Thursday, 25 November 2010

Hé mở nguyên nhân thảm họa ở Campuchia


25/11/2010 07:01:13

- Ngày 24/11, kết quả điều tra sơ bộ về thảm họa vừa qua ở thủ đô Phnom Penh đã được công bố.

TIN LIÊN QUAN


Theo kết quả điều tra của Ủy ban phụ trách điều tra thảm họa, gồm các bộ trưởng và các quan chức thành phố, việc cây cầu dẫn vào đảo Đảo Ngọc bắt đầu rung lắc, khiến đám đông khoảng 7.000-8.000 người có mặt trên cầu hoảng loạn và giẫm đạp lên nhau để thoát thân.

Cây cầu tang tóc

Việc nhiều người không biết cây cầu rung lắc là điều bình thường đã khiến cho tâm lý đám đông hoang mang và hoảng sợ. Vì sợ cây cầu sẽ sập, họ cố tìm cách bỏ chạy và nhiều người đã nhảy xuống sông để thoát thân.

Trung tướng Sok Phal, Phó Giám đốc Cảnh sát quốc gia và là Phó Chủ tịch Ủy ban điều tra thảm họa, cho biết do người dân không biết đây là cầu treo nên khi cầu rung lắc, một số người đã hô hoán là cầu sắp sập khiến đám đông hoảng loạn và xô đẩy nhau dẫn đến thảm kịch này.

Ông Sok Phal cũng khẳng định các nạn nhân chết là do ngạt thở và bị giẫm đạp, không có dấu hiệu của điện giật hay khủng bố.

Trà My (Tổng hợp)

source

http://bee.net.vn/channel/1987/201011/Nguyen-nhan-dan-toi-tham-hoa-o-Campuchia-Cau-rung-lac-1780214/

Hé lộ nguyên nhân thảm họa giẫm đạp kinh hoàng tại Campuchia

Dân Việt - Một nhân chứng người Việt may mắn thoát chết kể lại, gần 23 giờ đêm 22-11 có một vụ đánh nhau giữa hai nhóm thanh niên trên đảo Kim Cương dẫn đến hỗn loạn...


Trong buổi chiều 23-11, các thành viên Ban chấp hành Hội người Việt tại Phnom Penh đã chia nhau đi khắp bốn bệnh viện lớn của thủ đô để tìm người Việt gặp nạn nhưng rất khó khăn vì số lượng người nhập viện quá đông.

Hiện 8 quận, huyện của thủ đô Phnom Penh vẫn chưa có con số thống kê chính thức về số nạn nhân thiệt mạng, các tỉnh thành lân cận cũng chưa có con số chính thức, tuy nhiên số người chết hiện đã lên tới 413 người.

Theo một nguồn tin riêng của Dân Việt, số người thiệt mạng sẽ tăng lên trong vài ngày tới vì số người mất tích do rơi xuống sông vẫn chưa được tìm thấy. Nhiều người bị thương đang nằm trong các bệnh viện với tình trạng nguy kịch.

Theo Hội người Việt Nam tại Campuchia, danh sách nạn nhân gốcViệt dự đoán sẽ còn nhiều hơn con số hiện tại do lễ hội này thu hút rất đông người Việt tham gia. Ước tính có khoảng một triệu người đã tham gia lễ hội vào tối qua, 22-11.

Một nhân chứng người Việt may mắn thoát chết kể lại, gần 23 giờ đêm 22-11 có một vụ đánh nhau giữa hai nhóm thanh niên trên đảo Kim Cương. Thực ra đây chỉ là một cồn đất nhỏ, nằm tách biệt với đất liền bởi con kênh rộng khoảng 20m.

Trong lúc hỗn chiến, một nhóm bị thua, phải tháo chạy. Do đường ra đảo là hai cầu dây, rộng khoảng 5m, dài khoảng 30m (gồm một chiều ra, một chiều vào) nhưng nhóm thanh niên bị truy đuổi đã lao luôn vào lối đi ngược chiều.

Nhiều tiếng la hét “cầu sập, cầu sập” - được ước đoán có thể do nhóm thanh niên tháo chạy la lên để “mở đường” đã vang lên trong lúc lượng người ở cả hai cầu đều rất đông nên gây hoảng loạn.

Tất cả các phía đều hỗn loạn, hàng ngàn người đã dồn cục trên cầu và chết thảm.

Thông tin ban đầu, con kênh phân cách đảo Kim Cương mực nước khá cạn nhưng do lượng người bị thương rơi xuống va đập lẫn nhau nên bất tỉnh và tử vong do ngộp nước khá lớn…

Saturday, 20 November 2010

Phú Yên: Mưa lũ làm sập kè, thiệt hại hàng trăm triệu đồng


Phú Yên: Mưa lũ làm sập kè, thiệt hại hàng trăm triệu đồng

Dân Việt - Do ảnh hưởng mưa lũ, mái kè bờ Nam nằm ở hạ lưu sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên, đã bị sập một đoạn dài khoảng hơn 70 mét.

Tại hiện trường, toàn bộ mái kè đã bị nước lũ tràn qua. Nguyên nhân ban đầu là do khu vực đất nền bên trong kè thuộc dự án Thành phố Sáng Tạo thấp hơn so với đỉnh kè nên khi nước lũ tràn qua đã tạo dòng xoáy vào mái kè, dẫn đến sập.

Trưởng ban quản lý dự án thủy lợi Phú Yên, đại diện chủ đầu tư ông Lê Văn Hương, cho biết, nếu chỉ xây dựng hệ thống kè mà không xây dựng đồng bộ đường giao thông dọc tuyến kè và không san lấp mặt bằng đất nền khu đô thị thuộc dự án Thành phố Sáng Tạo Nam ngang với đỉnh kè thì hệ thống kè sẽ không đảm bảo an toàn.

Hiện nay, chênh lệch giữa đỉnh kè với nền khu đô thị từ 1,5 đến 3 mét. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 250 triệu đồng.

Mái kè bờ Nam thuộc gói thầu số 6, xây dựng bờ kè dài 1.100 mét đã nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 10-2009. Sau đó không đầy một tháng, kè đã bị sập một đoạn dài 416 mét do trận lũ lụt năm ngoái và trong tháng Mười vừa qua đã đầu tư hơn 600 triệu đồng để sửa chữa, chưa được nghiệm thu đã bị sập lần thứ hai.

Được biết, đến nay dự án Thành phố Sáng Tạo vẫn còn nằm trên giấy nên nếu lũ tiếp tục xảy ra thì hệ thống kè bờ Nam có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng.

Thursday, 18 November 2010

Thủy điện xả nước, Phú Yên lại ngập nặng


Thủy điện xả nước, Phú Yên lại ngập nặng

(Dân Việt) - Hôm qua trong khi lũ tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi giảm thì tại Bình Định, Phú Yên, người dân lại lo lắng vì lũ lên lại...

Khẩn trương khôi phục sau lũ

Người dân ven sông Ba (Phú Yên) lại phải chạy lũ. (Ảnh chụp chiều 18-11).

Đến chiều 18-11, mưa lũ ở Quảng Nam không còn căng thẳng. Tỉnh này đã có 9 người chết, 2 người mất tích. Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Phước Sơn bị sạt lở nhiều điểm, gây ách tắc giao thông. Cầu Đen (huyện Điện Bàn) bị sụt lún nghiêm trọng, các phương tiện vẫn chưa qua lại được. Trên tỉnh lộ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My vẫn còn bị chia cắt, gây cô lập nhiều vùng. Ngày 18-11 là ngày thứ 6, hơn 25.000 dân của huyện núi cao Nam Trà My bị cô lập do mưa lũ.

Tại xã Trà Mai của huyện này, lũ đã làm sụp đổ, hư hại nặng 10 nhà dân và nhiều công sở, như Viện Kiểm sát, nhà cộng đồng tránh lũ... Nhiều ngôi nhà bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Chị Hồ Thị Mười (thôn 2) vừa dựng được ngôi nhà chưa đầy 1 năm thì lũ đã phá tan hoang. “Năm ngoái nhà em ở trên kia bị sạt lở nên làm xuống đây, chừ lại bị vùi lấp, mất hết, mẹ con em không biết sẽ sống như thế nào đây”-chị Mười nghẹn ngào.

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư cho biết, tính đến ngày 18-11, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã làm 27 người chết và mất tích, thiệt hại tài sản ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.(Nguyễn Đình)

Tại Quảng Ngãi, mưa lũ đã làm hơn 10.000 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ. Sau nhiều ngày vật lộn với các trận lũ chồng lên nhau, ngày 18-11, người dân sơ tán đã trở về dọn vệ sinh môi trường, dựng lại nhà cửa.

Tỉnh Quảng Ngãi huy động lực lượng tỏa về các địa phương để giúp dân khắc phục hậu quả. Cùng ngày, nhiều tổ chức, đoàn thể trong và ngoài tỉnh cũng đã chuyển hàng đến cứu trợ người dân vùng lũ. T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ cho tỉnh 400 thùng hàng gồm đồ dùng nấu ăn, chăn màn, áo ấm…

Trong ngày 18-11, hơn 25.000 học sinh và thầy cô giáo của 250 trường bị ngập ở tỉnh này đã trở lại trường dọn dẹp bùn đất, lau chùi bàn ghế để sớm trở lại việc dạy và học.

Thủy điện xả lũ, lũ lại lên

Ngày 18-11, Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước các sông ở Phú Yên lên nhanh. Các hồ thủy điện trên địa bàn lại xả lũ với tổng lưu lượng gần 4.000m3/giây.

Trong đó sông Ba Hạ xả 2.855m3/giây; Krông HNăng (bậc trên của thủy điện Sông Ba Hạ) 120m3/giây; Sông Hinh 1.000m3/giây, làm cho mực nước các sông lên nhanh xấp xỉ trên dưới báo động cấp II. Riêng sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng vượt trên báo động III.

Hiện đã có 8 xã phía Bắc huyện Tuy An bị nước chia cắt và ngập cục bộ. Tuyến đường ĐT650 đoạn qua xã An Định và cầu Lò Gốm xã An Thạch ngập 0,8 - 1,2m, làm tê liệt hoàn toàn hoạt động giao thông tại đây.

Ngoài ra, nước cũng đã tràn vào hơn 130 nhà dân ở vùng trũng thấp thuộc các xã An Định, An Dân, An Cư và thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) từ 0,3 - 0,5m. Tại huyện Đồng Xuân, phải sơ tán hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Quang 3; xóm Giữa (thị trấn La Hai), Tân Long (Xuân Sơn Nam)...

Ngày 18-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ và các bộ, ngành đã thăm và chỉ đạo khắc phục lũ lụt tại Thừa Thiên- Huế. Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù lũ không lớn nhưng thiệt hại về người ở tỉnh quá nhiều. Phó Thủ tướng gửi lời chia buồn đến những gia đình có người thiệt mạng do lũ, đồng thời đề nghị tỉnh Thừa Thiên- Huế kiểm điểm trách nhiệm các địa phương để xảy ra chết người để rút kinh nghiệm. (An Sơn)

Hà Nội: Mặt cầu Thanh Trì bị xô, lún kéo dài


Hà Nội: Mặt cầu Thanh Trì bị xô, lún kéo dài 18/11/2010 06:40
(VTC News) - Được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2009, nhưng đến nay mới qua 18 tháng khai thác, mặt cầu Thanh Trì đã bị lún nhiều điểm. Những vệt lún ngày càng sâu, có nơi sâu hơn 10cm và kéo dài hơn 1km trên mặt cầu.

Những chiếc ô tô cũng nhấp nhô theo những nhịp lượn sóng của rãnh lún
trên mặt cầu.


Ghi nhận của PV VTC News tại hiện trường cho thấy, những vệt lún xuất hiện từ Km 160+870 và kéo dài đến hết cầu Thanh Trì. Làn đường theo hướng từ Gia Lâm về Hà Nội những vệt lún xuất hiện nối tiếp nhau và chia mặt đường thành 2 rãnh lớn với độ sâu lên đến 10cm, bề ngang của vết lún rộng hơn 1m.

Làn đường ngược lại theo hướng từ Hà Nội đi Gia Lâm cũng có hiện tượng lún, xô mặt đường. Nhiều đoạn, thảm nhựa bị xô lệch tạo thành những gợn "sóng" trên mặt cầu.

Càng tiến về chính giữa mặt cầu, những vệt lún xuất hiện càng rõ. Vệt lún hoằm xuống xô khối bê tông giữa đường nhô lên tạo thành những “con mương” lớn giữa mặt cầu.

Chiều 17/11, lượng phương tiện lưu thông trên cầu Thanh Trì rất đông. Nhiều xe ô tô khi đi vào những đoạn đường bị lún đã bị rung lắc mạnh. Cả thân xe cũng bị nhấp nhô theo những nhịp lượn sóng trên mặt cầu, dập lên dập xuống phát ra những tiếng động đặc biệt lớn. Theo quan sát của PV VTC News, khi lưu thông qua các đoạn đường bị hư hại, nhiều phương tiện trọng tải lớn đã "né" làn và đi vào phần đường dành cho xe máy.

Anh Hoàng Tiến Minh (36 tuổi), trú tại Quán Toan, Q. Hồng Bàng, TP. Hải Phòng, lái xe container đi từ hướng Gia Lâm về Hà Nội khi đến giữa cầu đã phải bất thình lình dừng xe để xuống kiểm tra. Anh Minh cho biết: “Đi đến đây, đột nhiên tôi thấy xe rung lắc mạnh, cứ ngỡ xe bị làm sao nên phải xuống để kiểm tra. Hóa ra mặt cầu tại đây nhấp nhô kinh khủng nên khi xe trèo lên những gờ của vệt lún thì xe đã bị chao đảo”.

Lái xe tải 5 tấn, Nguyễn Văn Hùng, trú tại huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, người thường xuyên đi qua cầu Thanh Trì bức xúc nói: “Những vệt lún trên cầu càng ngày càng sâu và kéo dài so với trước đây. Nếu lái xe đi mà không để ý rất dễ mất lái và đi sang phần đường của xe khác và tai nạn cũng rất dễ xảy ra. Thật là nguy hiểm!”

Một người bán hàng dưới dốc phía Bắc cầu Thanh Trì (địa phận Gia Lâm) cho biết: “Vào buổi tối, nhiều xe máy đi không để ý đã lọt xuống rãnh lún, mất lái, bị ngã xuống đường. Những hôm trời mưa, xe máy và ô tô vừa đi vừa đánh võng trên đường”.

Trước đó, những vệt lún đầu tiên trên mặt cầu Thanh Trì đã được phát hiện vào tháng 10/2009, ngay khi cầu mới được đưa vào khai thác khoảng 3 tháng. Đến ngày 12/10/2009, Ban Quản lý Dự án Thăng Long đã cho nhà thầu tiến hành sửa chữa những vết lún đó. Nhưng cho đến nay, các vệt lún lại bắt đầu xuất hiện trở lại với tình trạng sâu hơn và kéo dài hơn so với lần lún đầu.

Trao đổi về VTC News vấn đề này, ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc của Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, hiện Ban quản lý dự án vẫn thường xuyên theo dõi các vệt lún ở trên cầu. Ban đã thuê Công ty Tư vấn công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) tiến hành khoan tại những nơi xuất hiện lún để lấy mẫu phân tích. Dự kiến, đến giữa tháng 12/2010, việc phân tích này mới hoàn thành và khi đó mới xác định được nguyên nhân khiến mặt cầu Thanh Trì bị lún.

Chiều 17/11, PV VTC News ghi lại một số hình ảnh cầu Thanh Trì đang bị lún:

Bằng mắt thường đã có thể nhìn thấy những rãnh sâu do những vệt lún tạo ra trên mặt cầu Thanh Trì.
Ba vị trí được khoan trên những điểm lún trên mặt cầu để lấy mẫu nhựa bê tông đưa đi phân tích.
Những rãnh lún nhìn rõ hơn khi đặt một thanh ngang mặt cầu.
Những vệt lún xuất hiện ở khắp cây cầu.
Có nơi lún sâu hơn 10 cm.
Một gờ nhựa đường nổi lên giữa hai rãnh lún cao sát gầm xe máy.
Chiếc cặp bị dốc xuống khoảng 45 độ so với mặt đường.
Xe máy lảo đảo, nghiêng ngả khi trèo lên những gờ nổi trên cầu.
Nhiều ô tô đã bỏ làn đường đi sang phần đường của xe máy.

Quang Tùng
source
http://vtc.vn/2-269043/xa-hoi/ha-noi-mat-cau-thanh-tri-bi-xo-lun-keo-dai.htm

Thursday, 11 November 2010

Công trình thoát nước TP HCM chưa sử dụng đã lạc hậu


Thứ năm, 11/11/2010, 10:46 GMT+7

Công trình thoát nước TP HCM chưa sử dụng đã lạc hậu

Nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thủy lợi cho rằng hệ thống thoát nước của thành phố được đầu tư xây dựng hàng ngàn tỷ đồng tuy chưa được đưa vào sử dụng đồng bộ nhưng đã có nguy cơ bị lạc hậu.

Thời gian gần đây, khi những cơn mưa to cộng với triều cường lịch sử, tình trạng ngập lụt tại TP HCM đang diễn biến phức tạp, tăng cả về mực nước và thời gian ngập. Những nguyên nhân được lý giải là do san lấp kênh rạch tràn lan, thi công cẩu thả, tăng dân số... và quan trọng là hệ thống thoát nước đô thị yếu kém, chắp vá quá tải do được xây dựng cách đây hơn 40 năm.

Nắm bắt được vấn đề, năm 2001, thành phố đã vay vốn Ngân hàng Thế giới nhằm cải tạo, làm mới hệ thống thoát nước, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng. Từ đó, hàng loạt dự án thoát nước lớn với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng ra đời như: Vệ sinh môi trường nước TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Cải thiện môi trường nước kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ; Nâng cấp đô thị… Qua kiểm tra, Trung tâm điều hành chống ngập thành phố kết luận các dự án đang thực hiện theo kiểu “rùa bò”, chưa đem lại hiệu quả dù đã hoàn thành 80% trong khi vốn đầu tư liên tục đội lên.

Dự án
Dự án "rùa" vẫn tiếp tục hành dân. Ảnh: An Hội

Dù các dự án này chưa hoàn tất, nhưng các chuyên gia lo ngại nó đã lạc hậu, không đáp ứng được hiệu quả. Mỗi khi có mưa lớn, triều cường hoặc kết hợp cả hai là hệ thống thoát nước tại thành phố gần như bị “vô hiệu hóa”, ngập lụt diễn ra ở nhiều tuyến đường, gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

PGS - TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn Đô thị học (Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn) nhận định: “Dự án xây dựng cách đây đã 10 năm rồi, khi đó khí hậu không khắc nghiệt như bây giờ. Ví dụ như triều cường lên đỉnh cao lơn, lượng mưa lớn hơn rất nhiều…. Ngoài ra khi đó thành phố dân còn ít, hiện nay dân số toàn thành phố đã tăng lên gần gấp đôi, điều đó đồng nghĩa với việc nước thải sinh hoạt sẽ tăng mà cống nước vẫn không thay đổi”.

Cụ thể, Dự án cải thiện môi trường nước do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khảo sát thiết kế, kỳ vọng sẽ chữa trị căn bệnh ngập nước cho thành phố. Nhưng cách tính mực nước ngập của JICA chưa hợp lý. Thiết kế dựa trên đỉnh triều cường cao nhất tại sông Sài Gòn là 1,29 m, có khả năng chịu được lượng mưa tối đa khoảng 90 mm (trong trường hợp hai năm mới xảy ra một lần)… Ở khu vực Tàu Hũ - Kênh Đôi, mực nước ngập khi có triều cường lên đến trên 1,5 m nhưng theo quy hoạch của JICA chỉ có 1,32 m... Đối với việc dự báo biến đổi khí hậu, nước biển dâng hầu như không được đề cập trong dự án.

Hay như Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè trải rộng trên diện tích 33 km2 sẽ được lắp đặt hệ thống gồm 72 km cống hộp, cống tròn các loại để bổ sung, thay thế cho hệ thống cống hiện hữu và gần 9 km cống bao. Trong đó, tiết diện cống hộp lớn nhất có khả năng "chịu tải" được lượng mưa tối đa khoảng 90 mm với tần suất 50% (tức 2 năm mới xảy ra với lượng mưa như vậy một lần)...

Nhưng liên tiếp từ đầu tháng 10 đã có hàng loạt những cơn mưa lớn có lượng cao nhất tới 124 mm kết hợp với triều cường đã khiến Sài Gòn mênh mông nước, gây ngập tới gần 75 điểm... Trong khi đó, tình hình triều cường đang ngày càng diễn biến phức tạp. Trước năm 1999, đỉnh triều cao nhất trên sông Sài Gòn là 1,36m, năm 2007 là 1,49m, đến 2008 mức đỉnh triều lên tới 1,54m và đến năm nay nước đỉnh đã lên tới 1,56 đạt kỷ lục nhất 51 năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, nước triều cường vẫn tiếp tục tăng những năm tới.

Người dân TP HCM biết bao giờ mới hết khỏ vì ngập.
Người dân TP HCM biết bao giờ mới hết khỏ vì ngập. Ảnh: An Hội

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng chống ngập - Trung tâm điều hành chống ngập nước TP HCM cũng xác nhận, hiện nay hệ thống thoát nước của thành phố rơi vào tình trạng lạc hậu nên thường xuyên bị quá tải, nhất là vào thời điểm triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ngập nặng.

Cũng theo ông Long, dự án xây dựng cống thoát nước từ năm 2001. Những chiếc cống được lắp đặt vào thời điểm đó chỉ phù hợp với triều cường đỉnh khoảng 1,32m. Còn hiện nay đỉnh triều cường lên tới gần 1,6m và kết hợp mưa lớn nên cống thoát nước không thể vận hành kịp.

Ông Nguyễn Phước Thảo, giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cũng từng nhìn nhận, các dự án lớn đang triển khai được thiết kế trong điều kiện diễn biến khí hậu chưa phức tạp. Thiết kế cống chính có khả năng thoát nước đối với những cơn mưa có lượng khoảng 85 mm với tần suất tràn cống hai hoặc ba năm xuất hiện một lần. Nhưng hiện nay những cơn mưa trên 100 mm xảy ra thường xuyên hơn thì đương nhiên năng lực cống không thể đáp ứng nổi. Vì vậy để giải quyết triệt để ngập trong điều kiện của biến đổi khí hậu chúng ta phải nhượng bộ, tức xây dựng hồ điều tiết để làm giảm gia tăng của hệ số chảy tràn khi có mưa lớn.

“Thành phố không thể liên tục đào cống lên rồi đặt xuống, chỉ có gần 3 năm lô cốt mà người dân đã khổ rồi. Biết là đã lạc hậu rồi nhưng vẫn phải làm cho xong, cho đồng bộ vì dự án cũng đã phê duyệt rồi? Mà khi làm xong cũng không thể giải quyết được thoát nước, người dân phẫn phải chấp nhận cảnh ngập lụt”, tiến sĩ Hòa nói.

An Hội

source

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/11/3BA22C69/