(VietNamNet) - Liên tiếp những ngày qua, người dân Sài Gòn khốn khổ “ngụp lặn” trong nước vì đợt triều cường cao kỷ lục. Trong khi đó mỗi năm, ngân sách thành phố bỏ ra hàng tỷ đồng gia cố cấp bách các khu vực đê bao xung yếu đối phó với “bà thủy” nhưng lại theo kiểu chắp vá, vỡ đâu đắp đó bằng phương pháp thủ công, tạm bợ…
"Khủng khiếp!"
Đợt triều cường đầu tháng 11, cao nhất trong 50 năm qua đã khiến hàng ngàn hộ dân các khu vực trên địa bàn quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh… ngập sâu trong nước. Nhiều nơi người dân lần đầu tiên sống trong cảnh chạy loạn giữa đêm, thức trắng đêm dọn đồ đạc lên cao mà không dám tin mình đang ở trung tâm thành phố Sài Gòn.
Một người đi xe gắn máy đang vật lộn với nước ngập sâu khi chiếc xe chết máy. Ảnh: Thái Phương |
Các khu vực như phường 22 (quận Bình Thạnh); khu phố 2, 3, 5, 6 phường Hiệp Bình Phước, phường Hiệp Bình Chánh, Tam Bình (quận Thủ Đức); phường An Phú Đông, Thạnh Lộc (quận 12)… người dân đã quen sống với triều cường, ngập nước nhưng cũng không trở tay kịp với mực nước cao kỷ lục như lần này.
“Năm nay tôi gần 70 chục tuổi nhưng chưa bao giờ thấy cảnh nước mênh mông như vậy. Cứ nghĩ chỉ có miền Trung bão lụt mới ngập nước, ai ngờ… Nửa đêm ngủ dậy thấy xung quanh mình đều là nước, đồ dạc trôi lềnh bềnh mới cuống cuồng dậy dọn” - ông Ôn Thọ Bông, phu phố 4, phường Hiệp Bình Phước kể lại.
Ngay sát mặt đường quốc lộ 13, đường số 7,9 phường Hiệp Bình Phước bị biến thành sông. Ảnh: Thái Phương |
Còn người dân thuộc khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức cho biết bờ bao ven sông Sài Gòn không bị bể nhưng nước sông Sài Gòn dâng cao làm tràn bờ gây ngập hàng trăm căn nhà.
Toàn bộ khu vực đường số 7,9 thuộc khu phố 5, nằm ngay cạnh quốc lộ 13, phường Hiệp bình Phước bị ngập sâu trong nước hơn nửa mét. Nhiều nhà có nền đất thấp so với mặt đường, nước chảy vào ào ạt khiến người dân trở tay không kịp, đồ đạc trong nhà bị hư hỏng nặng.
Phường Hiệp Bình Phước được xem là “điểm nóng” bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt triều cường này với toàn bộ các khu phố 1,2,3,4,5,6 đều có nhà dân bị ngập, hàng trăm ha hoa màu có nguy cơ mất mùa.
Không phân biệt đâu là đường, đâu là... sông khi đàn vịt bơi lội tung tăng trước nhà dân. Ảnh: Thái Phương |
Ngay khu vực bến đò Thanh Đa, mấy năm nay có hệ thống bơm thoát nước rồi làm bờ kè kiên cố nhưng cũng không thoát khỏi “bà thủy”. Nước ngập mênh mông buộc Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão cùng với Trung tâm chống ngập thành phố phải tăng cường máy bơm để bơm nước ra khỏi các khu vực bị ngập.
Không chỉ khổ sở với cảnh ngập nước nhiều ngày mà người trồng mai khu vực quận Thủ Đức đang khóc ròng vì mai có nguy cơ mất trắng vì nước ngập sâu. Ông Huỳnh Công Trung, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước cho biết đất vùng này nổi tiếng trồng mai tốt. “Cứ nghĩ năm nay thời tiết thuận lợi, Tết này nhiều nhà sẽ trúng mùa mai, vậy mà…
Một công mai (1.000m2 đất - P V) có thể bán được 400 triệu - 500 triệu nếu được giá. Thế nhưng cứ tình hình ngập nước, mai bị úng gốc rụng lá rồi trổ bông sớm thì bà con chỉ có nước… khóc ròng” - ông Trung than.
Không đành lòng nhìn mai mất trắng, nhiều người dân đành lội nước đi mua xăng về đổ máy bơm bơm nước trong vườn ra với hy vọng vớt vát được phần nào.
Đê bao bị “bỏ rơi”, dân lãnh đủ
Theo người dân sống quanh khu vực rạch Bằng Hòn, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, thuộc hệ thống đê bao ven sông Sài Gòn, khu vực này phần lớn thuộc đất của các “đại gia” mua đất sẵn rồi bỏ đó. Rốt cuộc vì không được gia cố thường xuyên nên đê bao thường xuyên bị bục, tràn bờ hoặc bể…
“Năm nào cũng bể bờ bao, ngập nước. Hỏi chính quyền địa phương thì nói đất của người dân nên không có trách nhiệm. Trong khi đó nhiều người ở nơi khác đến mua đất rồi bỏ đó, chỉ có hàng trăm hộ dân sống quanh đây là lãnh đủ” - một người dân bức xúc.
Một đoạn bờ bao ven sông Sài Gòn ở phường Hiệp Bình Phước được đắp bằng bùn, liệu có chống chọi nổi sức nước từ sông Sài Gòn chảy xiết? Ảnh: Thái Phương |
Mỗi lần triều cường lên làm bể bờ bao, chính quyền địa phương, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố… đều cho người xuống gia cố cừ tràm, đắp lại bờ bao. Thế nhưng chỉ với đất bùn, cừ tràm và bao cát sơ sài liệu có chống trọi nổi với sức nước chảy ào ạt từ sông đổ vào?
Quan sát một đoạn bờ bao mới đắp dọc theo sông Sài Gòn ở khu vực rạch Bằng Hòn, phường Hiệp Bình Phước, người dân quanh vùng không khỏi ái ngại, lo lắng bởi bờ bao được đắp bằng bùn. Cứ mỗi lần nước dâng, sóng đánh tràn vào là hệ thống đê bao này lại dạt mất một phần…
Được biết năm nào thành phố cũng phê duyệt, rót xuống hàng chục tỷ đồng cộng thêm tiền đóng góp của người dân nhằm gia cố cấp bách các đoạn đê bao xung yếu. Năm 2008 có 156 công trình gia cố bờ bao với chiều dài hơn 100km được thi công. Trong năm 2009 - 2010 sẽ tiếp tục có thêm 128 hạng mục nữa được duyệt.
Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 17 công trình được triển khai thi công. Chưa hết, giữa năm 2009 thành phố chi thêm 4,8 tỷ đồng gia cố khẩn cấp 37 đoạn bờ bao xung yếu trên địa bàn các quận huyện.
Thế nhưng năm sau lại bể bờ bao nhiều hơn năm trước và cứ đắp chỗ này, chỗ khác lại vỡ… Và phần lớn các đoạn bờ bao bị bể lại không nằm trong danh sách đê bao xung yếu. Cũng chính vì công tác gia cố sơ sài, tạm bợ sau mỗi lần bể nên nhiều khu vực không tránh khỏi tình trạng đợt này vỡ, đợt sau bể rồi tràn bờ khi “bà thủy” ghé thăm.
“Chỉ người dân mới cảm nhận hết nỗi khổ của người sống giữa thành phố, trời nắng chang chang mà sắn quần lội nước lên tận bụng. Lãnh đạo thành phố có xuống đây mà lội nước, chạy loạn giữa đêm khi triều cường lên cao, nước từ sông chảy vào như thác mới hiểu cảnh khổ của dân”, một người dân bức xúc.
Thạc sỹ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết đợt triều cường cao bất thường do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc tràn xuống phía Nam, đẩy nước biển tràn vào các cửa sông kèm theo chu kỳ triều cường khiến mực nước dâng cao. Theo dự báo, đến khoảng trung tuần tháng 11 (20/11), TP.HCM sẽ tiếp tục đón thêm một đợt triều cường cao nên người dân cần phải đề phòng, chuẩn bị trước tránh bị động, trở tay không kịp, bà Lan nhận định. |
- Thái Phương
- source
Gia cố tiền tỷ nhưng cứ triều cường là...đê lại vỡ
Cập nhật lúc 21:08, Thứ Bảy, 07/11/2009 (GMT+7)
- Cuộc chiến giữa con người với "bà thủy” ở TP.HCM ngày càng tỏ ra không cân sức, đã có phương án đặt ra là tìm cách thích nghi để chung sống với triều cường?
Cứ triều cường là… bể bờ bao!
Trận vỡ bờ bao bằng bê tông tại khu vực rạch Võ, khu phố 8, phường Hiệp Bình Phước sáng 4/1 khiến một số nhà dân khu vực rạch Võ vẫn còn bị ngập nước, sinh hoạt của người dân chưa thể trở lại bình thường.
Đến trưa ngày 5/1, ông Nguyễn Thế Hiệp, nhà số 30/10 khu phố 8, phường Hiệp Bình Phước cho biết toàn bộ nhà bếp, khu vực sau nhà và sát bên cạnh là nhà cô con gái vẫn còn ngập nước. “Tôi dựng căn nhà tạm cho cô con gái mới lập ra đình về ở. Vậy mà cứ mưa lớn, triều cường là nước lại vào nhà lêng láng. Riết rồi nó không dám ở đây nữa phải lên nhà ba mẹ ở nhờ” - ông Hiệp nói.
Trưa ngày 5/1, căn nhà của ông Hiệp vẫn bị ngập trong nước. Ảnh: Thái Phương |
Không chỉ nhà bị ngập mà ao cá sau nhà cả ngàn con cũng trôi theo đợt triều cường sáng 4/1. Nhìn đàn cá tung tăng khắp sân, sau vườn rồi chui cả vào… nhà mà xót ruột. Chỉ cần nhìn kỹ chỗ ngập nước kia là có thể thấy cá trong ao nhà tôi bơi tung tăng. Giờ ăn thì lấy cần, vợt vớt lên ăn chứ bắt chúng xong cũng chẳng biết thả đi đâu vì ao vẫn bị ngập, ông Hiệp vừa nói vừa chỉ tay vào chỗ ngập nước bên hông nhà.
Tại khu vực đoạn đê bao bê tông tường chắn bị vỡ sáng 4/1, một số công nhân đang tiếp tục đắp bùn, gia cố cừ tràm rồi kè tấm đan bê tông khắc phục sự cố.
Đoạn đê bao bê tông bị vỡ sáng 4/1 vẫn đang được khắc phục bằng bùn đất, cừ tràm... Ảnh: Thái Phương |
Ông Nguyễn Văn Ngà, cán bộ giao thông thủy lợi phường Hiệp Bình Chánh cho biết đoạn đê bao bê tông tường chắn bị vỡ ở rạch Võ, khu phố 4 được xây dựng từ năm 2006. Khi đó, đoạn đê bao bê tông này không được đóng cừ tràm ở dưới chân bảng đáy phía dưới (giống như móng nhà - PV) khiến nước triều dâng cao, chảy mạnh làm đê bị vỡ.
Trong ngày hôm nay (5/1), phường đã cho người đi phát quang xung quanh hệ thống đê bao, kiểm tra các vị trí xung yếu có nguy cơ bể, gia cố lại. Đồng thời, UBND quận cũng nhất trí phương án sẽ lắp đặt cống ngăn triều ở đầu rạch Võ đề phòng khi nước triều dâng cao, ông Ngà nói thêm.
Được biết, đến thời điểm này đã có khoảng 3km đê bao bê tông trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh được đưa vào sử dụng.
Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống đê bao bằng bê tông này gồm những tấm đan bê tông 2m x 1m, bề dày khoảng 10cm rắp nối với nhau. Dù đê bao được dựng bằng bê tông nhưng chỉ “mỏng manh” đơn giản như thế này, một số đoạn tấm đan còn bị nứt liệu có chống chọi lại sức nước mạnh khủng khiếp từ “bà thủy” khi triều cường dâng cao?, một người dân khu phố 8 lo ngại.
Người dân phải “sống chung với triều cường”?
Trong cuộc chiến với “Thủy Tinh” từ xưa đến nay, nhiều người vẫn quan niệm chống tuyệt đối: Phải xây dựng đê bao kiên cố quanh thành phố mới đủ sức ngăn triều, ngăn lũ từ thượng nguồn xả về…
Thế nhưng một thực tế là người dân đang phải chịu đựng nỗi khổ ngập nước mỗi lần triều dâng dù hệ thống đê bao không ngừng được xây dựng, gia cố. Một ví dụ nhỏ là đoạn đê bao rạch Võ vừa bị vỡ được xây dựng thí điểm từ năm 2006 với cao trình 1,8m. Mỗi năm mực triều cường tăng dần lên khiến hệ thống đê bao này không còn phù hợp.
Chẳng hạn đợt triều cường cao kỷ lục 1,56m hồi tháng 11 không vỡ nhưng nước dâng cao tràn bờ vẫn gây ngập nhà dân. Và hiện nay các công trình tường chắn bê tông đang thi công đều có cao trình 2,2m, ông Ngà cho biết.
Nhìn vào hệ thống đê bao bằng bê tông "mỏng manh" như thế này nhiều người không khỏi lo ngại liệu nó sẽ chống chọi được những lần "bà thủy" ghé thăm tiếp theo? Ảnh: Thái Phương |
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM, năm 2009 thành phố xảy ra 4 đợt triều cường lớn là bể 39 đoạn bờ bao với chiều dài 295m. Trong đó đợt triều cường cao kỷ lục 1,56m vào đầu tháng 11/2009 gây thiệt hại nặng nề nhất, làm bể 26 đoạn bờ bao, ngập 61ha trên địa bàn quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Củ Chi, Nhà Bè.
Trước tình hình này, Tiến sỹ Hồ Long Phi, ĐH Bách Khoa TP.HCM cho rằng tư tưởng chống tuyệt đối với thiên nhiên dường như đã không còn phù hợp, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay. “Người dân đừng bao giờ hy vọng có giải pháp tuyệt đối chống lại triều cường mà phải thích nghi và tìm cách sống chung với nó. Chống lại thiên nhiên là cuộc chiến không cân sức nên quan trọng là phải nghiên cứu kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa việc chống tuyệt đối hay thích nghi một phần” - ông Phi nói.
Và trước khi các chuyên gia tìm được phương án thích nghi với "bà thủy", người dân thành phố đành phải tiếp tục chịu cảnh tát nước mỗi đợt triều cường như thế này. Ảnh: Thái Phương |
Theo đó, những khu vực có địa hình thấp trũng cần hướng người dân tìm các biện pháp thích nghi như khu vực Cần Giờ nên phát triển đê chắn sóng, chắn gió bảo vệ khu trung tâm thành phố…
Thực tế, mỗi năm ngân sách thành phố rót hàng chục tỷ đồng cho công tác chống sạt lở bờ sông, gia cố hệ thống đê bao từ cách làm đơn giản, tạm bợ… vỡ đâu đắp đó cho đến xây kè bê tông, làm các dự án lập hệ thống đê bao kiên cố. Thế nhưng cứ mỗi lần triều cường, mưa lớn là người dân lại sống trong cảnh ngập lụt, hoa màu mất trắng… tiền tỷ trôi sông. “Thay vì tìm cách chống "bà thủy", thành phố nên dùng số tiền gia cố, đắp đê vỡ hỗ trợ cho người dân xây nhà để thích nghi, “sống chung với triều cường”, ông Phi nêu quan điểm.
Chuyện nên sống chung với triều cường hay tìm cách chống tuyệt đối nó đang được các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng rồi mới đưa ra phương án cuối cùng. Và đến khi tìm ra được cách chung sống hài hòa với thiên nhiên, người dân thành phố đành chịu cảnh nước tràn ào ạt vào nhà, ngập lênh láng khi "bà thủy" “ghé thăm”…
Hiện có 128 công trình bờ bao phòng chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2009-2010 với kinh phí hơn 282 tỷ đồng được UBND TP.HCM phê duyệt. Đến nay chỉ mới có 9/128 công trình hoàn thành, đang triển khai 17 công trình. Đồng thời, mới chỉ 102/144 công trình bờ bao phòng chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 được hoàn thành trong năm nay. |
- Thái Phương
Mệt mỏi với triều cường
Cập nhật lúc 06:03, Thứ Tư, 06/01/2010 (GMT+7)- http://www.vietnamnet.vn/xahoi/201001/Met-moi-voi-trieu-cuong-887983/
No comments:
Post a Comment