Cập nhật lúc : 9:28 AM, 02/04/2011
Cần siết chặt vấn đề quản lý xây dựng
Hiện trường vụ sập nhà số 47 phố Huỳnh Thúc Kháng
(VOV) - Những công trình cải tạo, xây dựng lại, việc quản lý thiết kế, quản lý thi công là mấu chốt trong quản lý đô thị của chính quyền địa phương.
Như tin đã đưa, lúc 16h45’ chiều 31/3, ngôi nhà 5 tầng ở số 47 phố Huỳnh Thúc Kháng - Quận Đống Đa - Hà Nội đang trong quá trình sữa chữa nâng cấp thì bị đổ sập hoàn toàn. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là có hay không sự lỏng lẻo trong công tác quản lý nhà ở đô thị của cơ quan chức năng địa phương?
Tòa nhà 5 tầng trên phố Huỳnh Thúc Kháng bị sập chiều 31/3, trước đây là nhà nghỉ Sao Mai. Đầu năm nay chủ thuê mới đã tiến hành sửa chữa để mở cửa hàng bán bánh Pizza. Trong suốt hơn một tháng sửa chữa, tốp thợ xây dựng đã tiến hành phá dỡ, thay đổi nhiều hạng mục liên quan đến kết cấu công trình.
Anh Hà Mạnh Thắng – người dân sống cạnh tòa nhà bị sập cho biết: “Phần tường ở bên dưới của tòa nhà giáp với mặt ngõ 49 bị đập bỏ quá nhiều để làm cửa kính và mở rộng cửa khiến phần chịu lực của tường bị yếu. Theo tôi đó là nguyên nhân tòa nhà bị đổ bị sập.”
Theo những người hàng xóm sống lâu năm trong ngõ 49 phố Huỳnh Thúc Kháng – quận Đống Đa – Hà Nội thì ngôi nhà này được xây là từ năm 1993 và đã được sửa sang cơi nới nhiều lần, mà càng sửa nhà lại càng cao hơn và to hơn. Tuy nhiên móng nhà vẫn là nền móng cũ. Do vậy nhà sập có thể là do móng ngôi nhà bị yếu, không đủ sức chống đỡ.
Theo thông tin ban đầu từ UBND phường Láng Hạ thì mọi giấy tờ, thủ tục liên quan đến ngôi nhà đều hợp pháp. Tuy nhiên trong quá trình sửa chữa những thủ tục liên quan đến quá trình nâng cấp, sửa chữa nhà thời gian qua có đầy đủ hay không vẫn chưa thể trả lời chính xác. Cho đến giờ phút này, câu hỏi ai cấp phép tiến hành, nâng cấp sửa chữa ngôi nhà này, quận Đống Đa vẫn chưa biết?
Ông Trần Đức Học – Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đống Đa nói: “Vụ việc này đang được Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan đang kiểm tra và sẽ đưa ra đánh giá chính thức. Còn hiện nay chưa có kết luận chính thức nên chúng tôi chưa thể nói rõ cụ thể nguyên nhân là như thế nào”.
Không chỉ tòa nhà 5 tầng ở phố Huỳnh Thúc Kháng bị sụp đổ mà trước đây Hà Nội cũng đã có những trường hợp tương tự xảy ra như trường hợp ngôi nhà 5 tầng số 91B Mã Mây bị nghiêng đổ do công trình tại nhà bên cạnh 91A đào móng quá sâu; trước nữa là trường hợp ngôi nhà tại 28 Yên Hòa – Cầu Giấy đang xây mới thì bất ngờ đổ sập xuống... Điều này cho thấy, việc thiếu ý thức trong quá trình xây dựng, không tuân thủ thiết kế bản vẽ được đưa ra và cũng không tuân thủ quy định của nhà nước về hoạt động xây dựng của một bộ phận nhân dân là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc như trên và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quy hoạch xây dựng đô thị.
Vì vậy, các cơ quan chức năng ngoài việc tăng cường kiểm tra giấy phép xây dựng thì cũng nên thường xuyên theo dõi tư cách pháp nhân, trình độ chuyên môn của các các tổ chức, cá nhân hành nghề xây dựng. Với những công trình cải tạo, xây dựng lại, việc quản lý thiết kế, quản lý thi công là mấu chốt trong quản lý đô thị của chính quyền địa phương.
Để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc như vụ việc trên, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khuyến cáo: “Sở Xây dựng cũng như thành phố cũng đã cho ban hành hướng dẫn người dân xây dựng nhà. Người dân làm bất cứ một công trình nào đều phải làm theo quy định của pháp luật từ khâu thiết kế đến khâu lựa chọn vật liệu, khâu thuê các đơn vị tổ chức xây dựng nhà rồi giám sát những việc đó theo đúng quy định…”.
Sau khi vụ việc xảy ra, Công an quận Đống Đa đang tiến hành lập hồ sơ điều tra xem xét để khởi tố vụ án. Nhưng qua đây cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cũng cần tăng cường rà soát, kiểm tra chất lượng nhà ở riêng lẻ, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác thẩm định hồ sơ trước khi cấp phép xây dựng những công trình thuộc loại này, tránh những sai sót có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn trong cả quá trình thi công và khi đưa vào sử dụng./.