Tuesday 24 May 2011

Hàng loạt sai phạm trong vụ chìm tàu Dìn Ký



Bước đầu, các cơ quan chức năng xác định, con tàu "định mệnh" đã hết hạn kiểm định hơn 3 tháng, người lái tàu không xuất trình được bằng lái, bến tàu của Khu du lịch Xanh Dìn Ký cũng hoạt động không phép.
> Buổi sinh nhật định mệnh trên nhà hàng nổi Dìn Ký /'Thi thể người mẹ ấy vẫn ôm chặt xác con dưới đáy tàu'

Theo một cán bộ trong ngành giao thông, qua quan sát cho thấy, thiết kế của con tàu dùng làm du thuyền có nhiều điểm đáng lưu ý như phần tiếp đáy sông cạn đã không cân bằng nổi trọng lượng của 2 tầng phía trên. Khi gặp trời mưa giông, việc đóng cửa sổ lại khiến 2 tầng của du thuyền trở thành những “cánh buồm” hứng gió. Trong khi đó, khi thấy trời mưa to, có thể do vội vàng, tàu quay lại bến nên việc đi ngang không theo con nước đã khiến nó bị dòng nước chảy xiết kết hợp với luồng gió mạnh cuốn lật nhào làm 16 người thiệt mạng.

* Clip toàn cảnh vụ chìm tàu Dìn Ký

Phía công an tỉnh Bình Dương cũng cho hay, quá trình điều tra, lái tàu Lê Văn Đức đã không xuất trình được bằng lái. Hiện cơ quan điều tra đang tiến hành thu thập bằng chứng và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan trong vụ án.

16 mạng người trong đó có 6 trẻ em đã chìm cùng con tàu xuống lòng sông. Ảnh: Nguyệt Triều.
16 người trong đó có 6 trẻ em đã chìm cùng con tàu xuống lòng sông. Ảnh: Nguyệt Triều.

Còn ông Phạm Văn Duy, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực III cho biết, bến tàu của Khu du lịch Xanh Dìn Ký hiện hoạt động không giấy phép.

Theo quy định, đối với những nơi hoạt động cảng, bến thủy nội địa, khi đưa đón hành khách lên xuống đều phải được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, các loại phương tiện tham gia phải được kiểm định định kỳ theo quy định. Tuy nhiên ông Duy cho hay, bước đầu xác định hệ thống cầu phao của khu du lịch xanh Dìn Ký được làm bằng thùng phuy, thiếu an toàn, không đủ điều kiện cấp phép. Ngoài ra, bản thân tàu mang số hiệu BD 0394 cũng đã hết hạn kiểm định từ ngày 28/1 nhưng chủ phương tiện chưa đưa đi kiểm định lại...

Theo ông Đàm Trọng Cường, Phó giám đốc sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương, khi hết hạn đăng kiểm, chủ phương tiện phải đưa tàu đi kiểm định tại những nơi chuyên trách. Ở Bình Dương hiện chưa có trung tâm nào đủ khả năng kiểm định. Do phương tiện thủy nội địa trên địa bàn rất ít chủ yếu phương tiện vãng lai qua lại nên đến nay vẫn chưa có kế hoạch để thành lập một trung tâm kiểm định như loại hình xe cơ giới đường bộ.

Về việc kiểm tra và xử phạt, ông Cường cho biết là do cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đường thủy đảm trách. Trong trường hợp tàu không được đăng ký kiểm định, tài công không được đào tạo và cấp giấy phép theo quy định thì khi xảy ra tai nạn, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện đó gây ra.

"Vấn đề quản lý cấp phép hoạt động những loại hình như tại khu du lịch Dìn Ký trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn thuộc trách nhiệm quản lý của Cục đường thủy nội địa Việt Nam, trong đó Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam trực tiếp quản lý, còn phía tỉnh chỉ quản lý các bến khách sang sông", ông Cường nói.

Tuy nhiên, vị phó giám đốc Sở cũng giải thích, lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông tỉnh cũng có vai trò trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm. Cụ thể ông Cường cho biết cơ quan chức năng từng xử phạt hành chính các sai phạm liên quan việc chấp hành quy định an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với khu du lịch xanh Dìn Ký.

Khu phòng ăn máy lạnh được xây kiên cố lấn chiếm sống rạch tại khu du lịch Dìn Ký. Ảnh: Nguyệt Triều.
Khu nhà hàng nổi được thiết kế nằm trên các thùng phuy sắt. Ảnh: Nguyệt Triều.

Trước đó, liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan cùng phối hợp tiến hành khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân liên quan để xử lý cương quyết, nghiêm minh. Đây là vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên một tàu du lịch có số người thiệt mạng nhiều nhất từ trước đến nay.

Nguyệt Triều

source

http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/05/hang-loat-sai-pham-trong-vu-chim-tau-din-ky/

Wednesday 4 May 2011

Bệnh viện kêu cứu vì mưa dột


Bệnh viện kêu cứu vì mưa dột

Chủ nhật, 28 / 06 / 2009, 19:10

Mưa, cả bệnh viện náo loạn. Tất cả các khoa, phòng thậm chí cả phòng mổ đều phải sơ tán bệnh nhân vì... dột. Đó là tình trạng của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, quận 5, TP HCM. HĐND, các cơ quan liên quan đã 3 lần ngồi họp. Từ năm 2001 đến nay, viện vẫn táo tác khi có mưa.

manhkhanh

Các khối nhà bị thấm từ trên trần xuống tận dưới đất, như nhà vệ sinh của khoa nội khớp (lầu 3) thấm dột xuống khoa chi dưới và khoa chỉnh hình nhi (lầu 2), sau đó nước tiếp tục… chảy xuống khoa cột sống A và cột sống B (lầu 1)... Khi trời mưa thì bác sĩ phòng khoa nào tự lo sơ tán bệnh nhân của phòng khoa ấy. Thậm chí bác sĩ phải ngưng lịch mổ... chờ cho mưa tạnh.

Ông Nguyễn Thành Rum, Phó ban Tư tưởng văn hoá Thành uỷ, thừa nhận: "Thú thật, đi một vòng quanh các bệnh viện trong thành phố thì thấy bệnh viện này quá ọp ẹp so với tên tuổi của nó".

Năm 2001 bệnh viện đã có dự án tu sửa trình lên Sở Y tế, Sở đã duyệt dự án và chuyển sang cho Sở Kế hoạch - Đầu tư. Sở này cũng đã duyệt kinh phí tu sửa là 3,4 tỷ đồng. Đến tháng 4/2002, UBND thành phố cũng đã ký duyệt cấp số kinh phí này. Thế nhưng cho đến nay dự án vẫn không thực hiện được.

Nguyên nhân chậm thực hiện dự án, theo bên lập dự án là tại... động đất. Theo ông Tuấn, kỹ sư chuyên trách việc lập dự án sửa chữa bệnh viện, thì tại đây từng xảy ra động đất. Và năm 2004 Liên đoàn địa chất khuyến cáo rằng, đất nơi này có vết nứt cần phải lưu ý trong xây dựng. Tuy nhiên, đến nay Liên đoàn địa chất vẫn chưa có kết luận rõ ràng về vấn đề này, và bệnh viện vẫn đang chờ. "Hiện dự án vẫn nằm trên bàn của bệnh viện để chờ chỉnh sửa", ông Tuấn cho biết.

manhkhanh

Không chỉ dột khi trời mưa, cơ sở vật chất ở bệnh viện này cũng có khá nhiều điều bất cập. Tại bệnh viện hiện chỉ có một máy siêu âm đen trắng, lại cứ "hư tới hư lui". Khoa Chuẩn đoán hình ảnh đa số phải sử dụng máy móc cũ, máy được viện trợ nhân đạo.

Vì diện tích của bệnh viện có hạn, phòng oxy trợ thở cho bệnh nhân rất chật hẹp, lại chứa quá nhiều bình oxy, nên nơi đây trở thành "bãi bom không hẹn giờ". Để bảo đảm an toàn, bệnh viện từng đề xuất với UBND thành phố xin mượn một miếng đất 24 m2 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, ở sát vách, để chuyển phòng oxy sang. Nhưng đến nay việc di dời vẫn chưa được thực hiện.

Tất cả các vấn đề trên của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM đã được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp chiều qua giữa HĐND thành phố, Sở Y tế, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính và tất cả đại diện các phòng khoa của bệnh viện. Kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cẩm, Phó giám đốc Sở Y tế, khẳng định Sở sẽ cấp đủ tiền để trang bị các phương tiện và trang thiết bị cho bệnh viện sao cho thật xứng với tầm vóc của một bệnh viện đầu ngành của cả miền Nam.

Đây là cuộc họp lần thứ 3 bàn thảo và quyết định về vấn đề này. Mọi quyết định trong 2 lần họp trước đều không mang lại kết quả.

source

http://chongtham.vn/vn/news/detail/benh-vien-keu-cuu-vi-mua-dot/162