Monday 22 March 2010

Sự cố nứt mặt cầu Thăng Long:


Thứ Bẩy, 20/03/2010 - 13:41
Chùm ảnh:

Cận cảnh vết “nham nhở” trên mặt cầu Thăng Long

(Dân trí) - Không chỉ bị nứt, trên mặt cầu Thăng Long còn gồ ghề, lồi lõm do lớp “áo” mới bị dồn cuộn lại, nhiều đoạn mặt cầu lộ ra sự “nham nhở” sau khi được hàn gắn.
>> Nứt mặt cầu Thăng Long sau 3 tháng thông xe

Như Dân trí đã đưa tin, mặc dù được đầu tư tới 97 tỷ đồng cho việc sửa chữa, nhưng sau 3 tháng thông xe trở lại, trên mặt cầu Thăng Long, Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, loang lổ và bị lõm xuống.

Có khoảng hơn 10 vết nứt trên mặt cầu mới sửa chữa, nhiều vết trung bình dài hơn 1m, rộng 4-5cm. Đặc biệt có những vết dài tới 2m, sâu hơn 5 - 7cm để lộ ra lớp bê tông thứ 2 trên mặt cầu.

Không chỉ bị nứt, trên mặt cầu Thăng Long còn gồ ghề, lồi lõm do lớp “áo” mới bị dồn cuộn lại, nhiều đoạn mặt cầu “phơi bày” ra sự “nham nhở” sau được hàn gắn

Dưới đây là một số hình ảnh PV Dân trí ghi nhận trên cầu Thăng Long sáng 20/3:
Hàng loạt những vết nứt trên mặt cầu Thăng Long

Mặt cầu gồ ghề, lồi lõm và tạo thành những "con rắn" dài trên cầu Thăng Long

Những vết nứt mới được hàn gắn lại tiếp tục... nứt?!









Việc sửa chữa, hàn gắn những vết nứt khiến cho "bộ mặt" của cầu Thăng Long bị "nham nhở"
Sau 3 tháng thông xe trở lại, những rãnh thoát nước trên cầu Thăng Long giờ mới bắt đầu được "nạo, gọt"

Châu Như Quỳnh
source
http://dantri.com.vn/c20/s20-385599/can-canh-vet-nham-nho-tren-mat-cau-thang-long.htm
Thứ Hai, 22/03/2010 - 00:18

Rà soát toàn bộ thiết kế, thi công mặt cầu Thăng Long

(Dân trí) - Bộ GTVT vừa chỉ đạo các Vụ, Cục hữu quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ thiết kế, thi công, công nghệ... để tìm ra nguyên nhân hiện tượng đọng nước và có một số vết nứt của thảm bê tông nhựa trên mặt cầu Thăng Long.
>> Cận cảnh vết “nham nhở” trên mặt cầu Thăng Long
>> Nứt mặt cầu Thăng Long sau 3 tháng thông xe
Những vết nứt được hàn gắn nham nhở trên mặt cầu Thăng Long (ảnh: Như Quỳnh).
Ông Nguyễn Văn Công - Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, để đảm bảo tính bền vững kết cấu và khai thác mặt cầu về lâu dài, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA 2 chỉ đạo Tư vấn, nhà thầu khẩn trương tập trung nhân lực, thiết bị sửa chữa các vị trí bị hư hỏng trong thời gian nhanh nhất, tiếp tục xẻ rãnh thoát nước dọc và ngang tại các vị trí trên cầu để thoát nước triệt để từ mặt bê tông nhựa ra máng thu nước. Các công việc trên phải xong trước ngày 31/3.
Ngoài ra, Vụ KHCN chủ trì, phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng & Chất lượng công trình giao thông, Ban QLDA 2, Viện Khoa học Công nghệ GTVT, nhà thầu rà soát lại toàn bộ hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công, công nghệ thi công, đánh giá chất lượng thi công lớp mặt bê tông nhựa để tìm ra nguyên nhân và đề xuất phương án khắc phục triệt để đảm bảo tính bền vững của công trình trong quá trình khai thác.
Thông tin từ Bộ GTVT, Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1723/QĐ-BGTVT ngày 16/6/2009 và giao cho Cục Đường bộ Việt Nam làm Chủ đầu tư. Dự án gồm 3 hạng mục chính: sửa chữa mặt cầu Thăng Long, thay thế khe co giãn và sửa chữa đường đảm bảo giao thông 2 bên cánh gà tầng 1.
Do cấu tạo mặt cầu Thăng Long là bản mặt thép có bề rộng tương đối lớn (khác với mặt cầu bằng bê tông cốt thép thông thường) nên trong Dự án được duyệt sử dụng lớp bê tông nhựa nóng SMA để thay thế lớp mặt cầu cũ. Đây là vật liệu mới, công nghệ tiên tiến được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam.
Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 29/12/2009 đảm bảo lưu thông và giảm ùn tắc tuyến đường vành đai 3 đoạn Nội Bài - Hà Nội và bảo vệ bền vững kết cấu của cầu Thăng Long.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam và Ban QLDA 2, trong thời gian gần đây có hiện tượng đọng nước và xuất hiện một số vết nứt của thảm bê tông nhựa trên mặt cầu.
Phúc Hưng
http://dantri.com.vn/c20/s20-385741/ra-soat-toan-bo-thiet-ke-thi-cong-mat-cau-thang-long.htm
Thứ Hai, 22/03/2010 - 15:26
Sự cố nứt mặt cầu Thăng Long:

“Cầu nứt sau 2 tháng sử dụng là bất thường”

(Dân trí) - Liên quan đến sự cố nứt mặt cầu Thăng Long, Dân trí đã trao đổi với TS. Trần Thị Kim Đăng, giảng viên trường ĐH Giao thông Vận tải, Hà Nội. Bà Đăng khẳng định: "Có nhiều yếu tố dẫn đến hư hỏng nhưng mặt cầu bị hỏng sau 2 tháng là chuyện bất thường”.
>> Rà soát toàn bộ thiết kế, thi công mặt cầu Thăng Long
>> Nứt mặt cầu Thăng Long sau 3 tháng thông xe

Được sử dụng loại vật liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng mặt cầu Thăng Long vừa đưa vào sử dụng đã bị nứt. Theo bà, điều này có bình thường hay không?

Chiều qua (21/3), tôi đã lên cầu Thăng Long và tận mắt nhìn thấy các vết nứt trên mặt cầu. Đối với cầu thép, lại là cầu thép cũ thì trọng tải và độ rung đều dẫn đến hư hỏng, nhưng mặt cầu Thăng Long bị nứt sau 2 tháng thi công là chuyện bất thường.
Mặt cầu Thăng Long nứt sau 2 tháng là bất thường

Bà có thể nói cụ thể hơn?

Bê tông nhựa nóng SMA là loại vật liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế và được nhiều nước trên thế giới sử dụng cho các công trình mặt cầu thép. Theo tổng kết từ nhiều nguồn tài liệu thì tuổi thọ bề mặt của các công trình làm bằng vật liệu SMA không cụ thể trong thời gian bao lâu, thông thường sử dụng được 2 năm đã có công trình bị hư hỏng, có công trình lại có tuổi thọ rất lâu, còn mặt cầu Thăng Long mới được 2 tháng đã bị nứt là quá ngắn…

Thực tế nghiên cứu, SMA chuẩn thuộc loại bê tông nhựa chặt, so với thể tích thì độ rỗng chỉ bằng 3 - 5%, thậm chí còn thấp hơn nên không bị thấm nước. Tuy nhiên, quan sát tại hiện trường trên mặt cầu Thăng Long lại thấy lớp nhựa bề mặt bị rỗng và bị ảnh hưởng của nước rất nhiều.

Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn tới sự cố trên?

Mặt cầu Thăng Long bị nứt theo dạng Parabol, điều đó phản ánh độ dính bám không tốt, bị mất mát sự dính bám nên dẫn đến trượt nhựa.

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố trên. Thứ nhất, do khi thi công lớp nhựa nóng làm cho mặt bản thép phía trên nở ra, đến khi lớp nhựa đã nguội thì bản thép co lại và bị nén. Thứ hai, độ rung trên bề mặt thép cũ, điều này là bình thường khi hàng ngày lượng xe lưu thông dồn trọng tải quá lớn xuống mặt cầu Thăng Long.

Hiện tại, phần mặt cầu bị nứt nhiều nhất tập trung ở một liên đoạn, những vết nứt này lại xảy ra ở mẻ thi công cuối cùng, đây là điều khá lạ lùng bởi về kinh nghiệm thi công thì càng về sau chất lượng thi công càng phải tốt hơn chứ không thể dở hơn được…

Để biết nguyên nhân cụ thể thì cần cắt lấy mẫu bề mặt cầu để kiểm tra, nếu bị mất mát dính bám giữa 2 lớp bê tông thì hoàn toàn là do khâu thi công không tốt.
Vật liệu SMA chuẩn có độ rỗng rất thấp và gặp nước cũng không có vấn đề gì
nhưng nay phải xẻ rãnh trênh mặt cầu để thoát nước...

Dưới góc độ của một chuyên gia, bà đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự cố này?

Vật liệu SMA đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng cho mặt cầu thép và đã được nhiều nước sử dụng đạt kết quả tốt nhưng là lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. Có một điều tôi băn khoăn là, với điều kiện khí hậu và môi trường khác biệt như ở Việt Nam nhưng trước khi đưa vào thi công dự án sửa chữa cầu Thăng Long SMA không hề được thi công thử nghiệm.

Chưa hết, với đặc điểm, vị trí như cầu Thăng Long mà vừa thi công vừa cho ô tô chạy khiến độ rung của cầu càng lớn, làm biến dạng mặt cầu thép và lớp bê tông nhựa sẽ không chịu được lực dẫn tới bong ra và gây trượt.

Tôi lo ngại các vết nứt sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa ở làn đường bên phải (chiều từ cao tốc Nội Bài về trung tâm Hà Nội), vì lượng xe lưu thông nhiều hơn và sẽ gây nhiều áp lực hơn cho mặt cầu.
Trám, vá cục bộ như hiện nay là các khắc phục không hiệu quả

Theo bà việc trám, vá những viết nứt như hiện nay có hiệu quả? Bà có mách nước gì về cách khắc phục sự cố này?

Việc trám, vá theo kiểu nứt chỗ nào gắn chỗ đó như hiện nay hoàn toàn không hợp lý cả về chất lượng và mỹ quan, cách sửa chữa này chỉ có thể thực hiện khi đó là những vết nứt dọc, nứt ngang. Còn hiện tại mặt cầu Thăng Long đang bị nứt dưới dạng Parabol nên cách tốt nhất là cắt bóc thành miếng lớn và trải nhựa lại.

Ông Nguyễn Năng Thể (Phó Tổng Giám đốc PMU2):

Được biết, mặt cầu Thăng Long đã được thảm lại bằng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Anh Quốc. Tuy nhiên, môi trường thời tiết ở Việt Nam khác với môi trường thời tiết của nước Anh. Liệu yếu tố thời tiết có liên quan đến sự cố?

Toàn bộ nguồn nguyên liệu thảm mặt cầu đều nhập khẩu từ nước Anh. Trước khi nhập, chúng tôi cũng đã họp bàn, tính toán rất kỹ đồng thời còn cho tiến hành thử nghiệp. Sau đó Bộ GTVT mới quyết định sử dụng công nghệ này. Tính năng, tính chất của nguồn nguyên liệu đều qua các khâu kiểm tra chặt chẽ để xem có đảm bảo đúng là nguồn nguyên liệu chúng ta đã cam kết nhập. Về yếu tố thời tiết có tác động không thì đây là nguồn nguyên liệu do Bộ chọn, đơn vị tôi có được chọn đâu.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới sự cố?

Hiện chúng tôi chưa thể khẳng định đâu là nguyên nhân cụ thể. Sự cố trên có thể do một mẻ trộn bê tông nào đó không đúng kỹ thuật. Trước mắt, nhà thầu sẽ phải tiến hành sửa chữa sự cố để đảm bảo yêu cầu lưu thông cho các phương tiện.

Dự kiến ban đầu là sửa chữa trong vòng 3 tháng, nhưng thực tế chỉ mất 2 tháng để hoàn tất việc thảm lại mặt cầu, dư luận cho rằng đã có việc “chạy” tiến độ dẫn đến chất lượng không đảm bảo?

Chúng tôi đã thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt, chỉ tăng tiến độ trong khâu cào bóc Lamo. Hiện nay, chuyên gia của Viện Khoa học Công nghệ đã tiến hành khoan cắt lấy mẫu về nghiên cứu để cho kết quả cụ thể vào những ngày sắp tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)

source

http://dantri.com.vn/c20/s20-385930/cau-nut-sau-2-thang-su-dung-la-bat-thuong.htm

Thứ Bẩy, 20/03/2010 - 00:10

Nứt mặt cầu Thăng Long sau 3 tháng thông xe

(Dân trí) - Đầu tư tới 97 tỷ đồng cho việc sửa chữa, nhưng sau 3 tháng thông xe trở lại, trên mặt cầu Thăng Long, Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, loang lổ và bị lõm xuống.
>> Cầu Thăng Long chính thức thông xe trở lại
>> Sửa chữa cầu Thăng Long, cấm nhiều loại xe

Theo ghi nhận của PV Dân trí, nếu ngồi trên ô tô nhìn xuống thì khó nhận ra hiện tượng mặt cầu bị nứt, nhưng khi đi bộ thì việc kiểm đếm số lượng vết nứt rất dễ dàng.

Mục sở thị trên cầu Thăng Long cho thấy: có khoảng hơn 10 vết nứt trên mặt cầu mới sửa chữa, nhiều vết trung bình dài hơn 1m, rộng 4-5cm. Đặc biệt có vết dài 2m, sâu hơn 5 - 7cm để lộ ra lớp bê tông thứ 2 trên mặt cầu.

Vết nứt nghiêm trọng trên mặt cầu Thăng Long mới sửa chữa

Vết nứt xuất hiện trên bề mặt cầu ở cả 2 làn xe, cụ thể: làn từ Hà Nội đi Nội Bài có 1 vết nứt, ở chiều ngược lại (tức từ cao tốc Nội Bài về Hà Nội) có đến gần chục vết nứt lớn, vết nứt dày đặc.

Nghiêm trọng hơn, có nhiều đoạn xuất hiện 3 vết dài liên tiếp cách nhau chỉ từ 2 - 3m. Khi quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhìn thấy cạnh đó có nhiều vết rạn kiểu chân chim và có thể lan ra thành vết nứt. Ở sát 2 bên lan can cầu có những vết xẻ mặt cầu để tạo rãnh thoát nước.

Ngoài ra, có một số vết nứt đã được đơn vị thi công trám lại làm lộ ra lớp “áo” mới hơn so với mặt đường được thảm xong cách đây 3 tháng khiến mặt đường loang lổ và mặt đường bị lõm xuống.
Vết nứt xuất hiện liền kề nhau (Trong ảnh: những vết nứt được đánh dấu giấy)

Theo nguồn tin của Dân trí, trong những ngày gần đây, vào ban đêm, trên một vài đoạn mặt cầu Thăng Long làn đường từ cao tốc Nội Bài về Hà Nội bị ngăn lại, đặt biển báo và chướng ngại vật để thi công sửa chữa.

Trả lời báo chí về sự việc này, đại diện chủ đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long là Ban Quản lý dự án 2 (PMU2, thuộc Tổng Cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải) và lãnh đạo của nhà thầu, đơn vị thi công đã xác nhận có hiện tượng nứt trên mặt cầu Thăng Long từ hơn một tháng trước và hiện nay nhà thầu đang tiến hành sửa chữa, đồng thời giao cho đơn vị thiết kế là Viện Khoa học Công nghệ GTVT tìm hiểu nguyên nhân.
Mặt cầu loang lổ do sửa chữa những vết nứt

Ông Nguyễn Năng Thể (Phó Tổng Giám đốc PMU2) cho biết: “Mặt cầu Thăng Long mới sửa chữa vẫn trong thời gian bảo hành nên chúng tôi đã giao nhà thầu xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là những vết nứt cục bộ và hiện tại không ảnh hưởng đến an toàn lưu thông xe trên cầu, nhưng về lâu về dài thì chưa thể khẳng định khả năng ảnh hưởng đến chất lượng của cầu là như thế nào”.

Trên thực tế, dù các vết nứt này chưa ảnh hưởng đến khả năng lưu thông xe trên cầu nhưng cũng khiến dư luận rất quan tâm bởi dự án sửa chữa cầu Thăng Long mới chỉ hoàn thành cách nay tròn 3 tháng với tổng mức vốn đầu tư lên tới 97 tỷ đồng.

Châu Như Quỳnh

source

http://dantri.com.vn/c20/s20-385483/nut-mat-cau-thang-long-sau-3-thang-thong-xe.htm


Friday 5 March 2010

Cần Thơ: sạt lở đường dẫn cầu Trà Niền


Ngày 06.03.2010 Giờ 14:16

Cần Thơ: sạt lở đường dẫn cầu Trà Niền, 2 người chết

4 căn nhà lọt sông

Vụ sạt lở đường dẫn lên cầu Trà Niền khiến giao thông khu vực thị trấn Phong Điền hoàn toàn bị tê liệt.

Sáng sớm ngày 6.3, đường dẫn cầu Trà Niền (lộ Vòng Cung - ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, TP.Cần Thơ) đã bị sạt lở hoàn toàn. Sự cố xảy ra khiến 4 căn nhà dân ở cặp sát bờ sông Phong Điền bị đổ trượt xuống sông. Chủ của một căn hộ trong số đó là bà Cao Thị Thu (SN 1961) và cháu Nguyễn Đình Trí (cháu bà Thu, SN 2005) đang ngủ bên trong bị thiệt mạng. Ba căn nhà còn lại không thiệt hại về người và tài sản do người dân đã di dời vì đã có dấu hiệu sạt lở trước đó.

Ông Nguyễn Văn Mun, trưởng công an huyện Phong Điền cho biết, ngay khi sự cố xảy ra, lực lượng công an, quân đội đã đến ứng cứu và bảo vệ hiện trường. Hai nạn nhân nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng nên đã chết trên đường đi.

Giao thông khu vực thị trấn Phong Điền hoàn toàn bị tê liệt, vì đây là tuyến độc đạo từ quận Cái Răng đi huyện Phong Điền. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đã phải cắt giao thông khu vực này để đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Đây là công trình do sở Giao thông - vận tải TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư, công ty cổ phần giao thông cầu 72 thi công. Công trình được khởi công từ năm 2005, tổng mức đầu tư 40 tỉ đồng.

N.T - T.D

source http://sgtt.com.vn/Detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=63795&fld=HTMG/2010/0306/63795

Ảnh sập cầu tại Cần Thơ

Đường dẫn lên cầu Tràn Niên dài gần 30 mét bị đổ sập.
Bê tông cốt thép gãy đổ tại hiện trường.
4 căn nhà bị kéo xuống sông.
Giao thông nối quận Ninh Kiều và thị trấn Phong Điền bị tê liệt.
Người dân qua sông bằng thuyền.
Dạ Lan - Thanh Tịnh
source
http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/03/3BA19617/page_2.asp

Chính trị - Xã hội

Thứ Hai, 08/03/2010, 15:48 (GMT+7)

Sạt lở một cầu, kiểm tra lại cả 7 cây cầu

* Từng có phương án xây dựng cầu mới cách bờ sông 500m

TTO - Sáng nay 8-3, ông Trịnh Ngọc Vĩnh, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải, kiêm giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông thành phố Cần Thơ đã trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ những vấn đề liên quan đến cầu Trà Niền (Phong Điền) và sự cố sạt lở nghiêm trọng đường dẫn vào rạng sáng 6-3.

>> Cần Thơ: sạt lở cầu Trà Niền, hai bà cháu thiệt mạng

Tại Cầu Mỹ Khánh, phải xây dựng bờ kè chống sạt lở. Khu vực này cách đây vài năm xảy ra sạt lở hết mặt lộ 923 khiến ách tắt giao thông nghiêm trọng - Ảnh: Phương Nguyên

Ông Vĩnh nói đơn vị thiết kế cây cầu này là trường đại học Bách khoa TP.HCM và đơn vị thi công là Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng công trình 72. Về lịch sử dự án này, ông Vĩnh nói dự án đầu tư toàn tuyến tỉnh lộ 923 được lên kế hoạch, thiết kế từ cách đây 10 năm, từ thời chưa chia tách thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.

Thời điểm đó, có nhiều phương án xây dựng cầu Trà Niền đã được đưa ra, trong đó có phương án nắm lộ, dời cầu vào sâu trong đất liền khoảng 500m, bởi vì trước đó khu vực cầu Trà Niền hiện hữu đã có tiền sử sạt lở nghiêm trọng, khiến nhiều nhà dân, cây cối, hoa màu bị trôi xuống sông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại các cuộc họp cho rằng cần giữ lại tuyến hiện hữu vì đây là tuyến đường di tích Lộ Vòng Cung nỗi tiếng thời kháng chiến chống Mỹ.

Thấy được việc sạt lở này, địa phương nhiều lần xin ý kiến Trung ương để xây dựng toàn bộ bờ kè quanh khu vực này song song với việc xây dựng cầu nhưng chưa được giải quyết. “Vì trước tết khu vực bờ sông còn cách chân đường dẫn đến 20m nên chúng tôi không nghĩ là nó sạt lở nhanh đến thế. Mặt khác, trước tết thì dự án bờ kè bảo vệ khu vực này cũng mới được khởi công xây dựng, do UBND huyện Phong Điền làm chủ đầu tư. Vụ việc này do sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến công trình chứ không phải sạt lở công trình”, ông Vĩnh nói.

Ông Vĩnh thừa nhận “không lường hết được” việc xoáy lở bờ sông, thay đổi dòng chảy làm sạt lở bờ ảnh hưởng đến công trình. Còn kiểm tra ban đầu cho thấy chưa phát hiện sai phạm từ đơn vị thi công, thân cầu, trụ, mố chưa bị ảnh hưởng, xê dịch. Ông Vĩnh cho biết, phương án đang được đưa ra là không bỏ cầu hiện tại mà sẽ nối dài nhịp, tương tự cầu cạn để khắc phục đường dẫn hiện nay đã bị sạt lỡ. Điều đó có nghĩ vốn đầu tư sẽ bị đội lên nhiều tỉ đồng.

Tại cầu Rạch Kè, công nhân đang thi công kè bảo vệ, nơi đây cũng là "điểm đen" sạt lở - Ảnh: Phương Nguyên

Hiện tại, các cơ quan có liên quan như Giao thông vận tải, huyện Phong Điền, Ban quản lý dự án, Tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công… đang báo cáo cho Sở Xây dựng để có báo cáo chính thức nguyên nhân gây sạt lở, sụp cầu này trình UBND thành phố xem xét. Theo ông Vĩnh, trong vòng một tuần sẽ có báo cáo này.

Toàn bộ tuyến tỉnh lộ 923, ngoài phần đầu tư xây dựng đường còn xây dựng 7 cầu. Sau khi vụ sạt lở nghiêm trọng này xảy ra, thường trực Thành ủy và UBND thành phố Cần Thơ chủ trương và chỉ đạo kiểm tra lại tất cả các cầu còn lại. Bởi vì một số cầu trong dự án đầu tư tỉnh lộ 923 này phải xây dựng kè cạnh chân câu để tránh sạt lở. Trong đó, nguy cơ sạt lở nhiều nhất là tại các cầu Cái Sơn, Mỹ Khánh, Rạch Kè. Việc kiểm tra này bao gồm việc xây dựng cầu, bờ kè, khoan thăm dò địa chất, khảo sát lòng sông… Nếu phát hiện hiện tượng bất thường sẽ cho tiến hành việc xử lý, khắc phục ngay.

Sau khi vụ việc xảy ra làm hai người chết, công an Cần Thơ cũng đã cử các đơn vị nghiệp vụ tiếp cận hồ sơ thiết kế, thi công. C21 của Bộ Công an cũng đã tham gia vào điều tra vụ việc này về mặt nghiệp vụ. Sau khi có báo cáo sơ bộ, một đơn vị kiểm định chất lượng công trình sẽ được chọn để kiểm định chất lượng xây dựng cầu Trà Niền, từ đó đưa ra kết luận nguyên nhân vụ sạt lở bờ sông, sụp đường dẫn và xử lý theo pháp luật đối với các đơn vị có liên quan nếu phát hiện sai phạm.

PHƯƠNG NGUYÊN

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=367185&ChannelID=3

Ngày 16.03.2010 Giờ 11:44


Những sự cố công trình trên tuyến lộ Vòng Cung (Cần Thơ):

Chuyện đã được cảnh báo trước

Không phải cho tới khi vụ sạt lở đường dẫn cầu Trà Niền (huyện Phong Điền – TP. Cần Thơ) ngày 6.3.2010 làm 2 người chết, người ta mới nhận ra thực tế là có không ít hộ dân trên tuyến này phải sống chung với công trình lắm sự cố này từ nhiều năm qua.

Vụ sạt lở đường dẫn cầu Trà Niền (huyện Phong Điền – Cần Thơ) ngày 6.3.2010 làm 2 người chết.

Hôm qua (15.3.2010), UBND TP. Cần Thơ và các cơ quan liên quan đã họp bàn biện pháp khắc phục sự cố xảy ra hôm 6.3 đối với cầu Trà Niền. Công trình có tổng mức đầu tư 40 tỉ đồng vừa mới thông xe kỹ thuật hồi đầu tháng 2.2010 đã không còn tác dụng, khi đường dẫn của một đầu cầu đã sạt lở hoàn toàn do bức tường ta-luy mố cầu bị xô trượt xuống sông.

Sống chung với nguy cơ

Hơn tuần nay, gia đình ông Sáu Trí mất ăn mất ngủ vì sợ tai họa rớt xuống nhà mình giống như ở công trình cầu Trà Niền. Ngày ngày vợ chồng ông chạy đi gõ cửa khắp các cơ quan công quyền xin được di dời nhà ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của công trình cầu Trường Tiền - một trong 7 công trình cầu – đang thi công ì ạch, trên tuyến lộ Vòng Cung (tỉnh lộ 923), nối quận Cái Răng – huyện Phong Điền.

Công trình xây dựng mới cầu Trường Tiền (xã Mỹ Khánh - huyện Phong Điền) thuộc dự án nâng cấp mở rộng tuyến lộ Vòng Cung, khởi công từ năm 2004, dự kiến hoàn thành vào 2006, đến nay vẫn chưa thể hoàn tất. Căn hộ của ông Vương Trí (Sáu Trí), ông Lê Thanh Tâm nằm cặp mé sông Cái Răng, sát với chân cầu, nhưng mấy năm nay các cơ quan có trách nhiệm vẫn để 10 nhân khẩu của hai hộ dân này sống chung với bụi, chấn động, tiếng ồn… Sàn nhà dưới mé nước của hai hộ đã xiêu vẹo, sụp đổ dần theo nhịp búa máy thi công. Chủ trương di dời hai hộ này đã được UBND TP Cần Thơ chấp thuận, biên bản bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho hai hộ cũng đã được xác lập từ giữa năm ngoái. Nhưng tới nay, khi công trình cầu Trường Tiền đã có nhiều dấu hiệu không ổn về chất lượng thì họ vẫn chưa được sắp xếp chỗ ở mới, ngay cả việc thuê nơi ở tạm theo cam kết của nhà thầu cũng không có. Bà Lê Thị Lệ Liễu (vợ ông Vương Trí) bức xúc: “Đường đi của mình trước kia bị họ đổ vật tư bít hết rồi, nếu bây giờ xảy ra sạt lở thì chạy sao cho kịp?”. Hơn nữa, trong 10 nhân khẩu của hai hộ thì đáng lo nhất có một sản phụ còn non nớt, một trẻ sơ sinh và hai trẻ ở độ tuổi mẫu giáo.

Tại công trình cầu Trường Tiền, đã có nhiều vết nứt trêu ngươi người đi đường và tiếp tục đe dọa nhiều hộ dân sống khu vực lân cận, không riêng gì ông Trí, ông Tâm…

Chuyện đã rồi?

Bờ kè Phong Điền trôi tuột ra sông, tháng 2.2007.

Sau sự cố cầu Trà Niền, TP Cần Thơ chỉ đạo kiểm tra tất cả các cầu trên toàn tuyến này và nguy cơ tiếp tục được nhìn thấy tại các cầu Rạch Kè, Cái Sơn, Trường Tiền, trong đó công trình cầu Trường Tiền đã xuất hiện nhiều vết nứt, các bức tường bê tông bó đường dẫn đã nghiêng lệch nhau - có nơi khoảng 10cm. Ông Sáu Trí lo lắng nói, bức tường mới chỉ đứng một mình đã nghiêng ngả, tới khi nó phải chịu lực của cát nền làm đường dẫn nén từ bên trong thì khả năng xảy ra sự cố tương tự cầu Trà Niền là quá lớn.

Sụt lún gây sạt lở, đổ sập… là sự cố đã xảy ra nhiều lần ở các công trình giao thông trên tuyến lộ Vòng Cung này. Nhưng các tai nạn ấy đến nay vẫn còn bị xem nhẹ.

Ngày 14.2.2007 (27 tết Đinh Hợi), một đoạn kè ngay trước nhà lồng chợ Phong Điền - đường bộ qua làng du lịch Mỹ Khánh và chợ nổi Phong Điền, bị đứt gãy, trượt dài theo bãi bùn khoảng 2 mét ra phía giữa sông. Hơn chục ki-ốt nằm đối diện chợ nhà lồng đang tập trung dưa hấu về bán tết bất chợt “hụt chân” vì mặt nền sụt lún cả mét so với cốt xây dựng kè. Hôm sau (15.2), một đoạn kè khác cách đó khoảng 100 mét cũng xảy ra tình trạng tương tự. Hơn chục căn hộ lớn nhỏ sống ven lộ trên đoạn kè này không còn chỗ tá túc. Ngày 26.2, tình trạng như vậy lại xảy ra ở khoảng giữa của 2 khu vực sạt lở mười ngày trước đó. Có thêm 10 gia đình rơi vào cảnh không nhà. Mọi việc diễn ra giữa ban ngày, thiệt hại khoảng 300 mét bờ kè và nhà ở ước khoảng 5 tỉ đồng.

Bờ kè Phong Điền dài 750m, kinh phí xây dựng trên 13 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu chống sạt lở ở ĐBSCL, xây xong chưa kịp khánh thành đã phá sản gần như hoàn toàn. Ông Ba Trí, người chịu cả những thiệt hại trong quá trình thi công bờ kè và vạ lây khi kè bị sạt lở, nói: “Kè đang xây đã có hiện tượng rạn nứt, nhà thầu thấy không ổn đã cho đóng vô số cừ tràm gia cố phía ngoài chân kè”.

Ngày 10.5.2008, gần 50 mét đường bê tông và ba căn hộ ở khu vực 3, phường An Bình (quận Ninh Kiều) đã rơi xuống sông vì sạt lở, 10 căn hộ khác phải lo tháo dỡ, bỏ chạy. Đáng chú ý là khu vực sạt lở nằm ngay tại công trường đang thi công cầu Cái Răng – điểm sạt lở gần sát với chân cầu cũ đang sử dụng, nhưng đơn vị thi công là PMU 18 ngay đó vẫn không kịp trở tay. Tại công trình thi công cầu Cái Sơn, cầu tạm đã hai lần đổ sập trong vòng nửa năm (25.7.2008 – 14.1.2009), trong đó có một vụ được xác định là do sự cẩu thả của đơn vị thi công khiến 2 người bị thương nặng, 4 xe gắn máy và khoảng 10 tấn hàng hóa rơi xuống sông.

Tất cả những sự cố vừa nêu đều đã được cảnh báo hoặc dự đoán trước. Song, trong các vụ việc đã xảy ra, chính quyền đều phải giải quyết theo hình thức xử lý chuyện đã rồi.

Bài, ảnh Ngọc Tùng

source
http://sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=64261&fld=HTMG/2010/0316/64261