Sunday, 23 September 2012

Trà My động đất lớn nhất từ trước đến nay



Xã hội

Trà My động đất lớn nhất từ trước đến nay

- Lúc 10h57' và 11h5p trưa nay (23/9), đã liên tiếp xảy ra 2 trận động đất với cường độ mạnh khiến mặt đất chao đảo, hàng nghìn người dân các huyện Nam - Bắc Trà My và vùng lân cận hoảng loạn. Khoảng 150 người đang dự tiếp xúc cử tri tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 2 cũng bỏ chạy tán loạn.
Trao đổi với P.V VietNamNet từ Trà Đốc, ông Hồ Ngọc Quí, Bí thư đảng bộ xã, kiêm Chủ tịch HĐND xã cho biết, cuộc tiếp xúc cử tri HĐND xã sáng nay bà con chỉ đề cập đến việc hoang mang lo lắng của hiện tượng mặt đất chao đảo, lòng đất phát nổ khiến nhà cửa hư hỏng.

Khi ý kiến các cử tri vừa dứt thì mặt đất chao đảo kèm theo đó là những tiếng nổ đì đùng phát ra từ lòng đất khiến hơn 150 cử tri tại đó bỏ chạy tán loạn. Cuộc tiếp xúc cử tri sau đó buộc phải giải tán - ông Quí nói.

Bà con thôn 2 Trà Đốc đang tiếp xúc cử tri bỏ chạy tán loạn khi động đát xảy ra trưa nay (Ảnh: Nguyễn Thành)

Ông Lê Văn Tuấn, Chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, đang đi kiểm tra thiệt hại động đất ở vùng tâm chấn Trà Đốc, Trà Bui và Trà Tân cho biết: “Trận động đất kinh hoàng vào lúc 10h57 và 11h5p trưa hôm nay (23/9), là trận động đất cực mạnh, lớn gấp nhiều lần trận động đất xảy ra rạng sáng ngày 3/9".
Các thiết bị quan trắc đã đo được trận động đất này là 4,8 richter và là trận động đất có dư chấn lớn nhất từ trước đến từ nay xảy ra trên địa bàn. 
Ông Lê Văn Tuấn nói thêm: “Trận động đất rất lớn kèm theo tiếng nổ long trời lở đất. Rung chấn rất mạnh kéo dài khoảng 6 giây. Người dân thị trấn Trà My vô cùng hoảng sợ, ùa chạy hết ra đường. Đây có lẽ là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay”.
Người dân tại Trà My lo lắng khi liên tiếp xảy ra động đất.
 
Cũng theo ông Tuấn, các xã sát cạnh hồ thủy điện như Trà Đốc, Trà Bui, Trà Tân, lãnh đạo xã đều cấp báo về trận động đất cực lớn này.
Trận động đất lớn khiến dư chấn lan xa và mạnh đến cả các huyện lân cận như Nam Trà My, Hiệp Đức. Người dân huyện Hiệp Đức cho biết: “Trận động đất này mạnh nhất từ trước đến nay. Nhà cửa ở đây cũng rung lắc rất mạnh”.
Tường nhà bà Hồ Thị Lan ở thôn 3 Trà Đốc bị nứt sau trận động đất.
Ghi nhận ban đầu, trận động đất mạnh vào trưa hôm nay gây thiệt hại đáng kể. Hàng trăm nhà dân bị nứt tường. Kiểm tra tại điểm trường thôn 2 Trà Đốc, bức tường bị nứt chạy dài khoảng 5 m. Nhiều nhà dân bị nứt dọc theo tường hoặc nứt trụ.
Ngay trong buổi chiều hôm nay (23/9), UBND huyện Nam Trà My đã hủy bỏ các cuộc họp, cử cán bộ tỏa về các địa bàn dân cư ở Trà Đốc, Trà Tân, Trà Bui, thị trấn Trà My và các xã lân cận để kiểm tra thiệt hại.
Theo ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, hai trận động đất vào trưa nay khiến cho người dân càng trở nên lo lắng hơn. Bởi động đất ngày càng gia tăng và với cường độ rung chấn ngày càng lớn và dồn dập.
Lo sợ động đất nhiều người dân vào rừng làm nhà tạm để sống.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, tính từ đêm 22 đến trưa ngày 23/9, tại địa phương đã xảy ra liên tiếp 7 trận động đất.
Trước đó 8 tiếng đồng hồ, vào khoảng 3h20' cùng ngày, tại đây cũng đã xảy ra trận động đất mạnh khi người dân còn đang ngủ. Nhiều người dân hoảng loạn khi nghe tiếng nổ phát ra từ lòng đất và mặt đất rung lắc nên kéo nhau chạy ra khỏi nhà.
Thống kê của UBND huyện Bắc Trà My, chỉ tính riêng từ ngày 3/9 đến nay, mặc dù hồ thủy điện Sông Tranh 2 chưa tích nước nhưng tại khu vực này đã xảy ra tổng cộng hơn 21 trận rung chấn lớn nhỏ.
Vũ Trung


SOURCE
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/89653/tra-my-dong-dat-lon-nhat-tu-truoc-den-nay.html

Tuesday, 8 May 2012

Cột khói bao trùm đỉnh tòa nhà cao nhất Việt Nam


Cột khói bao trùm đỉnh tòa nhà cao nhất Việt Nam

(VOV) - Đêm 7/5, đã xảy ra cháy tại tòa nhà Keangnam Landmark Tower 70 tầng, trên đường Phạm Hùng, thành phố Hà Nội.
Khoảng 23h đêm, người dân đi qua đường Phạm Hùng nhìn thấy những cột khói đang bốc lên cuồn cuộn từ tầng 65. Khoảng 15 phút sau, 3 xe cứu hỏa cùng với xe thang được điều đến hiện trường. Tuy nhiên, xe thang không thể tiếp cận tầng 65 nên đã quay về.

Hình ảnh khói bốc cao trên nóc tòa nhà
Bảo vệ tòa nhà không cho báo chí tiếp cận khu vực xảy ra khói. Nhiều người dân, lái xe taxi tập trung dưới đường bàn tán.
Đến 24h, khói vẫn bốc lên, tuy nhiên đã giảm cường độ. Nguyên nhân vụ việc chưa được công bố.
Trong thời gian xây dựng, công trường Keangnam đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn và nhiều vụ tai nạn lao động làm ít nhất 6 người chết./.
Theo VNE
source
http://vov.vn/Home/Cot-khoi-bao-trum-dinh-toa-nha-cao-nhat-Viet-Nam/20125/208695.vov 

Tuesday, 3 April 2012

Thủy điện Sông Tranh 2: xả nước tối đa khắc phục


Thứ Hai, 02/04/2012, 08:21 (GMT+7)

Thủy điện Sông Tranh 2: xả nước tối đa khắc phục

TT - Ngày 1-4, đoàn công tác gồm nhiều chuyên gia của Bộ Công thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng dẫn đầu có buổi thị sát tại đường hầm trong bờ đập của thủy điện Sông Tranh 2.

>> Khẩn trương khắc phục thấm nước ở thủy điện Sông Tranh 2 >> Phải đặt an toàn của dân trên hết
>> Đề nghị tổng kiểm tra thủy điện Sông Tranh 2

Công nhân khắc phục sự cố ở đập thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: Tấn Vũ

Tham dự đoàn công tác còn có Cục trưởng Cục Kiểm định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Lê Quang Hùng, đặc phái viên của Chính phủ về năng lượng điện Thái Phụng Nê cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và chính quyền huyện Bắc Trà My.

Cũng như các buổi khảo sát trước, báo chí không được tham dự và mọi con đường vào khu vực này đều bị khóa kín. Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết sau hơn một giờ khảo sát các đường hầm chính trong thân đập bị rò rỉ nước, đoàn công tác có cuộc họp kín tại nhà điều hành của Ban quản lý dự án thủy điện 3.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đưa ra nhiều phương án khắc phục sự cố rò rỉ nước tại bờ đập thủy điện này, đặc biệt là trong các đường hầm. Phương án ưu tiên là khắc phục phần thấm nước gây hiện tượng rò rỉ nước ở phía thượng lưu của con đập.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Công thương cũng thống nhất phương án sẽ mời một số chuyên gia đầu ngành về thủy điện, giảng viên của các trường đại học từng phản biện và có ý kiến đóng góp về thủy điện Sông Tranh 2 trong thời gian qua tham dự hội thảo tìm giải pháp khắc phục sự cố của đập. Tuy nhiên, sau cuộc họp chiều qua, phương án này bị bác bỏ vì lý do các giải pháp khắc phục và sự cố của đập hoàn toàn nằm trong khả năng giải quyết của các cơ quan liên quan. Ông Trần Văn Hải, trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, cho hay hiện tại các lỗi rò rỉ của con đập đang được các nhà thiết kế vẽ lại bản vẽ chi tiết để khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Đích thân khảo sát trong lòng đập, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong cho hay huyện có phần cảm thấy an tâm khi mực nước hạ xuống thấp và nước trong lòng đập được thu gom. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng nói trước mắt chính quyền tỉnh đồng tình với cách giải quyết của Bộ Công thương. Theo ông Thu, những ngày qua thủy điện đã tăng cường phát hết công suất của hai tổ máy, nên lượng nước trong hồ xuống gần 7m so với tuần trước. Đến chiều 1-4, mực nước tại hồ đo được là 160m (cao hơn mực nước chết 20m).

Theo báo cáo, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) ưu tiên cho nhà máy tiến hành phát điện tối đa, làm giảm nhanh nước lòng hồ để khắc phục sự cố. Dù đồng ý với phương án này nhưng ông Thu cũng lo lắng về việc thủy điện Sông Tranh 2 xả cạn nước hồ trong khi mùa khô chưa đạt đỉnh sẽ khiến vùng hạ lưu sông Thu Bồn có nguy cơ bị nhiễm mặn.

Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại hiện trường cho thấy đến chiều 1-4, vai trái bờ đập chính vẫn bị thấm nước và nhiều khe nước nhỏ xì thẳng từ thân đập ra bên ngoài. Toàn bộ mặt đập bị thấm nước. Tại hành lang kỹ thuật có hai ống nước bằng nhựa lớn được bắt dính vào tường chạy dọc theo đường hầm, đưa nước thẳng từ lòng bờ đập đổ ra ngoài, bên ngoài nhiều ống nhựa thu gom nước vẫn ào ạt chảy.

Theo Ban quản lý dự án thủy điện 3, với cường độ xả nước qua tuôcbin như hiện tại (230m3/giây), nếu thời tiết không mưa lớn, trong vòng 10-15 ngày mực nước hồ sẽ về mực nước chết (140m). Đập thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế gồm sáu cửa xả tràn và không có cửa xả đáy, lượng nước trong lòng hồ chỉ có đường thoát duy nhất là qua hai tổ máy phát điện.

Rút đơn kiện, được hỗ trợ bổ sung 1,5 tỉ đồng

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang vừa ký quyết định điều chỉnh, thay đổi một số nội dung về việc tiếp tục hỗ trợ đối với 19 hộ dân ở thôn 6, thuộc xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Đây là các hộ dân từng “cố thủ” không chịu di dời ra khỏi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 khi thủy điện này tích nước. Lý do: mức hỗ trợ di dời thấp, không hợp lý. Ngay sau đó, 19 hộ dân này đã kiện UBND huyện Nam Trà My và EVN.

Theo quyết định điều chỉnh vừa ban hành, phía tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ 19 hộ dân trên khoản tiền hơn 1,5 tỉ đồng nếu các hộ thống nhất rút đơn kiện địa phương và EVN. Trong trường hợp các hộ dân không thống nhất rút đơn kiện sẽ không được hưởng khoản hỗ trợ nói trên. Theo danh sách, hộ có mức hỗ trợ cao nhất gần 175 triệu đồng, hộ thấp nhất gần 39 triệu đồng.

VÕ TRƯỜNG

TẤN VŨ

source


Monday, 19 March 2012

'Khắc phục ngay vết nứt thủy điện để tránh gây thảm họa'


'Khắc phục ngay vết nứt thủy điện để tránh gây thảm họa'

Giáo sư Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý Địa Cầu cho rằng thủy điện sông Tranh 2 nằm trên đới đứt gãy đang hoạt động mạnh; cần khẩn cấp khắc phục ngay vết nứt ở thân đập chính để tránh gây thảm họa cho hạ lưu.
> Thủy điện sông Tranh 2 xuất hiện nhiều vết nứt / EVN trần tình về vết nứt

Trao đổi với VnExpress.net, Giáo sư Cao Đình Triều cho rằng thân đập chính của công trình thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) xuất hiện đến 4 điểm nứt, rò rỉ nước từ lòng hồ xuyên qua đập là đáng lo ngại. Các cơ quan chuyên môn cùng đơn vị chủ đầu tư cần khẩn cấp vào cuộc kiểm tra các vết nứt, rò rỉ này để tránh gây thảm họa cho vùng hạ lưu.

Giáo sư Triều nhận định, thân đập thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên đới đứt gãy đang hoạt động mạnh nên gây ra những vết nứt, rò rỉ. Do vậy, trước mắt, các cơ quan chuyên môn cần sớm thăm dò, đo đạc mức độ nguy hiểm của vết nứt để có giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp.

"Nếu để lâu ngày, vết nứt lan rộng, thân đập bị đứt gãy thì hàng trăm triệu mét khối treo ở độ cao 100 mét so với vùng hạ lưu ào xuống thì hiểm họa thật khó lường", giáo sư Triều lo ngại.

Khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 chứa khoảng 730 triệu mét khối nước nằm ở độ cao 100 mét so với vùng hạ lưu. Nếu sự cố xảy ra, vùng lòng hồ có nguy cơ trở thành thác nước khổng lồ gây thảm họa cho khu vực dân cư vùng hạ lưu bên dưới. Ảnh: Trí Tín
Khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 chứa khoảng 730 triệu m3 nước nằm ở độ cao 100 mét so với vùng hạ lưu. Ảnh: Trí Tín.

Hiện 4 điểm nứt ở phần thân trái đập rò nước khá mạnh từ khu vực lòng hồ chảy thấm qua thân đập tuôn xuống hệt như khe suối. Theo ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2, những vết nứt trên đều ở vị trí các khe nhiệt của khối bêtông bờ đập. Ông Hải cho rằng, hiện tượng thấm nước qua khe nhiệt bị nứt nằm trong tầm kiểm soát, rò thấm nước với cường độ 30 lít một giây xuất hiện từ tháng 11/2011 trong phạm vi yêu cầu thiết kế, không thể gây nguy hiểm gì.

Tuy nhiên, chiều 19/3 ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Bắc Trà My phản đối: "Lãnh đạo Ban quản lý thủy điện Sông Tranh 2 bảo rằng vết nứt trong mức cho phép thiết kế, không gây nguy hiểm gì là vô lý. Nước từ khu vực lòng hồ rò rỉ qua thân đập bê tông cốt thép tuôn chảy mạnh như dòng suối mà nói bình thường thì thật đáng ngờ. Tôi đã điện thoại yêu cầu Ban quản lý báo cáo bằng văn bản, thế nhưng đến chiều nay vẫn chưa thấy trả lời".

Thân đập chính công trình thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My- nơi xuất hiện bốn vết nứt, rò rỉ nước từ khu vực lòng hồ xuyên qua ở thân đập dày làm bằng bê tông cốt thép. Ảnh: Trí Tín
Thân đập chính công trình thủy điện Sông Tranh 2, nơi xuất hiện 4 vết nứt, rò rỉ nước. Ảnh: Trí Tín.

Theo ông Sơn, nếu phía Ban quản lý thủy điện Sông Tranh 2 cho rằng đã phát hiện vết nứt, rò rỉ trên thân đập vào cuối năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục là thiếu tinh thần trách nhiệm. Ban quản lý khẳng định vết nứt trên không gây nguy hiểm thì tại sao không gửi văn bản đến chính quyền địa phương thông báo rộng rãi cho người dân biết để yên tâm.

"Nếu trong vòng hai ngày tới, Ban quản lý công trình thủy điện Sông Tranh 2 không báo cáo về việc đập bị rò rỉ và giải pháp khắc phục, chính quyền huyện sẽ báo cáo tỉnh can thiệp", ông Phó Bí thư thường trực huyện ủy Bắc Trà My nhấn mạnh.

Giữa năm ngoái, lòng đất Bắc Trà My phát ra nhiều tiếng nổ bất thường làm rung chuyển nhà cửa đồ đạc khiến người dân lo lắng. Tháng 12/2011, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận nguyên nhân tiếng nổ trong lòng đất là động đất kích thích do hoạt động hồ chứa tích nước công trình thủy điện Sông Tranh 2. Các chuyên gia cũng đã đề xuất Bộ Khoa học công nghệ giúp địa phương này lắp đặt trạm quan trắc động đất phòng ngừa nguy hiểm cho người dân, thế nhưng đến nay vẫn chưa có sự hỗ trợ nào.

Từ sau tết Nhâm Thìn đến nay, lòng đất ở vùng hạ lưu công trình thủy điện sông Tranh 2 vẫn còn xuất hiện những đợt dư chấn gây rung chuyển mặt đất nhưng nhẹ hơn so với trước.

Sáng 19/3, UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cũng đã lập đoàn kiểm tra vết nứt, rò rỉ ở thân đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Sau khi kiểm tra thực tế, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện xác nhận tình trạng thân đập chính của công trình thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện 4 điểm nứt, rò rỉ. Nước từ khu vực lòng hồ chứa thẩm thấu qua thân đập chảy tràn từ cao trình 100 mét xuống thấp theo dòng với cường độ mạnh

Chiều 19/3, huyện Bắc Trà My đã gửi văn bản báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh Quảng Nam; đồng thời đề xuất tỉnh kiến nghị Bộ, ngành chức năng sớm kiểm tra, khắc phục các vết nứt, rò rỉ trên thân đập chính thủy điện Sông Tranh 2 tránh nguy hiểm cho người dân.

Trí Tín

source

http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/03/khac-phuc-ngay-vet-nut-thuy-dien-de-tranh-gay-tham-hoa/

Wednesday, 22 February 2012

Xác định nguyên nhân ban đầu gây sập giàn giáo kinh hoàng


Thứ Tư, 22/02/2012 - 15:51


Sáng nay (22/2), Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã tiếp tục tiếp cận hiện trường để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Công an quận Hà Đông cũng đã cử người đến Bệnh viện Quân y 103 tiếp xúc các nạn nhân, khai thác thông tin phục vụ điều tra.
Toàn bộ giàn giáo từ tầng 6 đã đổ sập xuống
Sau vụ tai nạn xảy ra tại tòa nhà thuộc dự án Mulberry Lane có chủ đầu tư là Công ty TNHH CapitaLand - Hoàng Thành, xảy ra vào 17 giờ chiều qua (21-2), công ty Cổ phần Xây dựng công trình CSCEC của Trung Quốc (CSCEC), tổng thầu công trình này đã có văn bản báo cáo.
Theo báo cáo, công trình này có quy mô sử dụng 1.000- 4.000 lao động. Vụ tai nạn xảy ra tại vị trí Block E đổ giàn giáo bao che.

Nguyên nhân được CSCEC cho rằng, do công nhân thi công tại vị trí sàn 6 đã tự ý tháo gỡ gông sàn của giàn giáo bao che dẫn đến nguyên nhân làm giàn giáo bao che bị đổ sập. Giàn giáo bị đổ sập đã đè vào công nhân đang trên đường về.

Sau vụ sập giàn giáo kinh hoàng, sáng 22/2, các công nhân đến công trường trong tâm trạng vẫn chưa hoàn hồn. Tuy nhiên, hàng trăm công nhân làm lại phải tá hỏa đi làm thẻ ra vào.

Trước cổng công trình đã có barie chắn ngang đường, có vài ba bảo vệ đứng gác, kiểm tra nghiêm ngặt. Ai không có thẻ đều bị đuổi ra ngoài.

Cùng ngày, GS-TS Lê Vân Trình - Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động - cho biết, ông đã cử người xuống hiện trường, làm việc với cơ quan chức năng để nắm rõ tình hình.

"Để một giàn giáo đổ sụp ở tầng cao như vậy, chắc chắn công trường này đã không đảm bảo quy định về an toàn lao động. Chúng tôi sẽ có kiến nghị với cơ quan chức năng để xử lý các đơn vị sai phạm", GS-TS Lê Vân Trình nói.

Ngày 22/2, ông Bạch Quốc Việt - Trưởng phòng An toàn lao động, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội cũng cho biết, hiện đoàn kiểm tra tai nạn lao động của thành phố phối hợp cùng cơ quan công an vẫn đang tiến hành khám nghiệm tử thi cũng như điều tra thu thập chứng cứ tại hiện trường với quyết tâm cao nhất để sớm có kết luận.

Cơ quan chức năng khẳng định sẽ sớm có kết luận chính thức
về nguyên nhân gây sập giàn giáo
Tuy nhiên, khi được hỏi về nguyên nhân gây ra sự cố thì ông Việt cho biết, theo tường trình ban đầu của Công ty xây dựng Trung Quốc, tại vị trí giàn giáo trước khi bị đổ sập thì có tới 2 đơn vị cùng tham gia thi công. Đó là 1 đơn vị xây dựng đang cho công nhân trát ngoài và 1 đơn vị lắp ráp cửa kính.

Đơn vị thi công cửa kính sau khi hoàn thành công việc đã tự ý tháo bớt một số thanh giằng trong giàn giáo khiến giàn giáo mất mối liên kết dẫn đến bị yếu, mất an toàn và dẫn đến bị đổ sập nhanh chóng.

Được biết, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra và công bố kết quả thanh tra sau 30 ngày. Nếu như vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, để xảy ra tình tiết nghiêm trọng, Sở sẽ gửi đề xuất sang cơ quan công an để có thể khởi tố vụ án.

Hỗ trợ 250 triệu đồng cho gia đình công nhân thiệt mạng

Vụ tai nạn sập gián giáo khiến 1 người chết và 4 người bị thương. Nạn nhân bị tử vong là Nguyễn Tiến Sang ((31 tuổi, quê ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Anh Sang nhập viện do bị chấn thương nặng đầu trái và ngực trái, 4 nạn nhân còn lại được xác định là: Phạm Văn Toàn (SN 1980, quê Hải Dương); Phạm Văn Trang (SN1990, quê Hải Dương); Phạm Văn Thành (SN 1963, quê Thanh Hóa) và Trần Văn Thoại (SN 1969, quê Thanh Hóa).

Trước đó, cả 5 nạn nhân đều được đưa vào Bệnh viện Quân đội 103 (Hà Đông, Hà Nội) cấp cứu chiều tối 21-2 trong tình trạng bị thương rất nặng. 1 nạn nhân trong số đó bị gãy xương đùi, phải phẫu thuật cấp cứu.

2 trường hợp khác được chuyển từ Khoa cấp cứu sang Khoa hồi sức cấp cứu, trong đó anh Sang khi vào viện đã ngưng tim, ngưng hô hấp phải cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực nhưng không qua khỏi. Trường hợp còn lại bị chấn thương sọ não có máu tụ, hôn mê sâu, rất nguy kịch.

Hiện nhà thầu là Công ty CSCEC đã cam kết sẽ hỗ trợ cho gia đình của công nhân bị chết số tiền 250 triệu đồng. Còn với 4 công nhân bị thương đang nằm điều trị sẽ được Công ty hỗ trợ toàn bộ chi phí cho đến khi bình phục và sẽ có bồi thường thỏa đáng cho những công nhân này”.
source
http://dddn.com.vn/20120222034058671cat111/xac-dinh-nguyen-nhan-ban-dau-gay-sap-gian-giao-kinh-hoang.htm

Hà Nội: Sập giàn giáo, nhiều người thương vong


Cập nhật lúc : 8:02 PM, 21/02/2012

Hà Nội: Sập giàn giáo, nhiều người thương vong

(VOV) - Một vụ sập giàn giáo nghiêm trọng vừa xảy ra vào khoảng 17h chiều nay tại khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội khiến nhiều người bị vùi trong đống đổ nát.

Công trình xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng (Ảnh: Vietnamnet).

** Theo thông tin mới nhất mà VOV online vừa có được, 5 nạn nhân của vụ tai nạn trên đã được được chuyển vào viện 103 (Hà Đông - Hà Nội) và đã có 1 người thiệt mạng.

Theo thông tin ban đầu thì đây là một khu xây dựng cao tầng gần với khu chung cư Làng Việt kiều Châu Âu TSQ ở khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội. Khu vực xung quanh rất tối. Công trình này đang được hoàn thiện bên ngoài.

Công trình xảy ra tai nạn có 34 tầng, vụ sập giàn giáo xảy ra ở khu vực tầng 9-10.

Hiện công tác cứu hộ đã được triển khai.

Theo nhân chứng tại hiện trường, công trình xảy ra tai nạn có 34 tầng, vụ sập giàn giáo xảy ra ở khu vực tầng 9-10. Thông tin ban đầu cho biết, có ít nhất 5 người bị thương, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện.

Bảo vệ can thiệp khi phóng viên muốn tiếp cận hiện trường (Ảnh: CTV).

Còn theo lời kể của một công nhân làm việc tại đây thì vào khoảng 17h, khi anh đang làm việc ở tầng 27 thì nghe một tiếng nổ lớn. Hoảng hồn nhìn xuống dưới đất thì anh thấy có một số đồng nghiệp đang bị vùi trong đống đất đá đổ nát.

Hiện tại, công trường này đã tắt điện, hàng rào được đóng lại.

Khu đô thị Mỗ Lao, nơi xảy ra vụ việc (Ảnh chụp từ google map).

Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Phan Văn Mậu - Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH Hà Nội, ngay sau khi biết tin vụ việc sập giàn giáo tại phường Mỗ Lao, Sở LĐTBXH Hà Nội đã cử cán bộ có mặt tại hiện trường để nắm tình hình và có những báo cáo bước đầu cho Sở.

Theo ông Mậu, phải đến sáng 22/2, các cơ quan chức năng mới có thể tiến hành khám nghiệm hiện trường để kết luận về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng này.

Ông Phan Văn Mậu cho biết: Theo những thông tin ban đầu tôi nắm được từ hiện trường, đây là một vụ tai nạn lao động do sập giàn giáo tại một công trình xây dựng mà nhà thầu là một đơn vị của Trung Quốc. Các nạn nhân đa phần là do ngã cao, bị giàn giáo đổ sập vào người.

Theo một số nguồn thông tin thì tính đến hồi 20h30 đã có 1 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương trong vụ tai nạn này.

Hiện trường vụ sập giàn giáo (Ảnh: CTV).

Theo thông tin mới nhất từ một bạn đọc yêu cầu giấu tên của VOV online, thì do giàn giáo rất cao nên các công nhân phải buộc dây an toàn và điều chỉnh giàn giáo. Tuy nhiên khi đang thi công thì giàn bị nghiêng và đổ ập xuống rất nhanh.

Còn bạn đọc có email hai_fbs@... là khách hàng trong tòa nhà E bị sập giàn giáo này cho biết: Dự án Mulberrylane chủ đầu tư là Capitaland Hoàng Thành.

Các phóng viên có mặt tại hiện trường cho hay, rất nhiều đối tượng "đầu gấu" đã xuất hiện và hăm dọa, cản trở các phóng viên tác nghiệp.

Nhiều phóng viên đã gọi điện thoại đề nghị lực lượng công an can thiệp.


Đến 19h50, một sĩ quan công an quận Hà Đông đã xác nhận cơ quan này đã tiếp nhận vụ việc và đang thực hiện khám nghiệm hiện trường.

Dự kiến vào ngày mai, công an quận Hà Đông sẽ chính thức trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh vụ việc này.

Khu đô thị Mỗ Lao tọa lạc tại Q.Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội 10km, nằm giữa 2 trục đường QL6 và Lê Văn Lương kéo dài, với tổng diện tích mặt bằng là 64ha, được khởi công từ tháng 12.2005.

Theo thông tin, chủ đầu tư là Công ty Booyoung (Hàn Quốc) với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng.

Đáng chú ý nhất ở Khu đô thị Mỗ Lao là khu trung tâm tài chính, thương mại, văn phòng... Tại đây sẽ có một tòa tháp đôi cao 41 tầng, khu triển lãm ngoài trời, trung tâm ngôn ngữ, trụ sở các cơ quan, đơn vị... Ngoài ra, khu đô thị còn dành hơn 6,6 ha để trồng cây xanh. Hệ thống giao thông được quy hoạch hiện đại, với quy mô hẹp nhất là 11,5m và rộng nhất là 36m.

Quý độc giả có thông tin, hình ảnh, clip về vụ tai nạn lao động nghiêm trọng này có thể chia sẻ với VOV online qua địa chỉ: toasoan@vovnews.vn
Xin trân trọng cảm ơn!

VOV online

source

http://vov.vn/Home/Ha-Noi-Sap-gian-giao-nhieu-nguoi-thuong-vong/20122/200814.vov

Thursday, 9 February 2012

Cháy lớn tại công ty P&G


09/02/2012 21:02

Cháy lớn tại công ty P&G

TTM - Vào khoảng 18g tối 9-2, một ngọn lửa bùng phát dữ dội tại công ty P&G Việt Nam (chuyên sản xuất hoá mỹ phẩm ở P.Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Công nhân công ty cho biết ngọn lửa bùng phát từ kho hóa chất, sau đó lan sang kho thành phẩm. Khoảng 300 công nhân đang làm việc đã chạy thoát được ra ngoài.

Ảnh: LÊ KHÔI

Ảnh: LÊ KHÔI

Lực lượng PCCC tỉnh Bình Dương huy động 12 xe chữa cháy cùng 50 chiến sĩ tiến hành dập tắt ngọn lửa. Cảnh sát 113, cảnh sát giao thông thị xã Thuận An cũng được huy động để phong toả hiện trường tạo điệu kiện cho công tác cứu hoả.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy đã chia làm 3 hướng để tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên do đám cháy phát tán nhanh nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Đến khoảng 22g, lực lượng phòng cháy đã tiếp cận được vào bên trong nhà xưởng.

Hàng trăm người dân hiếu kỳ đã tập trung đông trước khu vực công ty để chứng kiến vụ cháy gây tắc nghẽn giao thông.

Tuy nhiên, lửa vẫn tiếp tục bốc cháy âm ỉ ở nhiều khu vực. hoà hoạn đã nhiều rụi nhiều máy móc, nguyên liệu và mỹ phẩm. Diện tích cháy ước tính hơn 500m2. Hiện công an đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy.

Ảnh: LÊ KHÔI

source
http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Chinh-tri-Xa-hoi/100064,Chay-lon-tai-cong-ty-P-G.ttm

Thursday, 5 January 2012

Đổi đất lấy hạ tầng: Đang làm trái luật


Đổi đất lấy hạ tầng: Đang làm trái luật

TỪ NGUYÊN

04/01/2012 11:28 (GMT+7)

picture Rất nhiều địa phương hiện đang áp dụng cơ chế đổi đất để có những con đường, tuyến phố.
E-mail Bản để in Cỡ chữ Chia sẻ: facebook twitter google rss
Pháp luật về đất đai hiện hành không có bất kỳ một quy định nào liên quan đến cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”, song trên thực tế việc này vẫn được thực hiện vì lợi ích của cá nhân, tổ chức cũng như các nhà đầu tư. Câu chuyện của Bà Rịa - Vũng Tàu Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” từ tháng 4/1992. Đến tháng 2/1993, Chính phủ đã chính thức cho phép tỉnh thử nghiệm cơ chế này. Tuy nhiên, ngay khi bắt tay vào áp dụng, đã có rất nhiều tranh luận về cơ chế mới, khiến tỉnh gặp không ít thăng trầm trong quá trình thực hiện. Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lúc đó, cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” là một cơ chế rất tốt cho những địa phương thiếu vốn đầu tư. Từ năm 1992 - 2000, tức là sau 8 năm thực hiện, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của tỉnh đã phát triển vượt bậc. Điều này cũng có thể thấy trên thực tế những con đường hình thành từ cơ chế này chạy ven biển Vũng Tàu. Rồi cũng đã có những ước tính hiệu quả phát triển hạ tầng của tỉnh bằng những con số: tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng bằng cơ chế mới này đạt tới 1.700 tỷ đồng trong 8 năm, trong khi sức đầu tư từ ngân sách nhà nước cố gắng lắm cũng chỉ đạt 40 tỷ đồng/năm, tương đương 320 tỷ đồng/8 năm. Như vậy, nếu chỉ tính về thời gian thì Bà Rịa - Vũng Tàu đã rút ngắn được quãng đường 45 năm. Cách làm như vậy đã tạo nên mặt bằng hạ tầng khá hiện đại cho địa phương này trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, khi hạ tầng phát triển nhanh sẽ tạo lực hút đầu tư phát triển mạnh hơn, cũng sẽ làm giá đất chung tại Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cao, người dân được hưởng giá trị tăng thêm trên đất mình đang nắm giữ. Những đánh giá như vậy có thể sẽ đúng nếu chỉ xét về hiệu quả của phát triển hạ tầng. Từ phía khác, lại có thể thấy cách đổi đất như vậy gây thiệt thòi cho Nhà nước, cũng là cho toàn dân. Bởi nếu giá trị khu đất đem đổi được xác định khách quan và phù hợp với giá thị trường thì hiệu quả sẽ còn cao hơn, hạ tầng còn phát triển hơn. Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi thực hiện cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” trong hoàn cảnh chưa có quy định của phát luật khung, chắc chắn đã/sẽ dẫn tới những “sai sót” do vô tình hay hữu ý, thậm chí những sai sót đó cũng chưa có chuẩn mực pháp luật để đánh giá. Do đó, sẽ không phải vô cớ khi có ai đó nói rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải mất quá nhiều đất mới có được một đoạn đường. Luật cấm vẫn làm? Theo thống kê của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), chỉ tính riêng trong giai đoạn 2000 - 2008, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông vận tải lên tới gần 117.800 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ. Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý công sản Phạm Đình Cường cũng cho hay, từ 2002 - 2010, diện tích đất chuyển đổi mục đích sử dụng là 140.000 ha; trong đó có 62.000 ha dùng cho xây dựng nhà ở đô thị, còn lại là hạ tầng xã hội. Dự báo của cơ quan này cho thấy, thực tế ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng năm 2012 và vài năm tới đây được dự báo chỉ đáp ứng 46% nhu cầu xây dựng. Như vậy có thể thấy, nhu cầu “đổi đất lấy hạ tầng” sẽ là một giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh ngân sách cho phát triển hạ tầng còn hạn hẹp. Tuy nhiên, theo GS. Đặng Hùng Võ, trên thực tế, pháp luật trước năm 2000 có quy định vấn đề “đổi đất lấy hạ tầng”. Tuy nhiên, từ năm 2003 mà cụ thể là trong Luật Đất đai 2003, vấn đề này đã không được đề cập đến, có nghĩa là từ đó Quốc hội đã không đồng ý cho phép thực hiện cơ chế này. Bởi lẽ, khi đánh giá về hiệu quả của cơ chế, nhiều ý kiến đã cho rằng cơ chế này thường gắn với tiêu cực trong xác định giá trị khu đất đem đổi. Trong khi giá trị hạ tầng mà nhà đầu tư xây dựng có thể dễ dàng định giá chính xác với giá thị trường, thì để định giá một khu đất theo giá thị trường lại là một chuyện không hề dễ, chưa kể định giá theo giá do UBND cấp tỉnh đó ban hành, từ đó thường khiến nhà nước thiệt hại được cho là từ 5 - 10 lần so với giá thị trường. Tuy nhiên, cũng vì cơ chế “đổi chác” này luôn hấp dẫn các nhà đầu tư cũng như chính quyền các địa phương trong thời gian qua, thậm chí là đến tận bây giờ, bởi 2 lý do: việc có nhiều nhà đầu tư sẽ khiến cho tốc độ phát triển kinh tế, hạ tầng địa phương đó phát triển mạnh, đồng thời nó cũng tạo ra cơ hội tiêu cực cho các nhà quản lý. Đáng chú ý, Nghị định 181/2004 về thi hành luật đất đai có quy định về cơ chế “sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng”, trong đó quy định rõ hai hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn bằng tiền trực tiếp xây dựng công trình hoặc đấu thầu xây dựng công trình và đầu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn cho công trình đó trong một gói thầu. Hiện chúng ta vẫn gọi trường hợp thứ hai nói trên là “đổi đất lấy hạ tầng”, tuy nhiên các điều khoản đi kèm trong nghị định nói trên bắt buộc phải thực hiện theo nguyên tắc: thang điểm đấu giá đất sẽ được chấm riêng (tương đương như đấu giá đất) ngay trong một gói thầu khi áp dụng hình thức thứ hai nói trên. Theo GS Đặng Hùng Võ, quy định như vậy là chặt chẽ về giá trị nhưng lại thiếu sức sống trên thực tế vì không còn hấp dẫn nhà đầu tư nữa. Hơn nữa, việc đấu giá đất mà chưa có hạ tầng cũng làm cho giá đất bị giảm đi rất nhiều, bởi giá đất chỉ tăng khi gắn với hạ tầng. Ông Võ cho rằng, trên thực tế, cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” có bản chất là “hàng đổi hàng”, nên để rõ ràng minh bạch cả hai hàng hóa này phải được định giá phù hợp giá thị trường trước khi đem đổi. Cơ chế này có nhiều ưu điểm đối với các nước còn nghèo như Việt Nam và cũng là một cách vốn hóa đất đai hiệu quả. Thế nhưng, cũng có thể vì e ngại những tiêu cực trong quá trình thực hiện nên có thể luật pháp đất đai hiện hành không cho phép thực hiện cơ chế này. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” đã được biến thể sang cơ chế BT (xây dựng - chuyển giao) mà Nhà nước trả cho nhà đầu tư bằng đất. Do đó, theo GS. Đặng Hùng Võ, việc loại bỏ một cơ chế khỏi pháp luật khi mà cơ chế đó đang có sức sống trên thực tế là điều không nên. Còn theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, hiện các cơ quan quản lý cũng đang khá “đau đầu” với bài toán làm thế nào để động viên tài chính từ đất cho đầu tư hạ tầng. Thực tế cũng đã có nhiều giải pháp đã được đưa ra như đổi đất lấy hạ tầng; thay đổi quan điểm thu hồi đất theo hướng các bên cùng có lợi; nâng các nguồn phí xây dựng/dịch vụ trên đất... Tuy nhiên, do chưa có định mức phí phải thu cũng như cơ quan quản lý chưa định lượng được giá trị gia tăng do các công trình hạ tầng đem lại sau khi xây dựng trên quỹ đất được thu hồi nên các nguồn thu đều khó thực hiện.
source
http://vneconomy.vn/20120104105227709P0C17/doi-dat-lay-ha-tang-dang-lam-trai-luat.htm

Monday, 2 January 2012

Tàu Queen chìm vì chở quặng Nickel?


Tàu Queen chìm vì chở quặng Nickel?

- Một chuyên gia đã gửi đến VietNamNet bản phân tích, nhận định của anh về việc tàu Queen bị chìm. Theo phân tích của độc giả này, việc tàu chìm là do chở quặng Nickel Ore - loại hàng rắn rời được xếp vào rủi ro nhóm A do tính chất hóa lỏng của nó khi độ ẩm cố hữu đạt trên 10%.

Do cộng hưởng của nước trong hầm hàng?

Một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực cho thuê, mua bán tàu, chuyên chở hàng hoá phân tích: khi biết được thông tin tàu Queen "mất tích một cách bí ẩn", tôi thấy vô cùng ngạc nhiên và bức xúc khi biết tàu chở quặng Nickel.

Điều ngạc nhiên đầu tiên là vào lúc này không có bão lớn, chỉ gió mùa đông bắc cấp 8-9 biển động nhưng đối với tàu Queen thì gió này chẳng hề hấn gì, thậm chí gió cấp 10-11, nếu thuyền trưởng và đại phó biết cách sắp xếp hàng hoá và hàng hoá không phải là quặng Nicken.

Tàu Queen bị chìm có thể do nguyên nhân chở quặng Nickel? - Ảnh: TP

Vì sao tàu mất tích? Theo suy nghĩ và kinh nghiệm của tôi thì yếu tố chính là gió mùa Đông Bắc hơi lớn và hàng trong tàu chính là quặng Nickel.

Mùa này vùng biển Luzon hay Việt Nam có gió cấp 7-9 trong những lúc có gió mùa đông bắc là chuyện bình thường, gió này không thể nào đánh chìm được tàu Queen nếu hàng hoá trên tàu không phải là quặng Nickel.

Tàu Queen bị chìm do hiện tượng cộng hưởng của nước trong hầm hàng với gió mùa nên mới bị đắm.

Quặng Nickel rất ẩm ướt, nếu thuyền trưởng/đại phó không kiểm tra kỹ trước khi xếp hàng thì khi hàng xếp lên tàu, nguyên tắc hoá lỏng của quặng Nickel cộng với nước có sẵn trong quặng sẽ thẩm thấu xuống dưới.

Lúc này, hầm tàu giống như đang chở một hỗn hợp lõng giống bùn. Khi có gió làm nghiêng tàu, hỗn hợp này sẽ chảy về một phía theo nguyên tắc bình thông nhau, lúc này tàu sẽ không thể lấy lại tính cân bằng và sẽ nghiêng về một phía cho đến lúc chìm luôn.

Không biết thuyền trưởng/đại phó của tàu Queen có biết điều này hay không hoặc có chịu sức ép nào của chủ tàu hay không? Không biết trên hợp đồng thuê tàu người quản lí tàu có điều khoản là "Thuyền trưởng/ Đại phó có quyền từ chối cho xếp hàng nếu độ ẩm của hàng trên 35%" hay không?

Nếu người khai thác tàu có kinh nghiệm thì trong hợp đồng thuê tàu chở hàng Nickel phải có điều khoản này.

Bởi vì, quặng Nickel là loại hàng rắn rời được xếp vào rủi ro nhóm A do tính chất hóa lỏng của nó khi độ ẩm cố hữu đạt trên 10%.

Đối với tàu của nước ngoài khai thác, khi xếp hàng quặng Nickel thuyền trưởng luôn kiểm tra từng xà lan hàng và họ sẽ từ chối ngay hàng khi độ ẩm vượt quá 35%.

Đây là điều tiên quyết không có khoan nhượng của tàu nước ngoài. Bạn tôi từng phải bồi thường thiệt hại 240.000 USD với một chủ tàu Hy Lạp khi xếp hàng này ở Pomala Indonesia.

Thuyền trưởng nhất định không chịu cho xếp hàng khi độ ẩm hàng vượt 35%. Chủ tàu sẵn sàng đòi tiền tàu quá hạn nhưng họ nhất định không chịu cho xếp hàng vì họ xem mạng sống của thuỷ thủ rất cao và con tàu là tài sản riêng của họ, không phải tàu là của nhà nước như tàu Queen.

Tôi đề nghị cơ quan chức năng, nhất là Bộ trưởng Thăng phải làm đến nơi đến chốn để lấy lại công bằng.

Tiền đóng tàu này là tiền thuế của dân, thủy thủ là công dân Việt Nam, để họ mất tích vì đồng tiền thì không đáng. Hãy làm rõ trách nhiệm từng người vì sao để tài sản lớn và hai mươi ba con người mất tích như vậy?

Hãy xem lại những vụ đắm tàu gần đây nhất là năm ngoái, tàu Nasco Diamond tải trọng 57K DWT của China bị đắm ở biển Nhật Bản cũng nguyên nhân do chở Nickel Ore; tàu Jian Mao 09 của China tải trọng 34K Dwt cũng bị đắm khi đang chở Nickel Ore.

Tại sao ban lãnh đạo Vinalines lại không xem đó là những bài học bổ ích, để lặp lại một thảm kịch khủng khiếp thế này?

Hãy cầu nguyện bình yên cho 23 thuỷ thủ Việt Nam. Hy vọng những chủ tàu khác coi đây là bài học đắt giá để làm tốt hơn sau này.

Nhiều tai nạn chìm tàu vì chở quặng Nickel đã từng xảy ra

Cũng đồng quan điểm như trên, phân tích trên báo Tiền Phong, kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình, Thành viên Hội Kiến trúc sư Đóng tàu & Kỹ sư Hàng hải Hoa Kỳ (VSNAME), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Biển Việt Nam cũng đưa ra những nhận định tương tự về nguyên nhân tàu Queen bị chìm vì do chở quặng Nickel.

Kỹ sư Đỗ Thái Bình cho rằng, tàu bị tai nạn khi đang chở quặng Nickel khiến tôi nghĩ ngay đến vấn đề đó. Nhiều tai nạn đã xảy ra với tàu chở quặng. Chỉ tính hai năm gần đây, đã xảy ra năm vụ.

Quặng Nickel khi hoá lỏng trông như một hỗn hợp lỏng - Ảnh: TP

Ba con tàu sự cố vào cuối năm 2010 đều là tàu chở xô, tức là những tàu chở hàng không đóng bao, hàng được rót thẳng vào hầm. Ba tàu này đều cùng chở quặng nickel, cùng bốc hàng từ Indonesia, cùng treo cờ Panama nhưng ông chủ thật sự là Trung Quốc. Từ lâu, người ta đã bàn luận nhiều về thứ hàng hóa được coi là nguy hiểm này.

Theo ông Bình, quặng sắt hay quặng nickel bình thường được coi là thứ hàng khô ráo. Nhưng khi quặng hút ẩm, sẽ xảy ra hiện tượng hóa lỏng. Bình thường, các hạt quặng có chứa độ ẩm nhất định. Khi hàng chất đống trong mỏ được đưa tới bến tàu bằng các sà lan hay xe tải rồi từ đó chất đống lên bến cảng vào những ngày mưa gió, độ ẩm sẽ tăng rất cao.

Người ta thường khuyến cáo các thuyền trưởng phải đặc biệt chú ý tới chứng chỉ cho loại hàng này được phép chất lên tàu với giới hạn độ ẩm cho phép vận chuyển. Nhiều khi độ ẩm quặng trong thực tế vượt quá chỉ số ghi trên giấy và vượt quá mức cho phép.

Thông tin từ ông Bình trên báo Tiền Phong cũng nhận định: Khi tàu chạy trên biển, do lắc ngang, lắc dọc, do trồi lên sụp xuống, khoảng không gian giữa các hạt quặng sẽ giảm đi, làm tăng áp suất nước tại các khe trống, và sức kháng của các hạt cũng giảm. Nếu áp suất nước tại các khe trống tăng đủ lớn, quặng sẽ đạt tới một trạng thái gọi là điểm ẩm chảy.

Số hàng quặng khô rời rạc lúc ấy sẽ chuyển sang trạng thái gần như như một chất lỏng vì lực ma sát giữa các hạt đã bị mất đi. Quá trình đó được gọi là quá trình hóa lỏng của hàng quặng.

Và cái gì tới phải tới. Khi trở thành thứ hàng lỏng, có mặt thoáng tự do, hàng sẽ có xu hướng xô về một hướng khi tàu lắc và không quay trở về vị trí cân bằng ở trung tâm nữa. Khi tàu lắc tiếp, quặng lỏng tiếp tục dồn sang một bên, khiến góc nghiêng của tàu tăng nhanh.

Tàu mất ổn định và lật nhào rất nhanh, nhanh đến mức không kịp phát tín hiệu cấp cứu.

Chính vì nguy cơ cao như vậy, để ngăn ngừa tai nạn, tất cả các tổ chức quốc tế như đăng kiểm, bảo hiểm, các hiệp hội nhấn mạnh phải tuân thủ triệt để Luật Quốc tế về An toàn Chở Hàng xô trong đó có những yêu cầu nghiêm ngặt về độ ẩm cho phép.