Sunday, 20 November 2011

Xô xát ở Keangnam, một cư dân nhập viện



21h ngày 18/11, một vụ được cho là xô xát diễn ra tại tòa nhà cao nhất Việt Nam, Keangnam Landmark Tower khiến anh Trần Thanh Hiền, một cư dân tại đây nhập viện. Sự việc đang được cơ quan công an điều tra.
>Tòa nhà cao nhất Việt Nam lại gặp rắc rối
>Cư dân Keangnam và chủ đầu tư tiếp tục đối đầu
>'Keangnam thu phí cao để hạn chế người ngoài vào gửi xe'

Theo lời chị Phương, một nhân chứng kể lại, anh Hiền đã phản ứng khi thấy một nhóm người dựng rạp ở trên tầng 5 của tòa nhà nên bị 4 người đàn ông đánh bị thương.

Chị Phương kể, phần lớn những người có mặt là phụ nữ và trẻ em nên mặc dù ra cố hết sức cũng không ngăn cản được. Anh Hiền phải vào viện do bị chấn thương.

Người dân Keangnam phản đối Ban quản lý. Ảnh: Hoàng Lan.

Nhiều cư dân Keangnam cho rằng, ban quản lý tòa nhà cao nhất Việt Nam đã không bảo vệ được người dân sống ở đây. Khi sự việc xảy ra, một số người đã ấn chuông báo động của tòa nhà nhưng nhân viên bảo vệ không tới. Theo chị Mai, đại diện cư dân, Keangnam là tòa nhà hiện đại bậc nhất, ra vào phải có thẻ. "Việc một vụ xô xát xảy ra ở chính tòa nhà khiến cư dân Keangnam bị nhập viện cho thấy ban quản lý đã không làm tròn nghĩa vụ", chị Mai nói.

Trong khi đó, ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Mai Linh, đơn vị thuê mặt bằng tầng 5 dựng rạp làm lễ khai trương nhà mẫu khu Golden Palace cho hay, công ty ông đã có văn bản, thư ngỏ rất nhiều lần xin được thuê sử dụng tầng 5 làm lễ khai trương nhà mẫu và đã được đại diện ban quản lý, tổ dân phố chấp thuận.

Chiều hôm xảy ra vụ anh Hiền bị thương, ông nghe thông tin có người phản đối, đập phá bàn ghế việc dựng sân khấu của Mai Linh.

"Khi lên đến nơi, tôi thấy bàn ghế đã bị đổ. Tôi vỗ vai anh Hiền và bảo đừng làm thế, đây không phải chỗ anh đập phá thì anh Hiền to tiếng", ông Khoa nói. Ông này cho rằng, do có sự giằng co nhau, anh Hiền "bị ngã dẫn đến chấn thương".

Đại diện Mai Linh cũng cho hay, sự kiện khai trương căn hộ mẫu được công ty dốc sức chuẩn bị trong một năm qua tiêu tốn nhiều tiền của nên khi "thấy có người phản ứng thì Công ty Mai Linh không tránh khỏi bức xúc".

"Cơ quan luật pháp sẽ làm sáng tỏ", ông Khoa phân trần.

Anh Hiền bị thương phải vào viện. Ảnh: NVCC
Anh Hiền bị thương phải vào viện. Ảnh: NVCC

Trao đổi với VnExpress.net, một cảnh sát khu vực đội 1, huyện Từ Liêm cho hay, công an huyện đang điều tra xác minh chưa có kết luận.

Hiện Ban quản lý tòa nhà Keangnam cũng chưa có ý kiến chính thức về vụ việc này.

Khoảng 9h sáng hôm qua, hàng chục cư dân Keangnam đã tụ tập tại tòa tháp A để phản đối chủ đầu tư đã cho phép Công ty cổ phần đầu tư Mai Linh sử dụng khu sân bóng rổ tầng 5 để dựng backdrop, sân khấu làm lễ khai trương nhà mẫu khu Golden Palace. Theo những cư dân này, tầng 5 là sở hữu chung, nếu không được sự đồng ý người dân Keangnam, chủ đầu tư không được phép cho công ty khác thuê.

Trước đó, vào dịp Trung thu, người dân ở đây đề nghị Ban quản lý cho sử dụng sân chơi này làm nơi tổ chức Trung thu nhưng đã không được chấp thuận.

Với chiều cao thiết kế 70 tầng và tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ USD, khi hoàn thiện, Keangnam là tòa nhà cao nhất Việt Nam, vượt qua cả tháp Bitexco Financial Towers trong TP HCM. Keangnam cũng từng thu hút sự chú ý của dư luận khi bị thách cược 100 tỷ đồng về tiến độ thi công vào năm 2008. Hồi tháng 6, cư dân Keangnam tố chủ đầu tư thu phí khủng, sau gần nửa năm trời thương thảo, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Hoàng Lan

source

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/bat-dong-san/2011/11/xo-xat-o-keangnam-mot-cu-dan-nhap-vien/

Tòa nhà cao nhất Việt Nam lại gặp rắc rối

Chưa tìm được tiếng nói chung về mức phí, cư dân sống tại tòa nhà cao nhất Việt Nam (Keangnam, Hà Nội) lại có thêm bất đồng với chủ đầu tư dự án vì đơn vị này tự ý sử dụng diện tích chung của tòa nhà để kinh doanh.
> Cư dân Keangnam và chủ đầu tư tiếp tục đối đầu
> Họp mặt chung cư trên diễn đàn
> Keangnam nhượng bộ cư dân

Sáng 19/11, hàng chục cư dân sống tại tòa nhà cao nhất Việt Nam đã tụ tập phản đối chủ đầu tư sử dụng diện tích chung trên tầng 5, vốn là sân chơi của trẻ em.

Khoảng 9h sáng, hàng chục cư dân Keangnam đã tụ tập tại tòa tháp A để phản đối chủ đầu tư đã cho phép Công ty cổ phần đầu tư Mai Linh sử dụng khu sân bóng rổ tầng 5 để dựng backdrop, sân khấu làm lễ khai trương nhà mẫu khu Golden Palace. Theo những cư dân này, tầng 5 là sở hữu chung, nếu không được sự đồng ý người dân Keangnam, chủ đầu tư không được phép cho thuê.
Biểu ngữ "Chúng tôi phản đối mọi hình thức áp đặt"...


Không chỉ dán trên mui xe, biểu ngữ phản đối chủ đầu tư còn dán được dán ngay trên tường. Sau khi xô xát xảy ra vào tối 18/11, trong biên bản làm việc, đại diện Công ty Mai Linh và Chesnut, đơn vị quản lý tòa nhà đã xin lỗi cư dân về việc chưa có sự đồng ý của người dân mà vẫn dựng backdrop và sân khấu để tổ chức lễ khai trương.
Biểu ngữ "Phản đối Keangnam sử dụng sân chơi trẻ em làm nơi kinh doanh" dán ngay trước lối ra vào của tháp A. Đại diện cư dân cho biết, họ đang tính đến phương án thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi của mình.
Đến tầm trưa, cư dân vẫn kiên trì phản đối chủ đầu tư. Một khách hàng cho hay, anh đã mua căn hộ ở Keangnam với giá 2.900 USD mỗi m2. Số tiền bỏ ra lớn nhưng nhìn chung khách hàng không hài lòng với chủ đầu tư. Trước đó, cư dân Keangnam và chủ đầu tư đã đối đầu về phí dịch vụ.
Lần lượt từng ôtô được cư dân đưa ra khỏi hầm để phản đối chủ đầu tư.
Chỉ chưa đây một tiếng sau, sảnh tòa nhà đã chật kín xe... Người dân cho rằng, chủ đầu tư tự ý sử dùng diện tích chung là thiếu tôn trọng khách hàng.
Trong khi đó, tòa tháp B của công trình Keangnam bị bảo vệ chặn không cho người dân vào. Khu vực đường Phạm Hùng, nhiều người dân hiếu kỳ dừng lại xem.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, công an khu vực đã có mặt để bảo đảm an ninh, tránh xảy ra xô xát giữa hai bên.

Hoàng Lan

source

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/bat-dong-san/2011/11/toa-nha-cao-nhat-viet-nam-lai-gap-rac-roi-1/

Tuesday, 15 November 2011

Thị trường BĐS Trung Quốc bắt đầu đổ vỡ?




(VEF.VN) - Không nghi ngờ gì nữa, thị trường BĐS Trung Quốc đã bắt đầu sa chân vào một chu kỳ suy thoái, nếu không muốn nói là đổ vỡ. Rất có thể, số phận của thị trường BĐS Hà Nội cũng chịu chung số phận như vậy trong ít ra 2-3 năm tới.

Những dấu hiệu giảm mạnh

Tháng 10/2011 cần được xem là thời điểm của những hệ lụy được tích tụ từ nhiều tháng trước đó. Tại các thành phố Thượng Hải, Quảng Châu, mặt bằng giá nhà đất đã giảm về mức thấp hơn mức đầu năm nay. So với tháng 9/2011, giá nhà đất tháng 10/2011 giảm 0,23%, mạnh hơn nhiều so với mức giảm 0,03% của tháng 9 so với tháng 8 cũng trong năm nay. Lượng nhà tồn kho hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều năm.

Nhưng những địa phương trên chỉ là minh họa tiêu biểu, trong khi còn nhiều địa phương khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Theo khá nhiều tin tức được phản ánh trong thời gian gần đây, một nhóm công ty BĐS lớn nhất đang hạ mạnh giá bán nhà tại Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến. Xu thế này còn lan sang cả nhóm thành phố cấp 2 và cấp 3 như Hàng Châu, Hợp Phì và Trùng Khánh.

Tại Trùng Khánh, công ty BĐS Hutchison Whampoa của Hồng Kông hạ giá tới 32% đối với dự án Cape Coral. Ông Alan Chiang Sheung-lai thuộc công ty BĐS DTZ nhận định với South China Morning Post: "Cuộc chiến giá cả giữa các công ty BĐS đã bắt đầu".

Công ty BĐS Excellence Group thậm chí còn cho biết đang bán căn hộ ở thành phố Huệ Châu chỉ ngang giá thành. Hiện tượng chủ đầu tư BĐS Trung Quốc bán căn hộ ngang giá thành lại không khác mấy hiện tượng "Ngày hội nhà giá gốc" gây tranh cãi và nghi ngờ từ người tiêu dùng đã diễn ra ở Hà Nội cách đây không lâu.

Đã xuất hiện những đánh giá về việc giá BĐS tại Trung Quốc đang trong trạng thái "rơi tự do" bởi các công ty BĐS cố gắng hoàn thành mục tiêu doanh thu của năm 2011 trong bối cảnh thị trường đi xuống mạnh.

Chuyên gia Oscar Choi thuộc Citigroup tin rằng giá BĐS có thể giảm thêm 10% trong năm 2012, thế nhưng ước tính này còn chưa hoàn toàn đầy đủ. Ngay cả nhiều chuyên gia BĐS thuộc nhà nước còn bi quan hơn. Chuyên gia Cao Jianhai thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc dự báo giá BĐS tại Trung Quốc có thể giảm cao nhất tới 50% nếu chính phủ tiếp tục các biện pháp hạ nhiệt.

Tháng 10/2011: Thời điểm bắt đầu "hạ cánh nặng nề"

Trong bài phân tích "BĐS Trung Quốc: Hạ cánh nặng nề" đăng trên VEF.VN ngày 27/6/2011, căn cứ vào những gì mà thị trường này đã lộ dần ra, chúng tôi nêu giả thuyết về thời điểm mà bong bóng BĐS của quốc gia này bắt đầu vỡ là quý IV/2011, cụ thể là từ tháng 10/2011 trở đi. Một trong những cơ sở quan trọng cho giả thuyết này là diễn biến vận động của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Trong thực tế, diễn biến phục hồi và tạo vùng đỉnh của thị trường BĐS Trung Quốc không khác mấy với dạng đồ thị của thị trường chứng khoán (TTCK). Trong quá khứ, thị trường BĐS Trung Quốc phục hồi chậm hơn TTCK khoảng 6 tháng, bắt đầu vào gần giữa năm 2009. Một điểm trùng hợp cần tham khảo: đây cũng là khoảng thời gian mà thị trường chứng khoán Việt Nam và sau đó thị trường BĐS Hà Nội phục hồi, tuy tại Việt Nam độ trễ giữa hai thị trường này chỉ khoảng 3 tháng.

Tại Trung Quốc, tỷ lệ phục hồi sau khủng hoảng của TTCK và thị trường BĐS là gần như nhau. TTCK Trung Quốc đạt đỉnh phục hồi vào tháng 8/2009, sau đó giảm khoảng 32% rồi tăng trở lại theo sóng hình sin. Trong thời gian đó, thị trường BĐS vẫn liên tục tăng cho đến cuối năm 2010.

Vào tháng 6/2011, chúng tôi cũng nêu ra một diễn giải là từ đầu năm đến giữa 2011, vùng đỉnh của giá nhà đất Trung Quốc đã kéo dài 6 tháng. Vào tháng 4/2011, TTCK Thượng Hải lại một lần nữa đổ dốc và kéo dài cho đến giờ. Đáng chú ý, đồ thị đổ dốc của thị trường này có những đoạn lao dốc mạnh, cho thấy dòng tiền nóng đã được rút ra hẳn từ trước đó và niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường khoán bị lung lay mạnh. Mặt khác, đã xuất hiện khá nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng TTCK Trung Quốc có thể bắt đầu một thời kỳ suy giảm kéo dài, thậm chí có thể tái hiện lại giai đoạn suy giảm 4 năm như 2001-2005.

Nếu suy giảm là xu thế của TTCK Trung Quốc, bằng vào mối quan hệ hữu cơ giữa TTCK và thị trường BĐS của quốc gia này vào các giai đoạn 2005- 2007 và 2009-2010, chúng ta có thể nêu ra một giả thuyết khác về sự trễ pha của thị trường BĐS so với TTCK Trung Quốc: nếu lấy tháng 4/2011 là thời điểm thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu chu kỳ giảm dài hạn thì độ lệch pha của thị trường BĐS sẽ là 6 tháng sau, tức vào tháng 10/2011. Từ thời điểm này, thị trường BĐS Trung Quốc sẽ có thể chính thức chia tay với vùng đỉnh bằng những dao động giảm mạnh hơn hẳn.

Thực tế là tháng 10/2011 đã bắt đầu cú đổ dốc của thị trường BĐS Trung Quốc.

Số phận của thị trường BĐS Hà Nội sẽ ra sao?

Có một mối liên quan nhất định giữa vận động của thị trường BĐS Hà Nội với thị trường BĐS Trung Quốc, cũng như tình trạng bong bóng BĐS của hai thị trường này.

Cũng như Việt Nam, BĐS Trung Quốc đã có những bước tăng trưởng quá mạnh mẽ từ năm 2005 đến nay. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, một chi tiết đáng chú ý là thị trường BĐS Trung Quốc phục hồi vào quý 2/2009, cùng thời gian với thị trường BĐS Hà Nội. Kể từ đó, giá nhà đất liên tục tăng trên 70 thành phố của quốc gia này. Tuy nhiên vào thời gian đó tại Trung Quốc duy trì chính sách lãi suất thấp nên nguồn tiền đổ vào BĐS rất lớn.

Trong năm 2009, thị trường BĐS Hà Nội phục hồi trong thế khó khăn hơn nhiều so với bối cảnh cùng thời gian ở Trung Quốc. Cho tới quý 4/2009, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam vẫn khá cao, trong khi nguồn cung tín dụng BĐS gần như bằng không. Tuy vậy, thị trường BĐS Hà Nội vẫn làm được điều mà thị trường nhà đất Trung Quốc làm: mặt bằng giá đất nền tăng từ 2,5-3 lần. Với đợt tăng này, thị trường BĐS Hà Nội đã hoàn thành đợt tăng trưởng lớn thứ tư trong gần hai mươi năm nay (tính từ thời điểm năm 1993 khi diễn ra cơn sốt BĐS đầu tiên sau thời mở cửa).

Bong bóng BĐS Trung Quốc cũng là một khái niệm không xa cách với điều gần giống như vậy tại Hà Nội. 75% số người được hỏi đang cho rằng giá nhà đất Trung Quốc hiện vẫn quá cao so với mức thu nhập trung bình của người dân. Còn ở Hà Nội, tỷ lệ bức xúc đó lên đến hơn 80%. Tỷ lệ này hoàn toàn có thể được cảm thông theo cái nghĩa chỉ có khoảng 5% số người giàu và 10% khác có mức thu nhập khá là không có gì phàn nàn về việc chỉ số giá nhà đất/thu nhập bình quân của Việt Nam đang cao gấp 6 lần so với mức chuẩn mà Liên hiệp quốc đưa ra (25 so với 4).

Sự trùng hợp về hiện tượng trong thị trường BĐS giữa Trung Quốc và Hà Nội cũng diễn ra một cách đáng ngạc nhiên, kể cả về thời điểm. Trong khi vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2011, tại Hà Nội đã xảy ra làn sóng vỡ tín dụng đen BĐS đến hàng ngàn tỷ đồng; thì ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc cũng xảy ra đợt vỡ nợ tín dụng đen rất lớn, xuất phát từ số tiền 177 tỷ nhân dân tệ cho vay trước đó cho riêng ngành địa ốc. Ít nhất vài chủ doanh nghiệp đã phải tìm đến cái chết để thoát nợ.

Cũng vào tháng 10/2011, trong khi một số chủ đầu tư ở Trung Quốc phải giảm mạnh giá bán căn hộ thì tình trạng đó cũng phát sinh ở Việt Nam.

Hiện thời, tình hình của thị trường BĐS Trung Quốc là rất bế tắc. Giá tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao. Tuy nhiên, điều nan giải nhất vẫn là vấn đề thanh khoản quá khó, trong khi những khoản nợ đến hạn phải thanh toán cho ngân hàng vẫn liên tiếp xuất hiện. Lý do chính mà các doanh nghiệp BĐS chưa lao vào một chiến dịch bán tháo thật sự là còn trông chờ động thái hỗ trợ từ chính phủ. Thế nhưng, với những tuyên bố gần đây của thủ tướng Ôn Gia Bảo về hạn chế đà tăng của giá nhà, khả năng các ngân hàng sẽ quyết liệt thu hồi nợ từ khối công ty BĐS là rất lớn. Và động thái như thế càng làm cho giá nhà đất phải tuột mạnh.

Không khác mấy với Trung Quốc, thị trường BĐS Hà Nội cũng nằm trong tình trạng thật khó xử. Tương lai phía trước vẫn còn mờ mịt. Rất có thể, số phận của thị trường BĐS Hà Nội cũng chịu chung số phận như thị trường BĐS Trung Quốc trong ít ra 2-3 năm tới.

source

http://vef.vn/2011-11-14-thi-truong-bds-trung-quoc-bat-dau-do-vo-

Kiểm tra hàng loạt dự án BĐS nợ tiền đất



(VEF.VN) - Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, trước bối cảnh các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên địa bàn Hà Nội đang nợ tiền sử dụng đất rất lớn, ngành này đã lập 3 đoàn kiểm tra làm rõ nguyên nhân chậm nộp.

Ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho rằng vấn đề chậm nộp thuế của doanh nghiệp nói chính xác đó là sự chưa tuân thủ pháp luật, song cũng không thể cứng nhắc mà phải xem xét làm rõ nguyên nhân khó khăn của vấn đề.

Nếu doanh nghiệp chây ỳ thì sẽ có giải pháp đôn đốc, bởi theo Luật Quản lý thuế hiện nay, chúng ta đã có 7 biện pháp cưỡng chế. Tiền sử dụng đất cũng được quản lý theo ngân sách vì vậy cũng sẽ được thực hiện theo Luật Quản lý thuế.

Vấn đề thu tiền sử dụng đất bao gồm 2 loại là đất đấu thầu, đấu giá và Nhà nước giao đất. Khi doanh nghiệp đã đưa ra phương án kinh doanh nghĩa là đã phải có phương án nộp tiền sử dụng đất. Đối với loại đất do Nhà nước giao, đa số giá đất bằng giá công bố.

Theo ông Tuấn, hiện nay giá đất giao dịch trên thị trường đã giảm. Do khó khăn chung của nền kinh tế, các dự án BĐS trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu bán hàng, vì vậy việc thực hiện nghĩa vụ thuế cũng phụ thuộc nhiều yếu tố.

"Chúng tôi đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra để nắm bắt tình hình từng dự án để đôn đốc. Nếu có khó khăn gì thì sẽ báo cáo lên trên xử lý" - ông Tuấn cho hay.

Ông Phạm Đình Thi - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm, vấn đề trốn thuế không phải chuyện lạ bởi, từ khi luật thuế ban hành, nhiều đối tượng trốn thuế với... 1.001 lý do.

Luật thuế là chính sách lớn, trong thời gian qua cũng đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều cho phù hợp thực tế. Tương tự, với vấn đề nợ tiền sử dụng đất của doanh nghiệp cũng có rất nhiều lý do.

Ông Thi chia sẻ câu chuyện, một doanh nghiệp BĐS có phàn nàn rằng, ngành thuế lúc nào cũng chỉ nghĩ doanh nghiệp BĐS lúc nào cũng sinh lời. Nhưng trong kinh doanh có rất nhiều rủi ro, thua lỗ. Nhất là lúc thị trường ảm đạm như hiện nay chỉ "ngồi yên" đã là tốt lắm rồi.

Một doanh nghiệp BĐS có 2.000 tỷ đồng vốn tự có, phải vay thêm 2.000 tỷ nữa để đầu tư nhưng hiện nay giá đất giảm xuống 40%. Như vậy doanh nghiệp đó đã mất 1.600 tỷ - nghĩa là mất hết.

Đến năm thứ 2, cộng với thuế suất hơn 20% thì doanh nghiệp đó đang bị âm mấy trăm tỷ đồng. Như vậy chỉ trong 10-15 năm kinh doanh BĐS, doanh nghiệp đã bị quét sạch tiền. Vì thế, theo ông Thi, ngành thuế cũng phải xem xét cặn kẽ vấn đề để có phương án xử lý phù hợp.

Trước đó, báo cáo của nhiều Chi cục Thuế các quận huyện của Hà Nội cho thấy, số nợ tiền sử dụng đất và tiền phạt nộp chậm của các doanh nghiệp đầu tư BĐS trên địa bàn hiện lên tới cả ngàn tỷ đồng. Trong đó, chỉ mặt nhiều tập đoàn, công ty BĐS và dự án tên tuổi gắn liền với những khoản nợ đến vài trăm tỷ đồng.

source

http://vef.vn/2011-11-16-trang-page-2