Friday, 30 July 2010

Sạt lở quốc lộ ngày một dữ dội


Sạt lở quốc lộ ngày một dữ dội
Cập nhật lúc 8:32:51 PM - 27/07/2010

w-satloquoclo1.jpg


Những vết nứt chạy dài trên QL91A qua Cần Thơ - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Thảo Nguyên/Viễn Đông

Dòng sông Hậu biến đổi thất thường, do bàn tay con người gây nên. Như đã tường thuật trong những bài trước, ghe tàu chạy gây sóng lớn nhiều hơn, khai thác cát lậu cũng nhiều hơn, nạn lấy đất ven sông tràn lan. Và khi Trung Cộng xây đập lấy nước ở thượng nguồn sông Mêkông, mực nước sông xuống thấp, gây nên tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng dữ dội. Nhiều con đường quốc lộ ven các con sông lớn bị sạt lở triền miên. Tình trạng “chắp vá” sạt lở xem như bỏ tiền biếu quan và bà thủy.

Quốc lộ 1A đi qua tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có vô số điểm sạt lở, có khi sập cả một bên đường, khiến nhiều nơi phải mở đường lấn vào bên trong. Phía bên lở thì được đóng cột cừ tràm xây bờ kè, nhưng cũng qua một mùa mưa là đường tiếp tục lở. Nhiều cây cầu bị sạt lở phải bỏ phế để xây cầu mới. Những công trình chống sạt lở thường không theo một quy trình kỹ thuật căn bản nào, nên đường sá luôn luôn bị nạn kẹt xe. Mùa nắng thì bụi ngập đầu, mùa mưa thì sình bùn tung tóe. Hơn thế nữa, nhiều con đường bị cong quẹo do người ta tự ý đào đường, dẫn lối, gây nên nhiều tai nạn chết người.


w-satloquoclo2.jpg


Mặc dù đã nhiều lần xây kè như đường vẫn lở - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


w-satloquoclo4.jpg


Sạt lở ven tỉnh lộ ở Đồng Tháp - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Trong lúc đó, Quốc lộ 91A băng qua địa phận thành phố Cần Thơ, Kiên Giang và tỉnh An Giang, nhất là đoạn qua quận Ô Môn, Thốt Nốt, tình trạng sạt lở đã làm biến dạng con đường, nhiều xe khách do tránh xe gắn máy và người đi đường đã lao xuống kinh rạch, làm thiệt mạng nhiều người. Quanh năm suốt tháng, người dân thấy các công trình xây bờ kè bê tông, nhưng có nơi vừa làm xong phải phá bỏ làm lại vì bị sạt lở. Tình trạng thi công cầm chừng theo kiểu chờ tiền nhỏ giọt khiến cho việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Tai nạn giao thông xảy ra liên tục vì các đơn vị thi công làm việc vô ý thức, cũng không có nhân viên kiểm soát bảo đảm phẩm chất và sự an toàn tối thiểu. Không có rào chắn quanh công trình. Cũng không có bảng báo cho người dân biết mà tránh ra.

Vào mùa khô khi dòng kinh rạch cạn kiệt, người dân ai nấy xuống kinh đào lấy đất làm nền nhà, trồng rau màu, làm lối đi, thậm chí có những nơi lấy đất đắp lò thủ công… Xe lớn xe nhỏ tranh nhau chạy lấn lề lấn đường, nên sạt lở là điều không thể tránh khỏi.

Rạng sáng 22-3, hơn 70 thước Quốc lộ 91 tại ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, Châu Phú (An Giang) bất ngờ bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu. Giao thông giữa các tỉnh trong vùng qua con đường này bị ách tắc, ảnh hưởng dây chuyền. Hàng chục ngôi nhà phải tháo dỡ, di dời khẩn cấp khỏi vùng nguy hiểm. Đoạn đường sạt lở dài gần 400 thước. Dưới địa điểm sạt lở về phía hạ nguồn, có một hố sâu khoảng 20 thước, rộng 60 thước, cách bờ khoảng 30 thước, chạy dài và tạo áp lực dòng chảy ngày càng lấn sát quốc lộ 91.

Còn địa điểm sạt lở trên Quốc lộ 91 tại khu vực tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang cho đến nay đã lên tới hơn 110 thước, lại mới xuất hiện thêm vết nứt dài khoảng 2 thước, hướng về thượng nguồn (Châu Đốc). Tiếp sau đó, vào đầu tháng 6-2010 lại thêm một vụ sạt lở lớn nữa xảy ra cách khu vực sạt lở trước vài chục thước. Khoảng 50 thước đường nhựa rớt xuống sông, lở sâu vào đất liền hơn 15 thước. Nhiều nhà dân và một số lò làm gạch lại phải chạy lánh nạn. Nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở này là do 3 hố xoáy ngày càng xoáy sâu vào đất liền làm cho bờ sông gần như dựng đứng, có nơi tạo thành hàm ếch dẫn đến sạt lở.

Các chuyên gia địa phương nhận định rằng đoạn bờ sạt lở nằm ngay đoạn sông cong hẹp, thắt nút cổ chai nên thủy lực lớn ép sát, xoáy vào bờ sông phía quốc lộ. Theo quy luật chung của dòng chảy, tới đây các hố xoáy sẽ xoáy thành một dãy và nạn sạt lở sẽ xảy ra theo một đường dài, rất khó ngăn chặn.

Quả là chuyện lớn khi ngày càng có quá nhiều con đường quốc lộ độc đạo như từ Sài Gòn về Cà Mau và từ Cần Thơ đi An Giang, Kiên Giang bị sạt lở. Tình trạng giao thông “hỗn loạn” ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt hàng ngày của người dân trong vùng.


w-satloquoclo5.jpg


Sạt lở QL91A ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


w-satloquoclo8.jpg


Xe vận tải lao xuống kinh do đường bị sạt lở - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông

source

Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment