Sunday 24 January 2010

Sập nhà kho rộng 30.000 m2, 10 người gặp nạn



Chiều ngày 23/1, trong lúc các công nhân chuẩn bị nghỉ việc thì bất ngờ công trường nhà kho vang lên tiếng kêu ken két. Không lâu sau, toàn bộ khung thép của khu kho vận YCH-Protrade, Bình Dương đang thi công đổ sập. Cả chục công nhân bị vùi lấp.

“Vừa đi làm về tôi nghe tiếng động long trời, làm rung chuyển cả dãy nhà trọ nằm gần nhà kho nhìn về nơi phát ra tiếng động tôi thấy bụi bay mịt trời”, một công nhân ở dãy nhà trọ gần hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng kể lại.

Hiện trường vụ sập. Ảnh: Tuệ Mẫn.

Tại hiện trường, khu nhà khung thép nặng hàng nghìn tấn với từng đòn tay, khung thép bị vặn cong nằm đổ ngổn ngang trên nền đất. Chiếc xe cẩu nằm ngửa, cần bị gãy rời văng khỏi xe.

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân xảy ra tai nạn có thể trong lúc thi công trong khu vực nhà kho, xe cần cẩu bị gãy trục nâng, khiến cần cẩu rơi đập xuống các thanh đà, kéo nhà kho đổ sập.

Vụ tai nạn đã làm một người chết và 9 người khác bị thương. Theo một số công nhân, rất may thời điểm xảy ra tai nạn chỉ còn 30 người tại công trường, do một số công nhân đã xong việc về trước đó, nếu không số thương vong sẽ còn cao hơn.

Khu vực nhà kho khung thép trên là dự án Trung tâm kho vận
YCH-Protrade (YCH-Protrade DistriPark) giữa Tập đoàn YCH (Singapore)
và công ty Sản xuất – Xuất Nhập khẩu Bình Dương (3/2) ký kết đầu tư từ
tháng 10 năm ngoái. Trung tâm kho vận sẽ cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ quản trị dây chuyền cung ứng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Sáng 24/1, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương đã đến hiện trường để tiến hành xác minh, làm rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn.

Tuệ Mẫn

source

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/01/3BA18188/

- Thanh giằng chưa được lắp là nguyên nhân làm toàn bộ khung sườn nhà xưởng ở xã Bình Hòa, huyện Thuận An, Bình Dương đổ sập.

Ngày 25/1, trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết nhận định ban đầu về nguyên nhân khiến nhà kho rộng hàng chục ngàn mét vuông do Công ty 3/2 làm chủ đầu tư đổ sập khi ông cùng đơn vị thi công, giám sát thi công kiểm tra hiện trường vào ngày 24/1.

Theo ông Dũng, trong thiết kế đã quy định, việc lắp ghép các thanh giằng này phải cùng lúc lắp ghép trụ chịu lực với các vì kéo để đảm bảo tính cố định của giàn khung nhưng qua kiểm tra thực tế số thanh giằng được lắp chưa đầy đủ nếu không muốn nói là rất ít.

Trả lời câu hỏi của báo chí xoay quanh giấy phép xây dựng nhà kho, ông Dũng cho biết công trình này đã được chủ đầu tư thẩm định bản vẽ và thiết kế thi công. Ngoài ra, hồ sơ về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường cũng đã có.

Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương lý giải vụ sập nhà xưởng do thiếu thanh giằng. Ảnh: Lê Du An

Ông Dũng không xác nhận công trình này có hay không có phép. Ông nói: “Tùy theo dạng thầu, một công trình có thể vừa thi công vừa hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp phép xây dựng”.

Được biết, nhà kho này sẽ được sử dụng làm kho ngoại quan có diện tích 30.000m2 đã bị đổ sụp khi đã cơ bản xong giai đoạn lắp ráp giàn khung chuẩn bị lợp mái.

Hiện liên quan đến vụ tai nạn xây dựng nghiêm trọng này, Công an tỉnh Bình Dương đã có quyết định trưng cầu giám định tư pháp xây dựng và công việc này được giao cho Công ty kiểm định Xây dựng Sài Gòn thực hiện.

Công trình này thuộc dự án Trung tâm kho vận YCH-Protrade của Công ty liên doanh Logistic YCH-Protrade (Liên doanh giữa Công ty Sản xuất- Xuất nhập khẩu Bình Dương và Tập đoàn YCH Singapore) xây dựng trên diện tích 6,9ha với tổng vốn đầu tư 14 triệu USD. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Gia Thùy (TP.HCM).

Liên quan đến những vụ tai nạn xây dựng ở Bình Dương, vụ đổ sập hoàn toàn một căn hộ tai khu phố Thống Nhất, thị trấn Dĩ An vào 5 tuần lễ trước đến nay vẫn chưa có kết luận.
  • Lê Du An
  • source
  • Nhà xưởng ở Bình Dương đổ sập do thiếu thanh giằng

    Cập nhật lúc 17:14, Thứ Hai, 25/01/2010 (GMT+7)
  • http://www.vietnamnet.vn/xahoi/201001/Nha-xuong-o-Binh-Duong-do-sap-do-thieu-thanh-giang-891439/
  • Chùm ảnh nóng vụ sập nhà xưởng ở Bình Dương

    Sáng 24/1, thêm một nạn nhân bị thương được tìm thấy, nâng tổng số người bị thương trong vụ sập nhà kho đang thi công tại ấp Đồng An 1 xã Bình Hòa, huyện Thuận An, Bình Dương lên đến 9 người.

    >> Cảnh sát điều tra vụ sập nhà xưởng ở Bình Dương
    >> Sập nhà xưởng, 1 người chết, 8 người bị thương

    472739995_images1913327_1
    Hiện trường nhà kho bị sập
    1256870335_images1913332_2
    Cần cẩu lật , cần đập vào dàn khung nhà kho đang dựng
    1723382337_images1913338_3
    Cần cẩu lật ngược
    1986653943_images1913339_4
    Khung thép sập đè bẹp các loại xe cơ giới phía dưới
    1067336576_images1913340_5
    Nhiều cơ giới và xe tải bị đè bẹp
    145297462_images1913342_6
    Phong tỏa hiện trường
    1149632336_images1913346_7
    Người dân hiều kỳ từ ngoài tường rào nhìn vào bên trong hiện trường


    Một nạn nhân tử vong là anh Đoàn Văn Tuấn (sinh 1982, quê Nghệ An). Anh Tuấn bị thanh sắt đâm vào đầu và chết trên đường chuyển viện.

    Được biết công trình đang xây dựng khu nhà kho ngoại quan thuộc dự án Trung tâm kho vận do Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương 3/2 liên doanh với tập đoàn ICH (Singapore) làm chủ đầu tư. Khu nhà kho có diện tích 30.000m2 được thiết kế khung sườn thép theo dạng nhà tiền chế. Tại hiện trường toàn bộ dàn khung thép có trọng lượng hàng nghìn tấn đã đổ sập hoàn toàn. Trong đống thép đó có rất nhiều xe tải, cơ giới bị đè bẹp.

    Nhiều công nhân khu nhà trọ kế cận thuật lại: Vào lúc 17h ngày 23/1, một tiếng đổ ầm vang lên khủng khiếp. Tiếp theo đó, phía bên kia bức tường rào, bụi đất bốc lên mùa trời. Nhiều tiếng la hét kèm theo tiếng hối thúc mọi người sơ tán tìm kiếm những người bị nạn. Quang cảnh thật hỗn loạn. Nhiều công nhân thoát chết thất thần ngồi bất động một chỗ.

    Tiếp xúc với một công nhân, trên nét mặt anh vẫn chưa hết bàng hoàng mặc dù đã qua một đêm. Anh cho biết trong lúc anh đang ở cao độ 18m để bắt một lá kéo cho giàn khung thì thấy giàn khung chuyển động. Toàn bộ khung thép từ từ đổ xuống. Không biết phải làm thế nào, anh đành ôm chặt lá kèo và may mắn thoát chết trong gang tấc.

    Hiện trường vụ sập nhà kinh hoàng vẫn đang được phong tỏa. Việc ra vào (kể cả các phóng viên) đều bị ngăn chặn trong khi đó, các giới chức có thẩm quyền của Bình Dương vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về sự cố này.

    Hiện dư luận rất quan tâm vì đây là sự kiện sập nhà lần thứ 2 tại Bình Dương trong khoảng thời gian 5 tuần lễ.

    Trước đó, chiều 19/12/2009, một căn nhà 4 tầng tai khu phố Thống Nhất, thị Trấn Dĩ An bị đổ sập hoàn toàn đã làm 3 người chết và 9 người bị thương.

    Theo VietNamNet
http://tintuc.timnhanh.com/xa-hoi/20100125/35A9F7DC/Chum-anh-nong-vu-sap-nha-xuong-o-Binh-Duong.htm

Tuesday 12 January 2010

Đổ dàn ép cọc công trình chung cư


Đổ dàn ép cọc công trình chung cư

TT- – TTO - 15g45 ngày 12-1, giàn khung sắt ép cọc bêtông dài hơn 10m và hai đống bêtông gồm 64 khối (5 tấn/khối) thuộc công trình xây dựng chung cư cao tầng 46/11 Nguyễn Cửu Vân (P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ đổ ập xuống, tạo tiếng động lớn gây hoảng loạn cho nhiều người dân sống trong khu vực.

Toàn bộ khung sắt nằm chắn ngang đường và phần ngọn nằm sát mép nhà dân.

Rất may không có thương vong về người. Một người dân chứng kiến sự việc cho biết trong lúc thi công, đống bêtông bên phải nghiêng dần và đổ xuống kéo theo toàn bộ dàn khung ép cọc.

Tại hiện trường, kỹ sư Vương Anh Trí, chuyên viên Ban quản lý dự án, giải thích công trình đang trong giai đoạn thử tải các cọc ép. Sau khi ép được 2 cọc, đến cọc thứ 3 gặp nền đất yếu, các khối bêtông đối trọng bị lún nên đã xảy ra sự cố.

Hai trụ điện bị kéo gãy gây gián đoạn liên lạc viễn thông và mất điện trong khu vực.

Được biết, công trình này do Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Bêtông ly tâm 620 thi công phần cọc.

TRẦN CHÁNH NGHĨA

source

http://vn.news.yahoo.com/tto/20100113/tpl-do-dan-ep-coc-cong-trinh-chung-cu-ef16c59.html

Thứ Ba, 12/01/2010 - 21:52
TPHCM

Đổ dàn ép cọc bê tông, một chung cư suýt lâm nạn

(Dân trí) - Trong khi hàng chục công nhân đang thi công phần ép cọc bê tông tại công trình chung cư cao tầng số 46/11 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, bất ngờ dàn ép cọc bê tông cao gần 20m đổ sập làm nhiều người tháo chạy tán loạn.

Vụ tai nạn lao động xảy ra vào lúc 16 giờ ngày 12/1. Vào thời điểm này có trên 10 công nhân đang làm việc trong công trình và nhiều người dân đang ăn uống tại một quán cơm đối diện.

Dàn ép cọc bê tông này được dựng lên cách đó vài ngày và đang thi công phần đóng loạt cọc bê tông xuống đất để dựng khung móng nhà. Trụ đứng của dàn ép cọc cao gần 20m được giữ bởi các khối bê tông nặng hàng chục tấn quây quanh phía chân trụ.

Hiện trường giàn ép cọc đổ sập sát chung cư (Ảnh: Trung Kiên)

Tại hiện trường, theo quan sát của Dân trí, một góc dàn giữ trụ đóng bê tông bị nghiêng, lún làm cho trụ bị nghiêng rồi đổ nhào về phía chung cư Phước Định, nơi có hàng trăm người dân đang sinh sống. Rất may đầu của cây trụ đóng bê tông đổ xuống chỉ cách tường của chung cư Phước Định khoảng 20cm.

“Tôi đang ăn hủ tiếu thì thấy nhiều công nhân tháo chạy toán loạn, vừa chạy vừa la chưa hiểu chuyện gì thì tôi thấy tiếng ào ào của bê tông đổ vào tôn chắn công trình. Biết có chuyện chẳng lành nên cũng vội chạy thoát thân. May mà hôm mấy đứa trẻ đi học chưa về chứ không thì hậu quả khôn lường” - chị Trang người dân sông ở chung cư hốt hoảng kể lại.

Ngay sau khi sự cố xảy ra lực lượng thanh tra xây dựng, công an phường 17 có mặt tại hiện trường để xử lí vụ việc. Hiện nguyên nhân đang được điều tra làm rõ.

Trung Kiên

source

http://dantri.com.vn/c20/s20-372719/do-dan-ep-coc-be-tong-mot-chung-cu-suyt-lam-nan.htm

Tuesday 5 January 2010

Mệt mỏi với triều cường



(VietNamNet) - Liên tiếp những ngày qua, người dân Sài Gòn khốn khổ “ngụp lặn” trong nước vì đợt triều cường cao kỷ lục. Trong khi đó mỗi năm, ngân sách thành phố bỏ ra hàng tỷ đồng gia cố cấp bách các khu vực đê bao xung yếu đối phó với “bà thủy” nhưng lại theo kiểu chắp vá, vỡ đâu đắp đó bằng phương pháp thủ công, tạm bợ…

"Khủng khiếp!"

Đợt triều cường đầu tháng 11, cao nhất trong 50 năm qua đã khiến hàng ngàn hộ dân các khu vực trên địa bàn quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh… ngập sâu trong nước. Nhiều nơi người dân lần đầu tiên sống trong cảnh chạy loạn giữa đêm, thức trắng đêm dọn đồ đạc lên cao mà không dám tin mình đang ở trung tâm thành phố Sài Gòn.

Một người đi xe gắn máy đang vật lộn với nước ngập sâu khi chiếc xe chết máy. Ảnh: Thái Phương

Các khu vực như phường 22 (quận Bình Thạnh); khu phố 2, 3, 5, 6 phường Hiệp Bình Phước, phường Hiệp Bình Chánh, Tam Bình (quận Thủ Đức); phường An Phú Đông, Thạnh Lộc (quận 12)… người dân đã quen sống với triều cường, ngập nước nhưng cũng không trở tay kịp với mực nước cao kỷ lục như lần này.

“Năm nay tôi gần 70 chục tuổi nhưng chưa bao giờ thấy cảnh nước mênh mông như vậy. Cứ nghĩ chỉ có miền Trung bão lụt mới ngập nước, ai ngờ… Nửa đêm ngủ dậy thấy xung quanh mình đều là nước, đồ dạc trôi lềnh bềnh mới cuống cuồng dậy dọn” - ông Ôn Thọ Bông, phu phố 4, phường Hiệp Bình Phước kể lại.

Ngay sát mặt đường quốc lộ 13, đường số 7,9 phường Hiệp Bình Phước bị biến thành sông. Ảnh: Thái Phương

Còn người dân thuộc khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức cho biết bờ bao ven sông Sài Gòn không bị bể nhưng nước sông Sài Gòn dâng cao làm tràn bờ gây ngập hàng trăm căn nhà.

Toàn bộ khu vực đường số 7,9 thuộc khu phố 5, nằm ngay cạnh quốc lộ 13, phường Hiệp bình Phước bị ngập sâu trong nước hơn nửa mét. Nhiều nhà có nền đất thấp so với mặt đường, nước chảy vào ào ạt khiến người dân trở tay không kịp, đồ đạc trong nhà bị hư hỏng nặng.

Phường Hiệp Bình Phước được xem là “điểm nóng” bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt triều cường này với toàn bộ các khu phố 1,2,3,4,5,6 đều có nhà dân bị ngập, hàng trăm ha hoa màu có nguy cơ mất mùa.

Không phân biệt đâu là đường, đâu là... sông khi đàn vịt bơi lội tung tăng trước nhà dân. Ảnh: Thái Phương

Ngay khu vực bến đò Thanh Đa, mấy năm nay có hệ thống bơm thoát nước rồi làm bờ kè kiên cố nhưng cũng không thoát khỏi “bà thủy”. Nước ngập mênh mông buộc Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão cùng với Trung tâm chống ngập thành phố phải tăng cường máy bơm để bơm nước ra khỏi các khu vực bị ngập.

Không chỉ khổ sở với cảnh ngập nước nhiều ngày mà người trồng mai khu vực quận Thủ Đức đang khóc ròng vì mai có nguy cơ mất trắng vì nước ngập sâu. Ông Huỳnh Công Trung, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước cho biết đất vùng này nổi tiếng trồng mai tốt. “Cứ nghĩ năm nay thời tiết thuận lợi, Tết này nhiều nhà sẽ trúng mùa mai, vậy mà…

Một công mai (1.000m2 đất - P V) có thể bán được 400 triệu - 500 triệu nếu được giá. Thế nhưng cứ tình hình ngập nước, mai bị úng gốc rụng lá rồi trổ bông sớm thì bà con chỉ có nước… khóc ròng” - ông Trung than.

Không đành lòng nhìn mai mất trắng, nhiều người dân đành lội nước đi mua xăng về đổ máy bơm bơm nước trong vườn ra với hy vọng vớt vát được phần nào.

Đê bao bị “bỏ rơi”, dân lãnh đủ

Theo người dân sống quanh khu vực rạch Bằng Hòn, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, thuộc hệ thống đê bao ven sông Sài Gòn, khu vực này phần lớn thuộc đất của các “đại gia” mua đất sẵn rồi bỏ đó. Rốt cuộc vì không được gia cố thường xuyên nên đê bao thường xuyên bị bục, tràn bờ hoặc bể…

“Năm nào cũng bể bờ bao, ngập nước. Hỏi chính quyền địa phương thì nói đất của người dân nên không có trách nhiệm. Trong khi đó nhiều người ở nơi khác đến mua đất rồi bỏ đó, chỉ có hàng trăm hộ dân sống quanh đây là lãnh đủ” - một người dân bức xúc.

Một đoạn bờ bao ven sông Sài Gòn ở phường Hiệp Bình Phước được đắp bằng bùn, liệu có chống chọi nổi sức nước từ sông Sài Gòn chảy xiết? Ảnh: Thái Phương

Mỗi lần triều cường lên làm bể bờ bao, chính quyền địa phương, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố… đều cho người xuống gia cố cừ tràm, đắp lại bờ bao. Thế nhưng chỉ với đất bùn, cừ tràm và bao cát sơ sài liệu có chống trọi nổi với sức nước chảy ào ạt từ sông đổ vào?

Quan sát một đoạn bờ bao mới đắp dọc theo sông Sài Gòn ở khu vực rạch Bằng Hòn, phường Hiệp Bình Phước, người dân quanh vùng không khỏi ái ngại, lo lắng bởi bờ bao được đắp bằng bùn. Cứ mỗi lần nước dâng, sóng đánh tràn vào là hệ thống đê bao này lại dạt mất một phần…

Được biết năm nào thành phố cũng phê duyệt, rót xuống hàng chục tỷ đồng cộng thêm tiền đóng góp của người dân nhằm gia cố cấp bách các đoạn đê bao xung yếu. Năm 2008 có 156 công trình gia cố bờ bao với chiều dài hơn 100km được thi công. Trong năm 2009 - 2010 sẽ tiếp tục có thêm 128 hạng mục nữa được duyệt.

Mỗi lần bờ bao bị bể sẽ được gia cố bằng cừ tràm, bùn đất và bao cát đơn giản, sơ sài. Điều này không tránh khỏi tình trạng lần này vỡ, lần sau bể và nhà dân vẫn bị... ngập thường xuyên. Ảnh: Thái Phương

Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 17 công trình được triển khai thi công. Chưa hết, giữa năm 2009 thành phố chi thêm 4,8 tỷ đồng gia cố khẩn cấp 37 đoạn bờ bao xung yếu trên địa bàn các quận huyện.

Thế nhưng năm sau lại bể bờ bao nhiều hơn năm trước và cứ đắp chỗ này, chỗ khác lại vỡ… Và phần lớn các đoạn bờ bao bị bể lại không nằm trong danh sách đê bao xung yếu. Cũng chính vì công tác gia cố sơ sài, tạm bợ sau mỗi lần bể nên nhiều khu vực không tránh khỏi tình trạng đợt này vỡ, đợt sau bể rồi tràn bờ khi “bà thủy” ghé thăm.

“Chỉ người dân mới cảm nhận hết nỗi khổ của người sống giữa thành phố, trời nắng chang chang mà sắn quần lội nước lên tận bụng. Lãnh đạo thành phố có xuống đây mà lội nước, chạy loạn giữa đêm khi triều cường lên cao, nước từ sông chảy vào như thác mới hiểu cảnh khổ của dân”, một người dân bức xúc.

Thạc sỹ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết đợt triều cường cao bất thường do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc tràn xuống phía Nam, đẩy nước biển tràn vào các cửa sông kèm theo chu kỳ triều cường khiến mực nước dâng cao.

Theo dự báo, đến khoảng trung tuần tháng 11 (20/11), TP.HCM sẽ tiếp tục đón thêm một đợt triều cường cao nên người dân cần phải đề phòng, chuẩn bị trước tránh bị động, trở tay không kịp, bà Lan nhận định.

  • Thái Phương
  • source
  • Gia cố tiền tỷ nhưng cứ triều cường là...đê lại vỡ

    Cập nhật lúc 21:08, Thứ Bảy, 07/11/2009 (GMT+7)

- Cuộc chiến giữa con người với "bà thủy” ở TP.HCM ngày càng tỏ ra không cân sức, đã có phương án đặt ra là tìm cách thích nghi để chung sống với triều cường?

Cứ triều cường là… bể bờ bao!

Trận vỡ bờ bao bằng bê tông tại khu vực rạch Võ, khu phố 8, phường Hiệp Bình Phước sáng 4/1 khiến một số nhà dân khu vực rạch Võ vẫn còn bị ngập nước, sinh hoạt của người dân chưa thể trở lại bình thường.

Đến trưa ngày 5/1, ông Nguyễn Thế Hiệp, nhà số 30/10 khu phố 8, phường Hiệp Bình Phước cho biết toàn bộ nhà bếp, khu vực sau nhà và sát bên cạnh là nhà cô con gái vẫn còn ngập nước. “Tôi dựng căn nhà tạm cho cô con gái mới lập ra đình về ở. Vậy mà cứ mưa lớn, triều cường là nước lại vào nhà lêng láng. Riết rồi nó không dám ở đây nữa phải lên nhà ba mẹ ở nhờ” - ông Hiệp nói.

Trưa ngày 5/1, căn nhà của ông Hiệp vẫn bị ngập trong nước. Ảnh: Thái Phương

Không chỉ nhà bị ngập mà ao cá sau nhà cả ngàn con cũng trôi theo đợt triều cường sáng 4/1. Nhìn đàn cá tung tăng khắp sân, sau vườn rồi chui cả vào… nhà mà xót ruột. Chỉ cần nhìn kỹ chỗ ngập nước kia là có thể thấy cá trong ao nhà tôi bơi tung tăng. Giờ ăn thì lấy cần, vợt vớt lên ăn chứ bắt chúng xong cũng chẳng biết thả đi đâu vì ao vẫn bị ngập, ông Hiệp vừa nói vừa chỉ tay vào chỗ ngập nước bên hông nhà.

Tại khu vực đoạn đê bao bê tông tường chắn bị vỡ sáng 4/1, một số công nhân đang tiếp tục đắp bùn, gia cố cừ tràm rồi kè tấm đan bê tông khắc phục sự cố.

Đoạn đê bao bê tông bị vỡ sáng 4/1 vẫn đang được khắc phục bằng bùn đất, cừ tràm... Ảnh: Thái Phương

Ông Nguyễn Văn Ngà, cán bộ giao thông thủy lợi phường Hiệp Bình Chánh cho biết đoạn đê bao bê tông tường chắn bị vỡ ở rạch Võ, khu phố 4 được xây dựng từ năm 2006. Khi đó, đoạn đê bao bê tông này không được đóng cừ tràm ở dưới chân bảng đáy phía dưới (giống như móng nhà - PV) khiến nước triều dâng cao, chảy mạnh làm đê bị vỡ.

Trong ngày hôm nay (5/1), phường đã cho người đi phát quang xung quanh hệ thống đê bao, kiểm tra các vị trí xung yếu có nguy cơ bể, gia cố lại. Đồng thời, UBND quận cũng nhất trí phương án sẽ lắp đặt cống ngăn triều ở đầu rạch Võ đề phòng khi nước triều dâng cao, ông Ngà nói thêm.

Được biết, đến thời điểm này đã có khoảng 3km đê bao bê tông trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh được đưa vào sử dụng.

Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống đê bao bằng bê tông này gồm những tấm đan bê tông 2m x 1m, bề dày khoảng 10cm rắp nối với nhau. Dù đê bao được dựng bằng bê tông nhưng chỉ “mỏng manh” đơn giản như thế này, một số đoạn tấm đan còn bị nứt liệu có chống chọi lại sức nước mạnh khủng khiếp từ “bà thủy” khi triều cường dâng cao?, một người dân khu phố 8 lo ngại.

Người dân phải “sống chung với triều cường”?

Trong cuộc chiến với “Thủy Tinh” từ xưa đến nay, nhiều người vẫn quan niệm chống tuyệt đối: Phải xây dựng đê bao kiên cố quanh thành phố mới đủ sức ngăn triều, ngăn lũ từ thượng nguồn xả về…

Thế nhưng một thực tế là người dân đang phải chịu đựng nỗi khổ ngập nước mỗi lần triều dâng dù hệ thống đê bao không ngừng được xây dựng, gia cố. Một ví dụ nhỏ là đoạn đê bao rạch Võ vừa bị vỡ được xây dựng thí điểm từ năm 2006 với cao trình 1,8m. Mỗi năm mực triều cường tăng dần lên khiến hệ thống đê bao này không còn phù hợp.

Chẳng hạn đợt triều cường cao kỷ lục 1,56m hồi tháng 11 không vỡ nhưng nước dâng cao tràn bờ vẫn gây ngập nhà dân. Và hiện nay các công trình tường chắn bê tông đang thi công đều có cao trình 2,2m, ông Ngà cho biết.

Nhìn vào hệ thống đê bao bằng bê tông "mỏng manh" như thế này nhiều người không khỏi lo ngại liệu nó sẽ chống chọi được những lần "bà thủy" ghé thăm tiếp theo? Ảnh: Thái Phương

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM, năm 2009 thành phố xảy ra 4 đợt triều cường lớn là bể 39 đoạn bờ bao với chiều dài 295m. Trong đó đợt triều cường cao kỷ lục 1,56m vào đầu tháng 11/2009 gây thiệt hại nặng nề nhất, làm bể 26 đoạn bờ bao, ngập 61ha trên địa bàn quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Củ Chi, Nhà Bè.

Trước tình hình này, Tiến sỹ Hồ Long Phi, ĐH Bách Khoa TP.HCM cho rằng tư tưởng chống tuyệt đối với thiên nhiên dường như đã không còn phù hợp, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay. “Người dân đừng bao giờ hy vọng có giải pháp tuyệt đối chống lại triều cường mà phải thích nghi và tìm cách sống chung với nó. Chống lại thiên nhiên là cuộc chiến không cân sức nên quan trọng là phải nghiên cứu kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa việc chống tuyệt đối hay thích nghi một phần” - ông Phi nói.

Và trước khi các chuyên gia tìm được phương án thích nghi với "bà thủy", người dân thành phố đành phải tiếp tục chịu cảnh tát nước mỗi đợt triều cường như thế này. Ảnh: Thái Phương

Theo đó, những khu vực có địa hình thấp trũng cần hướng người dân tìm các biện pháp thích nghi như khu vực Cần Giờ nên phát triển đê chắn sóng, chắn gió bảo vệ khu trung tâm thành phố…

Thực tế, mỗi năm ngân sách thành phố rót hàng chục tỷ đồng cho công tác chống sạt lở bờ sông, gia cố hệ thống đê bao từ cách làm đơn giản, tạm bợ… vỡ đâu đắp đó cho đến xây kè bê tông, làm các dự án lập hệ thống đê bao kiên cố. Thế nhưng cứ mỗi lần triều cường, mưa lớn là người dân lại sống trong cảnh ngập lụt, hoa màu mất trắng… tiền tỷ trôi sông. “Thay vì tìm cách chống "bà thủy", thành phố nên dùng số tiền gia cố, đắp đê vỡ hỗ trợ cho người dân xây nhà để thích nghi, “sống chung với triều cường”, ông Phi nêu quan điểm.

Chuyện nên sống chung với triều cường hay tìm cách chống tuyệt đối nó đang được các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng rồi mới đưa ra phương án cuối cùng. Và đến khi tìm ra được cách chung sống hài hòa với thiên nhiên, người dân thành phố đành chịu cảnh nước tràn ào ạt vào nhà, ngập lênh láng khi "bà thủy" “ghé thăm”…

Hiện có 128 công trình bờ bao phòng chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2009-2010 với kinh phí hơn 282 tỷ đồng được UBND TP.HCM phê duyệt. Đến nay chỉ mới có 9/128 công trình hoàn thành, đang triển khai 17 công trình. Đồng thời, mới chỉ 102/144 công trình bờ bao phòng chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 được hoàn thành trong năm nay.
  • Thái Phương
  • Mệt mỏi với triều cường

    Cập nhật lúc 06:03, Thứ Tư, 06/01/2010 (GMT+7)
  • http://www.vietnamnet.vn/xahoi/201001/Met-moi-voi-trieu-cuong-887983/