Monday, 22 March 2010

Sự cố nứt mặt cầu Thăng Long:


Thứ Bẩy, 20/03/2010 - 13:41
Chùm ảnh:

Cận cảnh vết “nham nhở” trên mặt cầu Thăng Long

(Dân trí) - Không chỉ bị nứt, trên mặt cầu Thăng Long còn gồ ghề, lồi lõm do lớp “áo” mới bị dồn cuộn lại, nhiều đoạn mặt cầu lộ ra sự “nham nhở” sau khi được hàn gắn.
>> Nứt mặt cầu Thăng Long sau 3 tháng thông xe

Như Dân trí đã đưa tin, mặc dù được đầu tư tới 97 tỷ đồng cho việc sửa chữa, nhưng sau 3 tháng thông xe trở lại, trên mặt cầu Thăng Long, Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, loang lổ và bị lõm xuống.

Có khoảng hơn 10 vết nứt trên mặt cầu mới sửa chữa, nhiều vết trung bình dài hơn 1m, rộng 4-5cm. Đặc biệt có những vết dài tới 2m, sâu hơn 5 - 7cm để lộ ra lớp bê tông thứ 2 trên mặt cầu.

Không chỉ bị nứt, trên mặt cầu Thăng Long còn gồ ghề, lồi lõm do lớp “áo” mới bị dồn cuộn lại, nhiều đoạn mặt cầu “phơi bày” ra sự “nham nhở” sau được hàn gắn

Dưới đây là một số hình ảnh PV Dân trí ghi nhận trên cầu Thăng Long sáng 20/3:
Hàng loạt những vết nứt trên mặt cầu Thăng Long

Mặt cầu gồ ghề, lồi lõm và tạo thành những "con rắn" dài trên cầu Thăng Long

Những vết nứt mới được hàn gắn lại tiếp tục... nứt?!









Việc sửa chữa, hàn gắn những vết nứt khiến cho "bộ mặt" của cầu Thăng Long bị "nham nhở"
Sau 3 tháng thông xe trở lại, những rãnh thoát nước trên cầu Thăng Long giờ mới bắt đầu được "nạo, gọt"

Châu Như Quỳnh
source
http://dantri.com.vn/c20/s20-385599/can-canh-vet-nham-nho-tren-mat-cau-thang-long.htm
Thứ Hai, 22/03/2010 - 00:18

Rà soát toàn bộ thiết kế, thi công mặt cầu Thăng Long

(Dân trí) - Bộ GTVT vừa chỉ đạo các Vụ, Cục hữu quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ thiết kế, thi công, công nghệ... để tìm ra nguyên nhân hiện tượng đọng nước và có một số vết nứt của thảm bê tông nhựa trên mặt cầu Thăng Long.
>> Cận cảnh vết “nham nhở” trên mặt cầu Thăng Long
>> Nứt mặt cầu Thăng Long sau 3 tháng thông xe
Những vết nứt được hàn gắn nham nhở trên mặt cầu Thăng Long (ảnh: Như Quỳnh).
Ông Nguyễn Văn Công - Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, để đảm bảo tính bền vững kết cấu và khai thác mặt cầu về lâu dài, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA 2 chỉ đạo Tư vấn, nhà thầu khẩn trương tập trung nhân lực, thiết bị sửa chữa các vị trí bị hư hỏng trong thời gian nhanh nhất, tiếp tục xẻ rãnh thoát nước dọc và ngang tại các vị trí trên cầu để thoát nước triệt để từ mặt bê tông nhựa ra máng thu nước. Các công việc trên phải xong trước ngày 31/3.
Ngoài ra, Vụ KHCN chủ trì, phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng & Chất lượng công trình giao thông, Ban QLDA 2, Viện Khoa học Công nghệ GTVT, nhà thầu rà soát lại toàn bộ hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công, công nghệ thi công, đánh giá chất lượng thi công lớp mặt bê tông nhựa để tìm ra nguyên nhân và đề xuất phương án khắc phục triệt để đảm bảo tính bền vững của công trình trong quá trình khai thác.
Thông tin từ Bộ GTVT, Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1723/QĐ-BGTVT ngày 16/6/2009 và giao cho Cục Đường bộ Việt Nam làm Chủ đầu tư. Dự án gồm 3 hạng mục chính: sửa chữa mặt cầu Thăng Long, thay thế khe co giãn và sửa chữa đường đảm bảo giao thông 2 bên cánh gà tầng 1.
Do cấu tạo mặt cầu Thăng Long là bản mặt thép có bề rộng tương đối lớn (khác với mặt cầu bằng bê tông cốt thép thông thường) nên trong Dự án được duyệt sử dụng lớp bê tông nhựa nóng SMA để thay thế lớp mặt cầu cũ. Đây là vật liệu mới, công nghệ tiên tiến được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam.
Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 29/12/2009 đảm bảo lưu thông và giảm ùn tắc tuyến đường vành đai 3 đoạn Nội Bài - Hà Nội và bảo vệ bền vững kết cấu của cầu Thăng Long.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam và Ban QLDA 2, trong thời gian gần đây có hiện tượng đọng nước và xuất hiện một số vết nứt của thảm bê tông nhựa trên mặt cầu.
Phúc Hưng
http://dantri.com.vn/c20/s20-385741/ra-soat-toan-bo-thiet-ke-thi-cong-mat-cau-thang-long.htm
Thứ Hai, 22/03/2010 - 15:26
Sự cố nứt mặt cầu Thăng Long:

“Cầu nứt sau 2 tháng sử dụng là bất thường”

(Dân trí) - Liên quan đến sự cố nứt mặt cầu Thăng Long, Dân trí đã trao đổi với TS. Trần Thị Kim Đăng, giảng viên trường ĐH Giao thông Vận tải, Hà Nội. Bà Đăng khẳng định: "Có nhiều yếu tố dẫn đến hư hỏng nhưng mặt cầu bị hỏng sau 2 tháng là chuyện bất thường”.
>> Rà soát toàn bộ thiết kế, thi công mặt cầu Thăng Long
>> Nứt mặt cầu Thăng Long sau 3 tháng thông xe

Được sử dụng loại vật liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng mặt cầu Thăng Long vừa đưa vào sử dụng đã bị nứt. Theo bà, điều này có bình thường hay không?

Chiều qua (21/3), tôi đã lên cầu Thăng Long và tận mắt nhìn thấy các vết nứt trên mặt cầu. Đối với cầu thép, lại là cầu thép cũ thì trọng tải và độ rung đều dẫn đến hư hỏng, nhưng mặt cầu Thăng Long bị nứt sau 2 tháng thi công là chuyện bất thường.
Mặt cầu Thăng Long nứt sau 2 tháng là bất thường

Bà có thể nói cụ thể hơn?

Bê tông nhựa nóng SMA là loại vật liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế và được nhiều nước trên thế giới sử dụng cho các công trình mặt cầu thép. Theo tổng kết từ nhiều nguồn tài liệu thì tuổi thọ bề mặt của các công trình làm bằng vật liệu SMA không cụ thể trong thời gian bao lâu, thông thường sử dụng được 2 năm đã có công trình bị hư hỏng, có công trình lại có tuổi thọ rất lâu, còn mặt cầu Thăng Long mới được 2 tháng đã bị nứt là quá ngắn…

Thực tế nghiên cứu, SMA chuẩn thuộc loại bê tông nhựa chặt, so với thể tích thì độ rỗng chỉ bằng 3 - 5%, thậm chí còn thấp hơn nên không bị thấm nước. Tuy nhiên, quan sát tại hiện trường trên mặt cầu Thăng Long lại thấy lớp nhựa bề mặt bị rỗng và bị ảnh hưởng của nước rất nhiều.

Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn tới sự cố trên?

Mặt cầu Thăng Long bị nứt theo dạng Parabol, điều đó phản ánh độ dính bám không tốt, bị mất mát sự dính bám nên dẫn đến trượt nhựa.

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố trên. Thứ nhất, do khi thi công lớp nhựa nóng làm cho mặt bản thép phía trên nở ra, đến khi lớp nhựa đã nguội thì bản thép co lại và bị nén. Thứ hai, độ rung trên bề mặt thép cũ, điều này là bình thường khi hàng ngày lượng xe lưu thông dồn trọng tải quá lớn xuống mặt cầu Thăng Long.

Hiện tại, phần mặt cầu bị nứt nhiều nhất tập trung ở một liên đoạn, những vết nứt này lại xảy ra ở mẻ thi công cuối cùng, đây là điều khá lạ lùng bởi về kinh nghiệm thi công thì càng về sau chất lượng thi công càng phải tốt hơn chứ không thể dở hơn được…

Để biết nguyên nhân cụ thể thì cần cắt lấy mẫu bề mặt cầu để kiểm tra, nếu bị mất mát dính bám giữa 2 lớp bê tông thì hoàn toàn là do khâu thi công không tốt.
Vật liệu SMA chuẩn có độ rỗng rất thấp và gặp nước cũng không có vấn đề gì
nhưng nay phải xẻ rãnh trênh mặt cầu để thoát nước...

Dưới góc độ của một chuyên gia, bà đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự cố này?

Vật liệu SMA đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng cho mặt cầu thép và đã được nhiều nước sử dụng đạt kết quả tốt nhưng là lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. Có một điều tôi băn khoăn là, với điều kiện khí hậu và môi trường khác biệt như ở Việt Nam nhưng trước khi đưa vào thi công dự án sửa chữa cầu Thăng Long SMA không hề được thi công thử nghiệm.

Chưa hết, với đặc điểm, vị trí như cầu Thăng Long mà vừa thi công vừa cho ô tô chạy khiến độ rung của cầu càng lớn, làm biến dạng mặt cầu thép và lớp bê tông nhựa sẽ không chịu được lực dẫn tới bong ra và gây trượt.

Tôi lo ngại các vết nứt sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa ở làn đường bên phải (chiều từ cao tốc Nội Bài về trung tâm Hà Nội), vì lượng xe lưu thông nhiều hơn và sẽ gây nhiều áp lực hơn cho mặt cầu.
Trám, vá cục bộ như hiện nay là các khắc phục không hiệu quả

Theo bà việc trám, vá những viết nứt như hiện nay có hiệu quả? Bà có mách nước gì về cách khắc phục sự cố này?

Việc trám, vá theo kiểu nứt chỗ nào gắn chỗ đó như hiện nay hoàn toàn không hợp lý cả về chất lượng và mỹ quan, cách sửa chữa này chỉ có thể thực hiện khi đó là những vết nứt dọc, nứt ngang. Còn hiện tại mặt cầu Thăng Long đang bị nứt dưới dạng Parabol nên cách tốt nhất là cắt bóc thành miếng lớn và trải nhựa lại.

Ông Nguyễn Năng Thể (Phó Tổng Giám đốc PMU2):

Được biết, mặt cầu Thăng Long đã được thảm lại bằng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Anh Quốc. Tuy nhiên, môi trường thời tiết ở Việt Nam khác với môi trường thời tiết của nước Anh. Liệu yếu tố thời tiết có liên quan đến sự cố?

Toàn bộ nguồn nguyên liệu thảm mặt cầu đều nhập khẩu từ nước Anh. Trước khi nhập, chúng tôi cũng đã họp bàn, tính toán rất kỹ đồng thời còn cho tiến hành thử nghiệp. Sau đó Bộ GTVT mới quyết định sử dụng công nghệ này. Tính năng, tính chất của nguồn nguyên liệu đều qua các khâu kiểm tra chặt chẽ để xem có đảm bảo đúng là nguồn nguyên liệu chúng ta đã cam kết nhập. Về yếu tố thời tiết có tác động không thì đây là nguồn nguyên liệu do Bộ chọn, đơn vị tôi có được chọn đâu.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới sự cố?

Hiện chúng tôi chưa thể khẳng định đâu là nguyên nhân cụ thể. Sự cố trên có thể do một mẻ trộn bê tông nào đó không đúng kỹ thuật. Trước mắt, nhà thầu sẽ phải tiến hành sửa chữa sự cố để đảm bảo yêu cầu lưu thông cho các phương tiện.

Dự kiến ban đầu là sửa chữa trong vòng 3 tháng, nhưng thực tế chỉ mất 2 tháng để hoàn tất việc thảm lại mặt cầu, dư luận cho rằng đã có việc “chạy” tiến độ dẫn đến chất lượng không đảm bảo?

Chúng tôi đã thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt, chỉ tăng tiến độ trong khâu cào bóc Lamo. Hiện nay, chuyên gia của Viện Khoa học Công nghệ đã tiến hành khoan cắt lấy mẫu về nghiên cứu để cho kết quả cụ thể vào những ngày sắp tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)

source

http://dantri.com.vn/c20/s20-385930/cau-nut-sau-2-thang-su-dung-la-bat-thuong.htm

Thứ Bẩy, 20/03/2010 - 00:10

Nứt mặt cầu Thăng Long sau 3 tháng thông xe

(Dân trí) - Đầu tư tới 97 tỷ đồng cho việc sửa chữa, nhưng sau 3 tháng thông xe trở lại, trên mặt cầu Thăng Long, Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, loang lổ và bị lõm xuống.
>> Cầu Thăng Long chính thức thông xe trở lại
>> Sửa chữa cầu Thăng Long, cấm nhiều loại xe

Theo ghi nhận của PV Dân trí, nếu ngồi trên ô tô nhìn xuống thì khó nhận ra hiện tượng mặt cầu bị nứt, nhưng khi đi bộ thì việc kiểm đếm số lượng vết nứt rất dễ dàng.

Mục sở thị trên cầu Thăng Long cho thấy: có khoảng hơn 10 vết nứt trên mặt cầu mới sửa chữa, nhiều vết trung bình dài hơn 1m, rộng 4-5cm. Đặc biệt có vết dài 2m, sâu hơn 5 - 7cm để lộ ra lớp bê tông thứ 2 trên mặt cầu.

Vết nứt nghiêm trọng trên mặt cầu Thăng Long mới sửa chữa

Vết nứt xuất hiện trên bề mặt cầu ở cả 2 làn xe, cụ thể: làn từ Hà Nội đi Nội Bài có 1 vết nứt, ở chiều ngược lại (tức từ cao tốc Nội Bài về Hà Nội) có đến gần chục vết nứt lớn, vết nứt dày đặc.

Nghiêm trọng hơn, có nhiều đoạn xuất hiện 3 vết dài liên tiếp cách nhau chỉ từ 2 - 3m. Khi quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhìn thấy cạnh đó có nhiều vết rạn kiểu chân chim và có thể lan ra thành vết nứt. Ở sát 2 bên lan can cầu có những vết xẻ mặt cầu để tạo rãnh thoát nước.

Ngoài ra, có một số vết nứt đã được đơn vị thi công trám lại làm lộ ra lớp “áo” mới hơn so với mặt đường được thảm xong cách đây 3 tháng khiến mặt đường loang lổ và mặt đường bị lõm xuống.
Vết nứt xuất hiện liền kề nhau (Trong ảnh: những vết nứt được đánh dấu giấy)

Theo nguồn tin của Dân trí, trong những ngày gần đây, vào ban đêm, trên một vài đoạn mặt cầu Thăng Long làn đường từ cao tốc Nội Bài về Hà Nội bị ngăn lại, đặt biển báo và chướng ngại vật để thi công sửa chữa.

Trả lời báo chí về sự việc này, đại diện chủ đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long là Ban Quản lý dự án 2 (PMU2, thuộc Tổng Cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải) và lãnh đạo của nhà thầu, đơn vị thi công đã xác nhận có hiện tượng nứt trên mặt cầu Thăng Long từ hơn một tháng trước và hiện nay nhà thầu đang tiến hành sửa chữa, đồng thời giao cho đơn vị thiết kế là Viện Khoa học Công nghệ GTVT tìm hiểu nguyên nhân.
Mặt cầu loang lổ do sửa chữa những vết nứt

Ông Nguyễn Năng Thể (Phó Tổng Giám đốc PMU2) cho biết: “Mặt cầu Thăng Long mới sửa chữa vẫn trong thời gian bảo hành nên chúng tôi đã giao nhà thầu xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là những vết nứt cục bộ và hiện tại không ảnh hưởng đến an toàn lưu thông xe trên cầu, nhưng về lâu về dài thì chưa thể khẳng định khả năng ảnh hưởng đến chất lượng của cầu là như thế nào”.

Trên thực tế, dù các vết nứt này chưa ảnh hưởng đến khả năng lưu thông xe trên cầu nhưng cũng khiến dư luận rất quan tâm bởi dự án sửa chữa cầu Thăng Long mới chỉ hoàn thành cách nay tròn 3 tháng với tổng mức vốn đầu tư lên tới 97 tỷ đồng.

Châu Như Quỳnh

source

http://dantri.com.vn/c20/s20-385483/nut-mat-cau-thang-long-sau-3-thang-thong-xe.htm


No comments:

Post a Comment