xung quanh liên tục bị ảnh hưởng theo hướng ngày càng xấu đi. Đây không phải là lần đầu tiên người dân phẫn nộ đòi bồi thường thiệt hại việc nhà cửa bị nứt dọc ngang đủ kiểu do cụm công trình Saigon Pearl gây ra. Hôm qua, mọi người cũng từng kéo đến dự án làm to chuyện, khiến chính quyền địa phương hứa sẽ triệu tập cuộc họp 2 bên vào ngày 22/12.

Tổ trưởng tổ dân phố 46, thuộc khu phố 5, phường 22, quận Bình Thạnh, ông Bùi Công Lộc cho hay, cách đây 2 năm nhà ông chỉ bị nứt khoảng 1 cm, nay các vết nứt đã lên đến 4 cm. Đã có những trường hợp người dân sửa nhà đến 3 lần nhưng nhà vẫn hỏng. Các vết nứt xuất hiện ngày một nhiều hơn ở tường, đà, cột của căn nhà.

Người dân chuẩn bị bảng khẩu ngữ yêu cầu chủ đầu tư dự án Saigon Pearl bồi thường thiệt hại do lún nứt nhà cửa. Ảnh: Vũ Lê.

Ông Lộc cho rằng, nguyên nhân khiến cho nhà dân bị lún nứt hàng loạt là do chủ đầu tư đã sử dụng 5 dàn máy đóng cọc hoạt động liên tục mấy tháng trời từ sáng đến tận 10 giờ đêm, khiến tường bị xé toạc. Còn bà Lê Thị Mai, cư dân ngụ tổ 46, cũng là hộ dân sống cạnh dự án này kể thêm, khi thi công dự án, Công ty Vietnam Land đã làm bít các cống thoát nước, thường xuyên rơi xi măng, ngày đêm gây ra tiếng ồn, khói, bụi, ngập nước.

Theo quan điểm của các hộ dân, nếu chủ đầu tư dự án Saigon Pearl không giải quyết đền bù thỏa đáng những thiệt hại mà công ty này gây ra thì mọi người sẽ kiện tới cùng. Tuy nhiên, trong khi dân tình phẫn nộ vì nhà cửa bị hỏng, chủ đầu tư lại cho rằng do nằm trong khu vực bị ngập nước, lại có nền đất yếu, cộng thêm nhà dân đã xuống cấp nên mới bị nứt.

Phó tổng giám đốc Công ty Vietnam Land Võ Văn Bé phân tích, dự án chỉ làm hầm sâu 4 m, khó ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh. Ông Bé cũng cho rằng, một dự án thi công không thể tránh được tiếng ồn và khói bụi.

Cùng ngày, chính quyền địa phương đã triệu tập hai bên và đưa ra phương án giải quyết. Phó chủ tịch UBND phường 22, quận Bình Thạnh Trần Đình Chiến, cho rằng việc người dân đâm đơn kiện là có cơ sở. Nhiều lần phường đã yêu cầu chủ đầu tư khắc phục những điều người dân phản ánh. Ông Chiếu yêu cầu chủ đầu tư và người dân chọn một đơn vị kiểm định độc lập để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại làm cơ sở phân xử.

Hà Thanh

source

http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Bat-Dong-san/2009/12/3BA16F9A/

Sunday 20 December 2009

Vụ sập nhà chết 3 người ở Bình Dương: Hệ thống móng, sàn… quá yếu



Quy chế quản lý xây dựng ở khu dân cư Sóng Thần II (H.Dĩ An) do UBND tỉnh Bình Dương ban hành cho phép xây tối đa 3 lầu; chủ căn nhà bị sập vào chiều ngày 19.12 khi nộp hồ sơ thiết kế chỉ thể hiện 3 tầng, nhưng thực tế xây đến 5 tầng...

23 giờ ngày 19.12, khi có thông tin vẫn còn hàng chục người kẹt lại trong đống gạch vụn, lực lượng tìm kiếm được huy động lên tới trên 200 người, khẩn trương đào bới hiện trường cứu người.

Đến gần 1 giờ sáng 20.12, lực lượng cứu hộ tìm được thi thể chị Vũ Thị Xinh (SN 1972, quê Thanh Hóa), bị bê tông đè nát toàn thân. Đau lòng hơn, chị Xinh đang có thai 4 tháng. Bên ngoài, anh Đinh Văn Phú (chồng chị Xinh) thất thần, liên tục đòi đập đầu xuống sàn gỗ chết theo vợ con và người em trai tên Đinh Văn Chất (được tìm thấy trước đó).

Đưa xác nạn nhân Vũ Thị Xinh ra khỏi hiện trường - Ảnh: H.Tuấn

Khoảng 30 phút sau, lực lượng cứu hộ tăng cường từ TP.HCM phát hiện ra thi thể của em Phạm Anh Tuấn (SN 1998, con trai chủ nhà Phạm Xuân Ổn), chết ở tư thế đang ngồi xem ti vi bị bê tông đè gãy cổ.

Đó là do chủ nhà và chủ thầu quá ẩu. Còn việc kiểm tra, giám sát việc xây dựng là của chính quyền địa phương.

Một cán bộ của Công ty cổ phần Đại Nam

Đến khoảng 6 giờ sáng, hàng trăm cặp mắt đổ dồn về tầng trệt, nơi mà nhiều người nghi ngờ có hàng chục công nhân xấu số bị chôn vùi trong lúc đang đứng chờ nhận lương. Tấm bê tông cuối cùng được kéo lên, 2 chiếc xe máy dập nát hiện ra và mọi người đều thở phào vì không có thi thể nào bị vùi bên dưới. Một số công nhân cho biết khi xảy ra vụ sập nhà nhiều công nhân rủ nhau đi nhậu nên thoát chết.

Anh Đinh Văn Phú đập đầu đòi chết theo vợ con và em trai

Đến 8 giờ sáng, công tác cứu hộ, tìm kiếm thi thể nạn nhân khép lại. Tổng cộng vụ sập nhà làm 3 người chết (có 1 người mang thai) và 7 người bị thương, trong đó 5 trường hợp bị thương rất nặng. Riêng em Phạm Thùy Linh (SN 2000, con gái út của ông Ổn) khi cùng mẹ chạy ra ngoài thoát thân bị bê tông đè dập nát 2 chân, phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

“Do chủ nhà và chủ thầu quá ẩu”

Hôm qua, bộ phận Khoa học hình sự Công an tỉnh Bình Dương, Thanh tra Sở Xây dựng và Sở LĐ-TB-XH đến hiện trường khám nghiệm, xác định nguyên nhân. Theo tính toán ban đầu, căn nhà của ông Phạm Xuân Ổn (đường số 19, khu dân cư Sóng Thần II) có tổng diện tích sàn xây dựng trên 1.500m2. Các cột chính và đà kiềng khi bị nứt gãy đã trơ ra cốt sắt chủ yếu là loại sắt phi 14 và 16, bị kéo giãn và xoắn gãy, biến dạng. Theo nhận định ban đầu, hàm lượng cốt sắt, kết cấu sắt và hệ thống móng, sàn chịu tải thực hiện chưa đúng quy cách, nền nhà có nhiều nơi lún sụt... Cũng trong ngày hôm qua, Công an H.Dĩ An tạm giữ giám sát công trình để phục vụ điều tra, riêng chủ thầu Đinh Văn Cần vẫn chưa ra trình diện. Chủ nhà Phạm Xuân Ổn cũng bị triệu tập và được yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến việc xây dựng căn nhà. Theo dự kiến hôm nay (21.12), UBND tỉnh Bình Dương sẽ lập đoàn kiểm tra liên ngành đến hiện trường kiểm định chất lượng công trình để kết luận nguyên nhân vụ việc.

Trong khi đó, theo Quy chế quản lý xây dựng khu dân cư nhà ở Sóng Thần II mà UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt vào ngày 16.1.2006, khu vực này chỉ được phép xây dựng tối đa đến 3 lầu. UBND tỉnh cũng giao các cơ quan quản lý xây dựng và chính quyền địa phương theo quyền hạn, trách nhiệm hướng dẫn triển khai dự án, kiểm tra việc xây dựng các công trình đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng, thực tế căn nhà của ông Ổn đang xây dựng có 5 tầng.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều hôm qua, ông Đặng Minh Hưng, Chủ tịch UBND H.Dĩ An, cho biết: “Hiện nay vụ việc đang được công an tỉnh tiến hành điều tra để xác định trách nhiệm của từng cá nhân, chủ nhà xây nhà sai quy định, hay chủ thầu xây dựng sai thiết kế...”. Khi hỏi đến trách nhiệm trong việc quản lý xây dựng, ông Hưng nói: “Khu dân cư Sóng Thần II được UBND tỉnh giao cho Công ty cổ phần Đại Nam làm chủ đầu tư, nếu có việc xây dựng sai thì đó là trách nhiệm của Đại Nam. Về quản lý nhà nước, nếu chủ đầu tư báo cáo thì chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra theo quy chế phối hợp”.

Đại diện Công ty cổ phần Đại Nam, cho biết chủ nhà trước khi xây dựng có nộp hồ sơ thể hiện nhà chỉ 3 tầng, nhưng quá trình xây dựng lại không đúng với thiết kế. Cụ thể đã xây dựng lố 2 tầng so với hồ sơ. Đề cập đến trách nhiệm thì một cán bộ của Đại Nam cho rằng: “Đó là do chủ nhà và chủ thầu quá ẩu. Còn trách nhiệm thì căn cứ theo quy chế của UBND tỉnh Bình Dương ban hành, Đại Nam chỉ nhận hồ sơ thiết kế, hướng dẫn quy trình, thủ tục để xây dựng đúng quy hoạch. Còn việc kiểm tra, giám sát việc xây dựng là của chính quyền địa phương”.

Hoàng Tuấn

****************

source

http://vn.news.yahoo.com/tno/20091221/tpl-vu-sap-nha-chet-3-nguoi-o-binh-duong-949c3be.html

Ngày 21.12.2009 Giờ 15:14

Vụ sập nhà năm tầng tại Bình Dương

Nhà xây sai phép, vượt tầng

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Hà Dịu

SGTT - Theo ông Đặng Minh Hưng, chủ tịch UBND huyện Dĩ An, căn nhà năm tầng bị sập thuộc khu dân cư Đại Nam. Khu dân cư này đã được công ty cổ phần Đại Nam lập phương án quy hoạch tổng thể và được sở Xây dựng phê duyệt. Những hộ mua nền ở đây muốn xây dựng chỉ cần lập phương án xây dựng nộp cho công ty Đại Nam. Sau khi xem xét việc xây dựng phù hợp quy hoạch và quy định thì được thi công.

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, cho thấy căn nhà được xây trên diện tích đất khoảng 300m2, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 1.500m2, gồm một tầng trệt và bốn tầng lầu. Các cột chính và đà kiềng bị nứt gãy đã trơ ra cốt thép chủ yếu loại sắt phi 14mm và 16mm, hệ cốt thép chịu lực bị kéo dãn và xoắn gãy, biến dạng.

Xây lố hai tầng

Đại diện công ty cổ phần Đại Nam (chủ đầu tư khu dân cư Đại Nam) cho biết, qua khảo sát, hiện trường cho thấy chủ nhà đã xây sai với thiết kế đã nộp cho đơn vị này. Cụ thể diện tích sàn và mái bị lố, vượt hai tầng so với chiều cao khống chế theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Ngoài ra, qua kiểm tra sơ bộ của các ngành chức năng cho thấy lượng cốt thép, kết cấu thép và hệ thống móng, sàn chịu tải được thực hiện chưa đúng quy cách. Xung quanh nền nhà có nhiều nơi lún sụt, có dấu vết nứt gãy kết cấu cũ.

Ông Trần Văn Dũng, giám đốc sở Xây dựng Bình Dương khẳng định ngay sau khi xảy ra tai nạn, sở đã cho lực lượng thanh tra sở và các phòng chức năng đến hiện trường để kiểm tra. Ngoài ra đã đề nghị công ty Đại Nam cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan để xác định nguyên nhân. Dự kiến ngày 21.12 đoàn kiểm tra liên ngành gồm các sở Xây dựng, Lao động – thương binh và xã hội, Công an tỉnh Bình Dương và chủ đầu tư sẽ có cuộc họp để đưa ra kết luận nguyên nhân tai nạn. Trong trường hợp vụ việc phức tạp, ngoài khả năng của tỉnh thì sở Xây dựng sẽ kiến nghị tỉnh thuê đơn vị kiểm định có uy tín làm rõ nguyên nhân để có kết luận cuối cùng. Cùng ngày, Công an huyện Dĩ An đã triệu tập chủ nhà đến cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan. Ngoài ra, lực lượng kỹ thuật hình sự đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân.

Chủ thầu xây dựng là ông Đinh Văn Cần, ngụ tại tỉnh Thanh Hoá vào nhận thầu công trình này với tư cách là nhà thầu tư nhân. Từ khi xảy ra sự việc đến nay, ông Cần vẫn chưa ra trình diện với cơ quan công an.

Ba người chết, tám người bị thương

Đến chiều ngày 20.12, cơ quan chức năng xác định có ba người chết và tám người bị thương. Theo lời kể của nhân chứng, 3 giờ chiều ngày 19.12, một tiếng ầm giống như nổ mìn đã làm rung động cả khu phố và sau đó là bụi bay mù mịt vào tận sân của công ty. Khi nhìn ra, căn nhà năm tầng nằm đối diện công ty đã sụp đổ hoàn toàn cùng với tiếng la thất thanh của nhiều người. Căn nhà thuộc sở hữu của ông Phạm Xuân Ổn, 46 tuổi, và bà Vũ Thị Tẩm, 44 tuổi, cùng ngụ huyện Dĩ An, tình Bình Dương. Họ dự định khi xây xong sẽ dùng để kinh doanh nhà hàng tiệc cưới – karaoke gia đình – khách sạn.

Người đàn ông tên Phú chết lặng khi người ta đưa xác vợ mình ra khỏi đống hoang tàn. Vợ anh đang sơn cửa ở dưới tầng trệt. Khi thấy căn nhà có dấu hiệu sập, anh la lớn để vợ chạy ra nhưng không kịp. Vợ anh là Võ Thị Xinh, quê Thanh Hoá theo chồng vào Bình Dương làm phụ hồ và lo cơm nước cho công nhân. Vì ở tầng trệt nên Xinh bị đống bêtông đè lên người. Đội cứu hộ phải bới đống gạch vữa và cưa từng mẩu bêtông mới đưa được xác ra. Khi xác vợ được đưa ra, Phú đã nấc lên trong đau đớn: “Vậy là tôi mất cả vợ lẫn con rồi”. Cùng một lúc, Phú mất đi hai người thân yêu vì Xinh, vợ Phú đang có thai hai tháng.

Suốt cả đêm, đội cứu hộ đã làm việc cật lực để cứu những nạn nhân còn sót lại trong đống đổ nát. 1 giờ 30 phút, đội cứu hộ đã lôi được xác một nạn nhân xấu số là Phạm Xuân Tuấn mới 12 tuổi, con của chủ nhà. Ông Phạm Xuân Ổn, cha của đứa bé hét lên kinh hoàng khi xác cậu con trai được tìm thấy trong đống đổ nát. Không chỉ mất đi con trai, ông Ổn còn phải nhận thêm nỗi đau khi cô con gái mới chín tuổi đang chơi trong nhà cũng trở thành nạn nhân của vụ tai nạn. Bé Phạm Thuỳ Linh hiện đang phải nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy chờ cưa chân vì đôi chân của bé bị giập nát.

Tại bệnh viện Quân đoàn 4, Nguyễn Văn Ngọc chưa hết bàng hoàng khi nói về vụ tai nạn. Ngọc cho biết lúc đó mình đang ở trong một căn phòng của tầng 3 thì nghe tiếng “rầm” nhưng cứ nghĩ cái gì rơi. Khi nhìn thấy giàn giáo rung và nghe có tiếng người hô “nhà sập” thì vội chạy xuống. Nhưng chỉ mới chạy được vài bước thì chỗ Ngọc đứng sụp xuống. Trong khi luống cuống, Ngọc chạm vào một cái cây và ôm chặt lấy. Sau đó Ngọc ngất đi và tỉnh dậy thấy mình đang ở trong một đống đổ nát.

Được biết, bình thường có khoảng 40 người làm việc trong ngôi nhà nhưng vào thời điểm xảy ra tai nạn, nhiều người đã ra ngoài nghỉ giải lao.

Hà Dịu – Giang Sơn

source

http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=60919&fld=HTMG/2009/1220/60919

Ngày 23.12.2009 Giờ 08:05Sập nhà ra thầu rẻ

SGTT - Vụ sập nhà mới đây nhất ở đường số 19, khu phố Thống Nhất 1, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, một lần nữa cho thấy “sập nhà ra thầu rẻ”. Có lẽ một số hãng thầu chuyên không chấp nhận về giá cả, nên đã ra đi và gói thầu cuối cùng rơi vào tay ông Đinh Xuân Cầu, ngụ tại tỉnh Thanh Hoá, một người quen biết với chủ nhà, hiện đang bỏ trốn. Báo mạng VnExpress dẫn lời một vài người thân thiết với gia đình này, cho biết: lúc đầu thi công, nhiều kỹ sư được mời nhưng đã từ chối công việc, vì vậy chủ nhà đành phải nhờ đến một người quen, là chủ thầu không chuyên.

Theo hồ sơ thiết kế và bản vẽ thi công của công trình, thì đây là căn hộ gia đình diện tích đất 5 x 30m. Trong bản vẽ của hồ sơ thiết kế do công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng và dịch vụ Dương Minh Đức, căn nhà này sẽ được xây dựng một trệt hai lầu và mái tôn che sân thượng.

Trong quy chế của UBND tỉnh Bình Dương ban hành theo quyết định số 17/2006/QĐ-UBND ngày 16.1.2006 về quản lý xây dựng khu nhà ở Sóng Thần 2: các căn phố liên kế thuộc các lô P1; P2; D1; D2; D3; D4; D5 cho phép tầng cao xây dựng 1 trệt, 1 lầu đến 3 lầu và các căn hộ này được miễn cấp phép xây dựng.

Quy chế cho phép xây dựng tối đa như vậy nhưng trên thực tế căn nhà đã đổ sụp được xây dựng với một trệt bốn lầu…

Tóm lại, các chi tiết cốt thép và thép tại hiện trường vụ sụp đổ – thép chịu lực phi 14 và 16mm, tấm sàn làm theo dạng sàn đúc giả – cho thấy chủ nhà đã muốn chi phí thấp đến mức tối đa.

Thực ra, dù đầu tư tối thiểu như thế, vẫn sẽ không có gì đáng tiếc xảy ra, vì cũng như trường hợp các cây cầu trọng tải 15 tấn phải chịu xe 20 – 30 tấn chạy qua, nhưng do nhà thầu không am tường đất nền, vốn có nhiều biến động ở vùng đất này cũng như TP.HCM – nơi có nhiều vụ sập nhà do nền bị sụt lún – nhà thầu tư nhân giá nào cũng chấp nhận từ ở quê Thanh Hoá vào đã không đủ kinh nghiệm xử lý móng nên căn nhà bị sập do móng bị sụt lún.

KTS Nguyễn Văn Châu khẳng định: “Nếu móng ổn, dù có cơi thêm một hai tầng, vẫn không thể sập”.

Điều đáng nói là người tiêu dùng dịch vụ trong trường hợp này đã chấp nhận một dịch vụ thầu ngoài quê với giá rẻ tối đa. Nhà cung cấp dịch vụ chấp nhận làm theo ý nhà đầu tư – tức chủ nhà, dù không an toàn. Đây là mẫu số chung của những người tiêu dùng mua dịch vụ nhà ở với những nhà thầu tay ngang. Những nhà thầu này thường kiêm nhiều vai: thiết kế, thi công và có khi cả giám sát.

Một mẫu số chung khác nữa, nhiều trường hợp chủ nhà xây dựng sai phép, không phép nên cần làm nhanh càng dễ xảy ra sự cố. Căn nhà của ông Phạm Văn Ổn không ra ngoài mẫu số đó, từ hai tầng cơi lên thêm hai tầng. Theo lời thợ hồ gặp nạn tên Nguyễn Đình Hiểu, người trực tiếp làm việc trong căn nhà, hiện đang điều trị tại bệnh viện Quân đoàn 4 cho biết: “Khi căn nhà xây dựng xong lầu 3 thì bà Tẩm (vợ ông Ổn – chủ nhà) đăng ký dịch vụ karaoke gia đình ở lầu 2 nên đã cho xây thêm tường cách âm tại lầu này, đồng thời triển khai xây dựng tiếp ba phòng trên lầu bốn. Khoảng một tuần, trước khi căn nhà bị sập anh em tôi đã phát hiện toàn bộ bốn lầu của căn nhà đã bị nứt ở ngang đà. Ngày 18.12, bà Tẩm đã gọi chủ thầu lên chỉ từng vết nứt nhưng không thấy có biện pháp khắc phục nào cho đến khi căn nhà đổ sụp xuống…”.

Trong thực tế, đang tồn tại một thị trường cung cấp dịch vụ thượng vàng hạ cám, mà cám nhiều hơn vàng, giá nào cũng nhận. Chỉ cần lật trang báo Mua & Bán ra, người ta có thể hình dung sự bát nháo về giá cả của thị trường này. Một thực tế khác đối ứng với cung này là những nhà đầu tư, người tiêu dùng luôn mang tâm lý chuộng dịch vụ rẻ, bất chấp là rẻ đến một mức nào đó thì họ sẽ rơi vào rủi ro, đặt cược cả sinh mệnh người thân cũng như người làm thuê, như trường hợp ông Ổn. Nếu không có sự điều chỉnh về hành vi tiêu dùng của nhà đầu tư trong lựa chọn dịch vụ chất lượng, nếu không dọn dẹp thị trường, thì giả định rằng ngôi nhà ông Ổn hoàn toàn không sai phạm về mặt pháp lý, thì nó vẫn cứ sập. Và nhiều vụ sập nhà khác vẫn tiếp tục xảy ra.

Trả lời trên giao lưu trực tuyến báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiệp, phó giám đốc sở Xây dựng TP.HCM, nói thêm: “Một vấn đề đáng lo khác là hợp đồng giữa các bên trong xây dựng công trình thường không chặt chẽ, thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Do đó, khi xảy ra sự cố thì rất lúng túng trong giải quyết”.

Cuối cùng, do giá nào cũng chiều, nên các đơn vị xây dựng cũng chưa thực hiện đầy đủ việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo hiểm cho bên thứ ba, mặc dù đã được quy định trong luật Xây dựng. Do đó khi xảy ra sự cố, thiếu sự hỗ trợ từ các tổ chức bảo hiểm, vốn có kinh nghiệm trong giải quyết bồi thường.

Công Khanh

Nhà sập do kết cấu không đảm bảo

Ngày 22.12, đoàn kiểm tra của bộ Xây dựng đã đến hiện trường vụ sập nhà tại thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương để khảo sát hiện trạng, thu thập tài liệu hồ sơ liên quan và xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố sập nhà.

Trong buổi sáng, đoàn kiểm tra đã làm việc với công ty cổ phần Đại Nam, thanh tra sở Xây dựng, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh và UBND huyện Dĩ An. Các bên liên quan đã cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến khu dân cư Đại Nam, hồ sơ liên quan đến căn nhà lầu năm tầng bị sập. Ngoài ra, đoàn đã đi khảo sát thực tế hiện trường, ghi nhận các kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã thực hiện suốt bốn ngày qua.

Theo thuyết minh đề án của chủ đầu tư, khu dân cư Đại Nam nằm trong khu liên hiệp thành phố mới Bình Dương và nằm trong cụm dân cư Thủ Đức – Dĩ An – quận 9. Toàn khu được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch theo từng cụm biệt lập hoàn chỉnh. Trong đó quy định từng khu nhà phố, nơi thấp nhất là một trệt hai lầu đến một trệt sáu lầu. Trước mắt, bộ Xây dựng cơ bản đồng ý với kết quả báo cáo của sở Xây dựng về việc đánh giá nguyên nhân gây sập căn nhà của ông Ổn là do kết cấu không đảm bảo. Ngoài ra, do kết cấu nhà, khung, sườn, dầm theo tiêu chuẩn nhà cấp 2 và phê duyệt của tỉnh thì khu vực này chỉ được xây nhà phố một trệt hai lầu, nhưng chủ thầu vẫn cố tình xây vượt tầng nên làm giảm khả năng chịu tải, gây nứt lún cục bộ. Riêng việc xây dựng tường chịu lực ở tầng 2 và 3 cũng không đảm bảo yêu cầu đã góp phần phá vỡ liên kết. Tuy nhiên, bộ Xây dựng cho biết cần phải đánh giá lại kết cấu thép hệ khung, tính toán hàm lượng cốt thép vị trí đặt cốt thép và bêtông để xác định khả năng chịu lực của ngôi nhà. Dự kiến trong ngày 23.12 bộ Xây dựng cùng các ngành liên quan của tỉnh Bình Dương sẽ họp để kết luận nguyên nhân gây sập nhà.

Về trách nhiệm quản lý, giám sát quá trình xây dựng và xử lý vi phạm trong xây dựng, một cán bộ của bộ Xây dựng khẳng định chỉ có chính quyền địa phương mới có chức năng, thẩm quyền kiểm tra, xử phạt, ra quyết định cưỡng chế, rút giấy phép, đình chỉ thi công…

Giang Sơn

source

http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=61018&fld=HTMG/2009/1222/61018

Wednesday 9 December 2009

Tăng cường biện pháp an toàn sau vụ “thảm họa cầu thang”


Trung Quốc:


(Dân trí) - Sau vụ 8 học sinh thiệt mạng và 26 em khác bị thương vì trượt ngã cầu thang tối hôm 7/12, trường cấp 2 tư thục Yucai ở TP Xiangxiang, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã xếp lại lịch học của các lớp để tránh đám đông trong giờ cao điểm lúc tan học.
>> Trung Quốc: Giẫm đạp trong trường học, hàng chục người thương vong
Cầu thang của trường Yucai rất hẹp, chỉ rộng 1,5 m. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Theo đó, nhà trường sắp xếp lại lịch học để tránh việc các HS dồn lại quá đông ở cầu thang vào trước giờ nghỉ ăn trưa và sau giờ tan học buổi tối.

Liu Xiangping, phó giám đốc Sở Giáo dục TP Xiangxiang, cho biết HS năm thứ nhất sẽ tan học sớm hơn 10 phút. Còn HS năm thứ 2 sẽ ra muộn hơn 5 phút. HS năm thứ 3 sẽ tan học muộn nhất.

Hiện Liu Xiangping chịu trách nhiệm phụ trách trường Yucai sau khi hiệu trưởng nhà trường bị bắt giữ hôm 8/12 và tài khoản của nhà trường bị đóng băng.

Bố trí lại lịch học là một trong các biện pháp tăng cường an toàn cho HS được trường Yucai thực hiện sau vụ “thảm họa cầu thang”.

Đồng thời, từ ngày 8/12, trường Yucai đã dán thông báo gần cầu thang của tất cả 5 tầng nhà, nhắc nhở HS sử dụng cầu thang gần nhất lớp học để an toàn khi ra khỏi lớp.

Trường Yucai có 4 lối ra nhưng vào lúc 9g10 buổi tối hôm xảy ra tai nạn, hơn 400 HS từ 8 lớp sau khi tan học đã ùa xuống một cầu thang duy nhất. Lối ra này gần tòa nhà ký túc xá nhất nên tất cả các em chọn lối này để tránh cơn mưa lớn sắp đổ xuống. Khi các em nhào xuống cầu thang rộng 1,5m thì một HS nữ trượt chân và khiến hàng chục HS khác mất thăng bằng và ngã xuống khu vực có diện tích chỉ khoảng 5 m2.
Một quy định mới nữa được trường Yucai thực hiện là đèn bên ngoài các phòng học sẽ chiếu sáng từ 9g30 đến 9g40 buổi tối để đảm bảo rằng HS cuối cùng rời lớp học vẫn có đủ thời gian để về phòng đi ngủ.

Thảm họa bắt nguồn từ trò nghịch dại của học sinh?

Một nữ sinh bị thương kể: "Lúc 9g30, đèn tắt hết. Chúng em chỉ có 20 phút để trở lại ký túc và chuẩn bị đi ngủ. Vì vậy chúng em phải thật khẩn trương."

Đa số những người chứng kiến cho biết một nữ sinh bị trượt chân khi đến đoạn cầu thang giữa tầng 1 và tầng 2. Ngay khi em này bị trượt chân, các HS ở đằng sau dồn lại. Khi ấy ở phía dưới không có đèn. Hàng chục HS mất thăng bằng và ngã xuống khu vực rộng 3-5 m2.

Theo lời kể của một nam sinh, em nhìn thấy hai nam sinh khác nắm chặt tay nhau và chặn ở cầu thang nối giữa tầng 3 và tầng 4. Có ai đó la hét với 2 nam sinh này và họ thả tay ra để cho một số HS đi qua. Nhưng sau đó 2 nam sinh lại chơi lại trò này ở cầu thang dẫn xuống tầng 1 và lại có HS bị ngã.

Huang Yangling, một nam sinh 12 tuổi, kể lại giây phút khủng khiếp khi nhiều HS khác đổ nhào trên người em.

"Em khó mà thở hay nói được và cố gắng hết sức để nâng mình lên bằng bàn tay phải. Em thấy có bạn nào đó ở bên dưới em đang kêu cứu, nhưng sau đó em không nghe thấy âm thanh nào nữa", Huang kể với tờ Global Times.

Theo Chinadaily, đến 4 giờ chiều hôm qua, 23 HS vẫn còn nằm trong viện trong đó 4 em trong tình trạng nguy kịch.

Học sinh bị thương đang được y tá chăm sóc tại Bệnh viện TP Xiangtan, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Tối qua, chính quyền địa phương thông báo mỗi gia đình của các HS bị thiệt mạng sẽ được bồi thường 350.000 nhân dân tệ. Đồng thời, các quan chức kế hoạch hóa gia đình đã đề nghị cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh đẻ miễn phí cho những bậc phụ huynh con một bị mất con.

Sau buổi tối xảy ra thảm họa, sáng hôm sau, các buổi học ở trường Yucai vẫn diễn ra bình thường, nhưng một không khí u ám bao phủ khắp khuôn viên trường.

Đầu giờ học, thầy trò trường Yucai giàn giụa nước mắt trong phút tưởng niệm các HS bị thiệt mạng trước khi vào bài học mới. Họ tưởng nhớ tới các HS qua đời và cầu nguyện cho những HS bị thương.

Nhiều giáo viên tiếp tục lên lớp dù mất ngủ cả đêm hôm trước. "Giống như cơn ác mộng vậy", một quan chức nhà trường tên Chen Xinwei cho biết. "Thật khó có thể tin rằng những em HS ấy đã ra đi mãi mãi."

Trường Yucai được thành lập năm 1997, có 3.626 HS từ 11-14 tuổi và 140 nhân viên. Trường Yucai có danh tiếng là một trong những trường tốt nhất ở Xiangxiang - TP cấp hạt với dân số 900.000 người. Trong khi các trường công lập miễn học phí cho HS thì trường Yucai thu học phí khá cao, bởi vậy đa số HS của trường là con em những gia đình giàu có.

Thảm họa ngày 7/12 là một trong những vụ thương tâm nhất ở Trung Quốc kể từ vụ việc xảy ra năm 2002 khi 21 HS một trường học ở Nội Mông bị thiệt mạng trong vụ lan can cầu thang bị sụp đổ sau lớp học ôn buổi tối.

Ở Trung Quốc từng xảy ra những vụ "thảm họa cầu thang" tương tự trong đó có vụ ở tỉnh Giang Tây hồi tháng 11 năm 2006 (khiến 6 HS thiệt mạng) và ở tỉnh Tứ Xuyên vào tháng 10 năm 2005 (khiến 10 HS thiệt mạng).
Mẹ của một học sinh 14 tuổi qua đời trong “thảm họa cầu thang” tối ngày 7/12 kêu khóc trong một bệnh viện ở tỉnh Hồ Nam.

Nhà nghiên cứu Geng Shen ở Học viện Giáo dục Bắc Kinh nhận định rằng ngoài việc tắc trách của lãnh đạo nhà trường, việc thiếu các tiêu chuẩn an toàn cho tòa nhà quốc gia đối với các cơ sở giáo dục là một lý do lớn dẫn đến các vụ "thảm họa cầu thang" xảy ra thường xuyên ở Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Geng cũng chỉ ra rằng theo tiêu chuẩn điều hành nhà trường do chính quyền TP Bắc Kinh đề ra năm 2005, cầu thang của các tòa nhà trường học phải rộng từ 2,5-3 m.

Vụ “thảm họa cầu thang” ở trường Yucai đã làm dấy lên những băn khoăn về an toàn trường sở ở Trung Quốc. Zhang Fangping, giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Hồ Nam, đã cam kết sẽ phạt các vị quan chức nhà trường trong trường hợp để xảy ra những tai nạn tương tự. Trong một hội nghị qua điện thoại ngày hôm qua với tất cả hiệu trưởng các trường mẫu giáo, tiểu học và cấp 2 ở Hồ Nam, ông Zhang cho biết nếu để xảy ra những thảm họa tương tự, các hiệu trưởng sẽ bị sa thải ngay lập tức đồng thời chính quyền địa phương sẽ xử phạt những người chịu trách nhiệm.

Tỉnh Hồ Nam sẽ bắt đầu thực hiện chiến dịch kiểm tra tiêu chuẩn an toàn tại các trường trong tỉnh kéo dài trong 10 ngày kể từ hôm nay.

Xuân Vũ
Theo Tân Hoa Xã/Chinadaily/Nhân dân nhật báo
************
source
http://dantri.com.vn/c25/s25-366641/tang-cuong-bien-phap-an-toan-sau-vu-tham-hoa-cau-thang.htm

Cầu Bình Triệu I gặp sự cố, ngăn xe khẩn cấp


Thứ Năm, 10/12/2009, 08:17 (GMT+7)

Cầu Bình Triệu I gặp sự cố, ngăn xe khẩn cấp

TT - Khoảng 19g ngày 9-12, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cầu Bình Triệu đã khẩn cấp cho ngưng lưu thông các phương tiện trên cầu Bình Triệu I vì phát hiện sự cố gối dầm cầu bị xô lệch khỏi vị trí.

Công nhân hàn cố định lại gối cầu bị lệch - Ảnh: Ngọc Hậu

Toàn bộ phương tiện phải lưu thông qua cầu Bình Triệu II vốn chỉ lưu thông một chiều hướng từ Thủ Đức vào trung tâm thành phố. Điều này khiến giao thông tại đây ùn tắc nhiều giờ liền. Trạm thu phí cầu Bình Triệu cũng phải dừng thu để xe cộ lưu thông. Đến 21g, do ùn tắc giao thông kéo dài, các đơn vị phải cho xe hai bánh lưu thông trở lại trên cầu Bình Triệu I.

Ông Dương Quang Châu, giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cầu Bình Triệu, cho biết cầu Bình Triệu I đang được Công ty Freyssinet Việt Nam gia cố và mở rộng từ ngày 7-8-2009 đến 8-10-2010.

Trong thời gian chuẩn bị sửa chữa, đơn vị thi công đã nhanh chóng phát hiện sự cố này. Theo đó, gối dầm giữa cầu Bình Triệu đoạn nhịp bằng sắt (phía bên trái từ Q.Bình Thạnh ra Thủ Đức) đã bị lệch khỏi vị trí khiến đầu một thanh dầm dọc gần mất điểm tựa, lơ lửng và chỉ còn chịu lại bởi lực liên kết của các dầm thép ngang.

Ông Châu cho rằng do phát hiện kịp thời nên sự cố trên chưa thể ảnh hưởng đến kết cấu của cầu. Vì vậy, chỉ cần cố định lại gối dầm cầu, sau đó dùng lực kích nâng dầm cầu lên và đặt về vị trí cũ thì có thể cho phép xe lưu thông lại bình thường.

Theo ông Châu, do tác động của trọng lượng xe chạy quá nhiều trên mặt cầu cũ khiến gối cầu bị đẩy lệch ra. 6g sáng 10-12, lưu thông trên cầu Bình Triệu I trở lại bình thường.

NGỌC HẬU

*************

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=352409&ChannelID=3